1 - Sự lên ngôi của chủ nghĩa hình thức trong nghệ thuật
Triển lãm điêu khắc “Hà Nội – Sài Gòn” năm 2016 là lần thứ tư tập hợp sáng tác của các nghệ sĩ đại diện cho phần nào công cuộc giải phóng tư duy sáng tạo cá nhân, góp phần thúc đẩy các biểu hiện của chủ nghĩa hình thức trong nghệ thuật điêu khắc nói riêng và mỹ thuật nói chung.
Như nhà lý luận phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông khẳng định: 30 năm đổi mới mỹ thuật với hơn 3 cuộc triển lãm điêu khắc quy mô toàn quốc và nhiều triển lãm nhóm theo các dự án nghệ thuật, đã cho chúng ta câu trả lời: sự đổi mới điêu khắc nằm ở các tác phẩm chẳng hề “kể” một câu chuyện, chẳng gánh vác trọng trách “diễn đạt lịch sử” mà chỉ là khao khát bộc lộ bản chất thao tác điêu khắc theo đúng nghĩa nguyên thủy và logic là sự bộc lộ đương nhiên bản chất cá nhân nghệ sĩ.
Trong triển lãm điêu khắc “Hà Nội – Sài Gòn”, 3 thế hệ nghệ sĩ cùng chung một thái độ đối với chủ nghĩa hình thức: đó là tiếng nói cá nhân trong các biểu hiện thuần túy hình khối của kim loại, của sự kết hợp gỗ, đá, giấy, thủy tinh, sự mở rộng yếu tố không gian, ngữ cảnh trong tác phẩm.
Đã qua rồi một thời gian dài, phong cách điển hình chỉ là các điêu khắc công nông binh hồ hởi giống nhau hiện diện ở các triển lãm mỹ thuật và không gian công cộng. Ở đó, nội dung và chủ đề tác phẩm là tiêu chí được xếp cao hơn các tìm tòi về phong cách và ngôn ngữ nghệ thuật thuần túy như bố cục, màu sắc, hình dạng, chất liệu. Bởi, họ sợ những đánh giá tiêu cực gắn liền với khái niệm chủ nghĩa hình thức rằng đó là “nấm độc của chủ nghĩa tư bản”.
Còn bây giờ, trong cơn bão (chứ không chỉ là làn gió) “lột xác”, điêu khắc thay đổi cả ngôn ngữ biểu hiện, chất liệu, hình thức trưng bày. Tại buổi tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ triển lãm, nghệ sĩ Đào Châu Hải phát biểu: Hành trình đổi mới điêu khắc là một hành trình khắc nghiệt, bắt đầu từ 10 năm trước. Các nghệ sĩ theo con đường này không chịu một áp lực nào, vô tư, trong sáng, kiên nhẫn và bền bỉ với nghệ thuật, chính vì vậy mà họ phát triển được sáng tạo cá nhân, giải phóng tư duy nghệ thuật. Họ sáng tác không vì mục tiêu giải thưởng hay chính trị và càng không vì lợi nhuận kinh tế.
Cũng cùng quan điểm này, nghệ sĩ Bùi Hải Sơn ở ĐH mỹ thuật TPHCM cho rằng các nghệ sĩ sáng tác chỉ thuần túy vì nghề nghiệp, mong muốn hoàn thiện bản thân. Họ không bị bó hẹp không gian trưng bày trong salon mà có sự tương tác với môi trường xung quanh. Họ đối diện với thay đổi về vật liệu nên không chỉ cần kiến thức về điêu khắc mà còn cần cả kiến thức nhiều mặt khác, cả khoa học kỹ thuật và xã hội. Mục tiêu của nghệ sĩ đã mặc nhiên hình thành trong quá trình họ sáng tác, không phải do ai đó đặt ra cho họ.
Trong hành trình hướng tới chủ nghĩa hình thức trong nghệ thuật điêu khắc mới, đã có nhiều tên tuổi nghệ sĩ trẻ nổi lên và dần trở nên quen thuộc với công chúng quan tâm đến quá trình này: Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Ngọc Lâm, Thái Nhật Minh, Trần Trọng Tri, Phạm Bảo Sơn, Lê Lạng Lương, Trần Mai Quốc Khánh, Lê Hoài Nam, Trần Mai Hữu Quý, Nguyễn Hoài Huyền Vũ…
2 - Một không gian rộng mở cho điêu khắc
Cuối năm 2015, sau ba tháng miệt mài với gỗ, đá, kim loại và các chất liệu tổng hợp khác, các nghệ sĩ trẻ trong nhóm điêu khắc New Form và một số nghệ sĩ khác đã có cơ hội trình làng các tác phẩm của mình trong một không gian khoáng đạt tại Flamingo Đại Lải. Sự thỏa mãn không chỉ là cảm giác của chính các nghệ sĩ điêu khắc có tác phẩm được bày tại đây, mà còn là cảm giác chung của những người thầy của họ, của đông đảo khán giả.
Tương tự như vậy, Công viên Tao Đàn (Sài Gòn), Hòn Dấu Resort (Hải Phòng), hay nhiều không gian công cộng khác ở Huế, Đà Nẵng…cũng đã trở thành những nơi trưng bày lý tưởng cho các tác phẩm điêu khắc mới.
Cứ dần dần như vậy, luồng gió điêu khắc mới đang len lỏi dần vào đời sống dân sinh và đến một lúc nào đó sẽ trở thành một “hạng mục” không thể thiếu vắng, với một tâm thế mới, dáng vẻ mới. Triển lãm điêu khắc “Hà Nội – Sài Gòn” lần thứ tư năm nay được tổ chức tại trường đại học Kiến trúc (và lần thứ 5 có thể sẽ tổ chức tại trường ĐH Xây dựng) cũng là một tín hiệu của tương lai gắn chặt mối quan hệ giữa điêu khắc và kiến trúc.
Kiến trúc sư, nghệ sĩ Vũ Quang Sáng từ trải nghiệm của bản thân cho biết: nếu kết hợp tính điêu khắc trong kiến trúc và tính kiến trúc trong điêu khắc thì sẽ nâng cao công năng sử dụng của công trình/sản phẩm lên rất nhiều, bởi sự kết hợp hai vũ khí này chính là sự kết hợp giữa công năng sử dụng vật chất và công năng dung dưỡng tinh thần, văn hóa.
Còn thạc sĩ, giảng viên Phạm Thái Bình cung cấp một thông tin “nóng”: năm 2016 là năm đầu tiên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội mở mã ngành điêu khắc và tuyển sinh khóa 1. Trong quá trình đào tạo sinh viên ngành điêu khắc trong trường kiến trúc, chúng tôi sẽ hướng tới gắn điêu khắc vào các công trình kiến trúc. Sinh viên khoa điêu khắc của trường kiến trúc hoàn toàn có thể song hành cùng kiến trúc sư trong thiết kế các công trình xây dựng.
Điều đáng tiếc là hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định tác phẩm/công trình điêu khắc là một hạng mục bắt buộc của những công trình công cộng. Sự bổ trợ công năng giữa kiến trúc và điêu khắc đang bị bỏ phí. Hi vọng rằng, cùng với nỗ lực “tự lột xác” của giới điêu khắc trong cơn bão đổi mới đã thành hình hài, đem đến sự thay đổi về nhận thức của công chúng và của cả các nhà chức trách về vai trò của các công trình điêu khắc, không gian công cộng ở Việt Nam trong tương lai không xa sẽ có một vị trí xứng đáng dành cho những tác phẩm điêu khắc mang hơi thở thời đại.