Điều ít biết về gia cảnh của ""mỹ nhân 13 tuổi"" ở Got Talent

Ngay ở những tập đầu tiên, cô bé Đào Hiền Thục Anh đã gây ấn tượng mạnh bởi khuôn mặt xinh xắn, nụ cười duyên dáng và đôi mắt hút hồn.

Cận cảnh gương mặt xinh xắn của Thục Anh trong đồng phục học sinh. Ảnh: T.Đ.
Cận cảnh gương mặt xinh xắn của Thục Anh trong đồng phục học sinh. Ảnh: T.Đ.

Yêu múa từ khi 4 tuổi

Đào Hiền Thục Anh (sinh năm 2002), đang là học sinh lớp 7A của Trường THCS Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội). Thục Anh sống cùng bố mẹ, em gái và một cậu em họ ở phố Nam Dư (Hoàng Mai).

Bố của Thục Anh là anh Đào Thu Anh, năm nay 47 tuổi, trước đây làm kinh doanh nhôm kính nhưng bị viêm tủy nên 2 năm nay không thể làm được việc nặng nhọc. 

Mọi gánh nặng trong gia đình đều một tay chị Nguyễn Thị Luyến (mẹ của Thục Anh) gánh vác. Chị Luyến mở một quán ăn nhỏ và đó là nguồn sống của cả gia đình kể từ khi chồng chị bị bệnh.

Hàng ngày, vì mẹ phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nên việc đưa đón và cơm nước cho hai chị em Thục Anh đều do bố đảm nhiệm. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên những lúc đi học về, Thục Anh thường phụ giúp bố chăm sóc và chỉ bài cho em.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng Thục Anh luôn cảm thấy hạnh phúc vì được sống trong một gia đình mà bố mẹ rất quan tâm đến các con.

Cũng vì hoàn cảnh gia đình nên Thục Anh luôn tự giác và tự nỗ lực trong mọi việc, nhất là trong học tập. Trong suốt 5 năm tiểu học, Thục Anh luôn đạt danh hiệu Học sinh giỏi. Năm lớp 6, cô bé đạt danh hiệu Học sinh giỏi xuất sắc và giải Nhất phong trào Tiếng hát họa mi do quận đoàn Hoàng Mai tổ chức.

Bố Thục Anh cho biết, hồi nhỏ bé biếng ăn nên mỗi lần đến giờ ăn, mẹ Thục Anh rất vất vả. Cô bé không những không chịu ăn mà còn khóc nhiều. Sau nhiều lần dỗ dành, làm đủ trò mà con vẫn không nín, mẹ Thục Anh đành phải “cầu cứu” đến âm nhạc và không ngờ lại đạt hiệu quả.

Khi có nhạc, Thục Anh lập tức nín khóc và chịu ăn. Những lần sau, cứ đến giờ ăn, mẹ Thục Anh lại mở đĩa Xuân Mai cho con gái nghe. Từ đó, âm nhạc ngấm vào Thục Anh lúc nào không hay. Lúc Thục Anh được 4 tuổi, mẹ đăng ký cho cô bé theo học múa ở CLB Họa Mi.

“Chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi vừa đưa Thục Anh đến CLB buổi đầu tiên, con đã theo các anh chị trong lớp nhảy rất hăng say và tự nhiên. Từ đó đến nay, con vẫn theo học tại CLB này với rất nhiều thể loại múa như múa dân gian, ba lê, belly dance…” - Anh Đào Thu Anh chia sẻ.

Từ lớp một đến nay, không năm nào Thục Anh vắng bóng trong các các hoạt động văn hóa - văn nghệ của trường, của quận. Vì quá đam mê âm nhạc và múa nên Thục Anh đã lén lút đăng ký tham dự Vietnam"s Got Talent qua mạng.

Chuẩn bị đến ngày các thí sinh phải tập trung để ghi hình, cô bé mới nói cho bố mẹ biết. Lúc đầu, mẹ Thục Anh không đồng ý cho con gái đi thi. 

Nhưng vì thấy con có năng khiếu, lại rất đam mê và mong muốn được đến với sân chơi này nên cuối cùng mẹ Thục Anh cũng đồng ý, gác lại việc kinh doanh để đưa con gái đi thi.

Bị giả mạo Facebook khi nổi tiếng

Thục Anh hào hứng kể, trong hai đêm chung kết tới, em biểu diễn ở đêm cuối. Đó sẽ là một bài múa được đầu tư nhiều về tâm sức và thời gian. Đến thời điểm này, em bắt đầu hồi hộp và lo lắng. 

Còn trong đêm bán kết 7 vừa qua, em thực sự không ngờ mình lại nhận được nhiều sự bình chọn của khán giả đến vậy. Khi nghe tên Thục Anh được xướng lên, em rất bất ngờ và hạnh phúc.

Thục Anh cho biết, ý tưởng của bài múa trong đêm bán kết 7 là do thầy giáo người nước ngoài gợi ý. Tuy nhiên, hai thầy trò chỉ có đúng 5 tiếng đồng hồ, chia làm hai ngày để dựng bài và tập luyện cùng nhau. 

Còn lại, Thục Anh tự tập với mẹ trong ngôi nhà chung. Toàn bài biểu diễn là 2 phút 33 giây, nhưng phần của thầy giáo chỉ gói gọn trong 1 phút 3 giây đầu, còn 1 phút 30 giây sau là do Thục Anh tự biên đạo để hoàn chỉnh.

Những ngày sống trong ngôi nhà chung của Vietnam"s Got Talent, Thục Anh có nhiều kỷ niệm vì được quen biết các bạn mới. Đặc biệt, Thục Anh rất thân với thí sinh Nguyễn Thị Mận và Thảo Vy vì ở chung phòng. Em đã cùng hai bạn đi chơi ở Suối Tiên, chợ đêm Bến Thành và thưởng thức nhiều món ngon Sài thành.

Có một kỷ niệm rất vui mà Thục Anh nhớ mãi. Đó là trong đêm phát sóng đầu tiên, Facebook của cô có 400 người xin kết bạn. Cũng trong đêm đó, trên mạng xuất hiện 4 Facebook lấy tên em để đăng hình ảnh kèm những lời cám ơn khán giả. 

“Trong đêm đó, khi con với các bạn đang họp báo cùng các cô chú trong Ban tổ chức thì có một cô đến hỏi: “Thục Anh vừa lên Facebook cảm ơn khán giả đấy à?”. Lúc đó, con ngơ ngác lắm, vì vừa biểu diễn xong còn chưa được cầm điện thoại thì sao mà online được” - Thục Anh nhớ lại.

Thục Anh chia sẻ, em rất hạnh phúc và tự hào khi được gọi là “mỹ nhân” và còn được ban giám khảo khuyến khích nên đi thi hoa hậu khi đủ tuổi. Em sẽ cố gắng để xứng đáng với tên gọi ấy.

Sau khi “nổi tiếng” trên tivi trở lại trường học, Thục Anh cũng được nhiều bạn biết đến hơn. Em vô cùng xúc động vì được thầy cô và bạn bè ủng hộ bằng tin nhắn. 

Thục Anh nói: “Sau những buổi thi, con vẫn trở về với việc học rất tập trung, thậm chí có phần vất vả vì phải học nhiều hơn để kịp với các bạn. Con cũng rất cảm ơn các bạn trong lớp 7A vì thời gian con vắng học, các bạn đã chia nhau chép bài hộ con”.

Theo Thục Anh, trong quá trình tập luyện, dù thường xuyên bị bầm tím, đau cơ, đau khớp… nhưng cô bé chưa bao giờ tới mức bị đuối sức. Thục Anh tâm niệm muốn đi được đến cùng đam mê thì mình phải cố gắng hết sức. 

Hỏi về ước mơ, Thục Anh cho biết, cô bé có rất nhiều nhưng ở thời điểm hiện tại, bé phải cố gắng học thật tốt vì chỉ có học tốt mới có thể làm được những điều mình muốn.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.