Điều kỳ diệu từ những cái ôm

GD&TĐ - Bạn có thường được ôm không? Bạn có thích ngồi bên ai đó thân tình bên nhau và cầm tay nhau? Nghiên cứu mới đây cho biết rằng điều này có lợi cho sức khỏe. 

Điều kỳ diệu từ những cái ôm

Nhà kinh tế tâm lý học Paul Jack, người còn được gọi là “bác sỹ Tình yêu” nhận định rằng ôm nhau ít nhất 8 lần trong một ngày để cảm thấy mình hạnh phúc hơn và tận hưởng cuộc sống.

Nhà liệu pháp tâm lý Virginia Satir có một câu nói khác về những cái ôm: “Ôm nhau 4 lần mỗi ngày cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta, 8 lần là để duy trì cho mình ở dạng bình thường và 12 lần là cần cho sự tăng trưởng”.

Hoàn toàn có thể những cái ôm có ý nghĩa thiết thực, nó sẽ làm cho não sản sinh ra đủ lượng oxytocin là chất có chức năng tiếp xúc cơ thể.

Oxytocin có những đặc tính chữa bệnh mạnh mẽ, vì thế hành động đơn giản như cái ôm không chỉ gắn kết chúng ta với những người khác mà còn có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và cảm xúc của chúng ta.

Ôm thế nào để làm cho chúng ta khỏe hơn?

Những cái ôm làm tăng mức hormone tình yêu của chất oxytocin, từ đó có tác dụng tốt đối với tim và các cơ quan khác. Một trong số những nghiên cứu về lĩnh vực này cho thấy người phụ nữ sẽ giảm được áp huyết chỉ sau sự tiếp xúc ấm áp ngắn ngủi của cơ thể với người yêu và người bạn đời của mình.

Cái ôm 20 giây (hoặc 10 phút cầm tay) làm giảm những hiệu ứng thể chất có hại của stress, trong đó có việc làm giảm huyết áp và giảm nhịp tim.

Các nghiên cứu cho thấy rằng những hiệu quả tích cực của cái ôm không hạn chế bởi số lần. Một nghiên cứu cho biết: “Trong da có các thụ thể thần kinh có tiếp xúc với não thông qua dây thần kinh phế vị.

Các dây thần kinh này đi qua một số cơ quan quan trọng bao gồm tim và cũng kết nối với các thụ thể của oxytocin. Trong phạm vi lý thuyết cho rằng sự kích thích của thần kinh phế vị dẫn đến việc phát sinh oxytocin và liên quan đến một loạt những sự thay đổi có lợi cho tình trạng sức khỏe”.

Không còn nghi ngờ rằng sự tiếp xúc dịu dàng của cơ thể tặng cho chúng ta cảm giác dễ chịu.

Một trong những nghiên cứu ghi nhận sự thay đổi tích cực của sức khỏe sau những cái ôm, cụ thể là: làm giảm nguy cơ các bệnh tim; tăng cường hệ miễn dịch; làm giảm các phản ứng tiêu cực của stress; chống lại tốt hơn tình trạng mệt mỏi và nhiễm trùng; giảm nhẹ các triệu chứng của trầm cảm; làm tăng khả năng chịu đau; làm vết thương mau lành...

Nhà sinh học thần kinh Secar Roman nói: “Một cái ôm, một cái vỗ nhẹ vào lưng và thậm chí một cái nắm tay thân thiện sẽ được xử lý bởi trung tâm thụ hưởng trong hệ thống thần kinh trung ương và có tác động mạnh đến tâm lý, gây ra cảm giác vui vẻ và hạnh phúc, nó không quan trọng là bạn chạm vào họ hay họ chạm vào bạn”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn không được hưởng những cái ôm. Một nghiên cứu cho thấy có 1/3 số người tham gia trong nghiên cứu này không có được một cái ôm mỗi ngày và 75% muốn có sự tiếp xúc cơ thể nhiều hơn trong cuộc sống.

Vai trò của chất oxytocin trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Những kết luận được đưa ra về tác dụng của cái ôm đối với mức oxytocin là ngang bằng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Giữa cha mẹ và các con càng có sự gắn kết ấm áp về thể chất càng lớn thì mức độ hormone oxytocin càng cao. Mức oxytocin có liên quan đến mức độ tin cậy trong các mối quan hệ, nó càng cao thì chúng ta có xu hướng tin tưởng và sự quan tâm với nhau càng lớn.

Nhiều kiến thức về oxytocin đã được chúng ta biết được từ những nghiên cứu trên động vật: ví dụ như loài chuột cái, kích thích việc sản sinh ra oxytocin ở các chuột con của mình khi chúng liếm con và có tiếp xúc cơ thể với chúng.

Việc chăm sóc tình cảm có những hiệu quả lâu dài. Khi các nhà nghiên cứu tách chuột con ra khỏi chuột mẹ trong 10-15 phút và sau đó đưa chúng trở lại thì đa số các con chuột cái đã vui mừng quay lại với các chuột con và chăm sóc chúng tận tâm hơn.

Nhưng nếu sự chia ly kéo dài trong vài giờ thì hậu quả lại khác đi. Những con chuột mẹ sẽ bỏ bê các con mình và một số lại hoàn toàn không chăm sóc cho chúng nữa.

Những chú chuột con đã được chiều chuộng bởi những người mẹ của mình sau khi được trở lại. Còn ở những chú chuột con bị thờ ơ thì sự rối loạn lo âu (hoặc chứng loạn thần kinh) tăng nhiều hơn, mức hormone stress và huyết áp đã tăng cao hơn.

Các nghiên cứu đối với các những động vật khác, trong đó có loài khỉ khẳng định rằng chất lượng chăm sóc của khỉ mẹ có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của khỉ con và có thể gây ra các bệnh về tim.

Những sự lựa chọn thông minh

Những tư vấn dựa trên những nghiên cứu và các kết luận chính được đưa ra gồm:

1. Người mẹ nên có càng nhiều càng tốt sự tiếp xúc ấm áp với các con nhỏ, đặc biệt là những tuần đầu đời sau sinh. Nếu bạn không thể làm điều đó vì bệnh tật hoặc những nguyên nhân khác thì hãy trao tình cảm thật nhiều ở mức có thể.

2. Người mẹ sinh con bằng cách sinh mổ cần chú ý hơn đến việc tiếp xúc với con bởi vì trong thời điểm sinh ở họ không tạo ra oxytocin.

3. Đối với các cặp vợ chồng vẫn thường xuyên quan tâm thể hiện cảm xúc với nhau hàng ngày - nắm tay, ôm hôn nhau, ngồi bên nhau thì sẽ dễ dàng hơn để duy trì tình cảm và mối quan hệ ấm áp do nồng độ oxytocin cao.

4. Có cơ sở nhận định rằng sự liên hệ bất kỳ, thậm chí là qua điện thoại hoặc thư điện tử, có thể giúp kích hoạt hệ thống oxytocin và duy trì mối quan hệ ngay cả khi ở xa nhau.

Theo Health

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ