Nhiều điểm mới tích cực
Bà Phạm Thị Tuất – Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình) khẳng định: Những điểm mới trong Thông tư Điều lệ trường Tiểu học vừa ban hành phù hợp với tinh thần Nghị Quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Đáng nói, Thông tư Điều lệ mới không chỉ tăng quyền tự chủ cho cán bộ quản lý, GV, hiệu trưởng nhà trường mà còn có độ mở với HS (được học vượt lớp), giúp HS phát triển toàn diện và thể hiện năng lực bản thân tốt nhất.
Một trong những điểm mới theo Thông tư 28/2020/BGDĐT đó là trường tiểu học phải thực hiện công khai mục tiêu, chương trình, kế hoạch giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục….
Bà Phạm Thị Tuất cũng cho biết: “Việc công khai là cần thiết và bình thường bởi Chương trình GDPT 2018 được toàn dân góp ý, xây dựng thì tại sao không công khai. Việc công khai sẽ tạo điều kiện để nhân dân biết, được bàn bạc, làm theo và cùng kiểm tra trong hoạt động giáo dục. Từ đó giúp giáo dục nhà trường thêm nâng cao chất lượng, sâu sát hơn và HS được đặt làm trung tâm của mọi hoạt động, đổi mới…”.
Phù hợp với thực tế giáo dục
Nói về vấn đề không ép buộc HS mua tài liệu tham khảo được thể hiện trong Thông tư 28, Khoản 3, Điều 18: “Nhà trường tổ chức lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT... Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo”, bà Khuất Thu Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Mỹ xã Thanh Mỹ (Sơn Tây – Hà Nội) hoàn toàn đồng ý với quy định trên.
Bà Nga bày tỏ quan điểm: Điều này phù hợp với thực tế, bởi sách tham khảo thường có kiến thức nâng cao do đó tùy thuộc theo nhu cầu và đối tượng HS, vùng miền... “Vùng nông thôn như Trường Tiểu học Thanh Mỹ, HS đáp ứng được kiến thức cơ bản đã tốt rồi. Còn với HS ở thành phố, chất lượng tốt hơn có thể cần tới sách tham khảo cũng phải phụ thuộc vào nhu cầu mỗi HS, gia đình mới trang bị sách tham khảo. Từ nhiều năm nay, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Thanh Mỹ đã quán triệt không phát hành sách tham khảo nâng cao trong nhà trường. Phụ huynh nếu có nhu cầu có thể tham khảo, tìm sự tư vấn của GV sao cho phù hợp với con em mình rồi tự mua bên ngoài...”, bà Nga cho hay.
Thông tư 28 cũng cho phép GV được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Vấn đề này, bà Nga cho rằng: Quy định mới giúp GV vững vàng chuyên môn, tâm huyết, có kinh nghiệm phát huy tối đa điểm mạnh. Còn GV mới ra trường, chuyên môn còn hạn chế, phải cố gắng… việc tự chủ cần sự sát sao, hỗ trợ từ các tổ chuyên môn nhà trường. Như vậy, đây cũng là cơ hội để GV được giúp đỡ nâng cao nghiệp vụ, vừa đòi hỏi GV có ý thức trách nhiệm, tự học, nghiên cứu để nâng cao chuyên môn.
Đối với việc khen thưởng và kỷ luật HS, Thông tư 28 có nhiều điều chỉnh so với Thông tư 41. Cụ thể, với HS có thành tích xuất sắc, tiêu biểu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, có nhiều đóng góp cho tập thể, được các bạn trong lớp bình chọn hoặc có thành tích đột xuất khác được GV, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng theo các hình thức: Tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường, tặng giấy khen hoặc thư khen.
GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá cao việc điều chỉnh này. Bởi theo ông, khi cán bộ quản lý, GV gửi thư khen cho những HS có thành tích học tập, việc làm tốt, cố gắng trong quá trình học tập, có đóng góp cho tập thể… sẽ góp phần động viên kịp thời và giúp HS phấn khởi. Từ hình thức khen này, HS cũng có thêm động lực rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức.
GS Đinh Quang Báo cũng bày tỏ: “Không ai chê thư khen, nhưng nếu áp dụng sai sẽ không mang lại tác dụng mong muốn. Chưa kể, HS thích hình thức này, HS thích hình thức khen ngợi khác. Vì vậy, việc khen ngợi với hình thức nào để đạt hiệu quả mong muốn phụ thuộc vào sự linh hoạt của GV”.
Cũng là một sự điều chỉnh trong Thông tư 28 Điều lệ trường Tiểu học mới: “Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh…”, cô Lê Thị Kim Ngọc – GV Trường Tiểu hoc An Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Trên thực tế, hầu hết đội ngũ GV đã “thấm nhuần” và có kinh nghiệm trong việc phê bình nhắc nhở học sinh theo hướng dẫn quy định chung. Tuy nhiên cũng không trừ trường hợp vẫn còn một số GV thiếu kiềm chế, chưa làm tốt vấn đề này.
Do đó, sự điều chỉnh của Thông tư 28 là cần thiết giúp GV thực hiện tốt hơn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của mình… trong quá trình giáo dục giúp HS tiến bộ. Việc phê bình nhắc nhở cần được áp dụng đúng phương pháp, đối tượng để tiến tới đích chung là giúp HS nhận ra lỗi lầm, sửa chữa và tiến bộ thay vì khiến các em cảm thấy mất tự tin trước bạn bè, thầy cô, từ đó có phản ứng tiêu cực, chống đối…