Đại án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Trăn trở thực trạng tham nhũng, tiêu cực

GD&TĐ - Vụ đại án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các đơn vị liên quan đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Liên quan đến đại án này, tham nhũng và tiêu cực được ghi nhận qua những con số “kỷ lục” từ bản kết luận điều tra, lo ngại số lượng tiền bị chiếm dụng có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất.

“Bài toán” thu hồi tài sản

Trong phiên thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến về thực trạng tham nhũng và tiêu cực trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh tới vụ án Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Đại biểu Hòa đánh giá, đây là vụ nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay, số lượng tiền có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất. Vụ án có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản của các đối tượng trong vụ án này.

Đại biểu Hòa nhắc lại, các bị can đã làm khống cả nghìn hồ sơ để chiếm 1 triệu tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB), trong đó có trên 500.000 tỷ đồng tiền gửi của người dân. Đáng nói, trưởng đoàn Thanh tra Ngân hàng Nhà nước còn nhận hối lộ 5,2 triệu USD.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Báo GD&TĐ, TS.LS Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ, có thể nói rằng đây là vụ án xác lập kỷ lục về số tiền chiếm đoạt, số tiền gây thiệt hại, số tội danh, số bị can bị đề nghị truy tố và nhiều vấn đề về pháp lý cho thấy đây thực sự là một “đại án” kinh tế.

Theo đó, có tới 86 bị can bị đề nghị truy tố về nhiều tội danh khác nhau. Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố 3 tội: “Đưa hối lộ”; “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”.

Kết luận điều tra cho thấy, Trương Mỹ Lan sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết; giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý. Dù không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng bà Lan là cổ đông chính ở đây, thời điểm ít nhất cũng giữ 85% cổ phần. Bà Lan đã dùng Ngân hàng SCB làm “kênh huy động vốn” cho cá nhân mình và cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB - vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào.

Cơ quan điều tra xác định bị can Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của Ngân hàng SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.

Ngoài 3 tội danh đã bị đề nghị truy tố, Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành trái phiếu, nhưng hiện Cơ quan điều tra đã tách vụ án để xử lý sau. Trong hành vi này, bước đầu cơ quan chức năng xác định Trương Mỹ Lan và đồng phạm lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.

Bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Nhóm bị can còn lại bị đề nghị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

“Bà trùm” đại án đối diện mức án nào?

TS.LS Đặng Văn Cường (bên trái).

TS.LS Đặng Văn Cường (bên trái).

Theo TS.LS Đăng Văn Cường, hình phạt về tội Tham ô tài sản căn cứ tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định. Hành vi tham ô tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên thì hình phạt thấp nhất là 20 năm tù, cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Trong vụ án này bị can Trương Mỹ Lan là người có sức ảnh hưởng đối với hoạt động kinh tế của khu vực phía Nam, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình kinh doanh, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Đồng thời bà này còn nắm giữ cổ phần đa số trong Ngân hàng SCB, bởi vậy, tài sản của ngân hàng này cũng đa phần là tài sản của bà Lan. Chính vì vậy, trường hợp bị kết tội về tội Tham ô tài sản, khi lượng hình tòa án sẽ cân nhắc đến những tình tiết này để quyết định một mức hình phạt phù hợp.

Ngoài tội Tham ô tài sản thì bị can Trương Mỹ Lan còn bị đề nghị truy tố về 2 tội danh nữa là tội Đưa hối lộ và tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Với tội Đưa hối lộ thì hình phạt cao nhất quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự là tới 20 năm tù. Tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng theo điều 206 Bộ luật Hình sự thì hình phạt cao nhất cũng tới 20 năm tù.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Ngoài 3 tội danh bị đề nghị truy tố ở trên thì bị can Trương Mỹ Lan còn đang bị điều tra về một tội danh nữa là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự, trường hợp bị kết tội về tội danh này thể hiện phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

TS.LS Đặng Văn Cường cũng phân tích, với bị can Đỗ Thị Nhàn bị cáo buộc nhận hối lộ với số tiền lên đến 5,2 triệu USD (tương đương 118 tỷ đồng), đây là số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ lớn.

“Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất cũng là tù chung thân hoặc tử hình nếu số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên…”, TS.LS Cường nhấn mạnh.

Chiều 22/11, Ban Nội chính Trung ương đã thông báo kết quả cuộc họp của thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào sáng cùng ngày. Theo Ban Nội chính Trung ương, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 2 vụ án, khởi tố mới 72 bị can. Trong đó, có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ