Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát:

Điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền

GD&TĐ - Kết luận điều tra nêu, bị can Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành thông tin về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành thông tin về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bộ Công an tập trung điều tra 2 tội danh chính là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến trái phiếu và “Rửa tiền” liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở giai đoạn 2.

Chuyển tiền ra nước ngoài

Tại họp báo về tình hình, kết quả công tác công an năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C03), Bộ Công an, thông tin về quá trình điều tra giai đoạn 2, trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) và các đơn vị liên quan.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, đây là vụ án lớn với số lượng bị can, người liên quan rất nhiều. Vì vậy, cơ quan điều tra tách vụ án để điều tra trong 2 giai đoạn.

Cụ thể, ở giai đoạn 2, Bộ Công an tập trung điều tra 2 tội danh chính là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến trái phiếu và “Rửa tiền” liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết thêm, đối với hành vi rửa tiền, pháp luật đã quy định rõ những hành vi để rửa tiền. Số tiền mà bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) rút được qua hoạt động ngân hàng đã được bị can này đem đầu tư, mua gom các bất động sản trên toàn quốc và chuyển một phần ra nước ngoài.

Đối với hành vi lừa đảo phát hành trái phiếu, lãnh đạo Cục C03 cho biết, cơ quan điều tra bước đầu xác định bà Trương Mỹ Lan đã thông qua 4 doanh nghiệp để phát hành 25 gói trái phiếu. Các lô trái phiếu này có tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng đã bán cho người mua (trái chủ) nhằm mục đích huy động tiền rồi chiếm đoạt.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cũng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là xác định bị hại. Đại diện C03 đề nghị những nhà đầu tư mua trái phiếu của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm cần đến công an địa phương nơi bị hại đăng ký địa chỉ trên các trái phiếu để trình báo.

Đối với hành vi rửa tiền, pháp luật đã quy định rõ những hành vi để rửa tiền. Ví dụ như người phạm tội dùng tiền có được do phạm tội mà có, để sử dụng vào việc đầu tư, giao dịch ngân hàng, kể cả là tài trợ, từ thiện…

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, số tiền mà bà Trương Mỹ Lan rút được qua hoạt động ngân hàng đã được bị can này đem đầu tư, mua gom các bất động sản lớn trên toàn quốc và chuyển một phần ra nước ngoài. Việc chuyển tiền ra nước ngoài sẽ được công bố sau.

Bị can Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bị can Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Dùng ngân hàng để huy động vốn

Liên quan đến vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ủy thác cho cơ quan điều tra công an các tỉnh, thành phố tiếp nhận thông tin của những người bị hại.

Đồng thời, đề nghị người bị hại trong vụ án khẩn trương đến cơ quan cảnh sát điều tra công an các tỉnh/thành phố (nơi người bị hại cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu) phối hợp làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan. Trong số này, bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố 3 tội: “Đưa hối lộ”; “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”. Bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Nhóm bị can còn lại bị đề nghị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Kết luận điều tra nêu, bị can Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết. Bị can Trương Mỹ Lan đã giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý. Trương Mỹ Lan không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là cổ đông chính ở đây, thời điểm ít nhất cũng giữ 85% cổ phần.

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, Trương Mỹ Lan đã dùng SCB làm kênh huy động vốn cho cá nhân mình. Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB - vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào.

Đồng thời, xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, bị can Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415 nghìn tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án trên, chiều 22/11, Ban Nội chính Trung ương đã thông báo kết quả cuộc họp của thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào sáng cùng ngày.

Theo Ban Nội chính Trung ương, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can. Trong đó, có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

XSMB 100 ngày gần đây