(GD&TĐ) - Vừa rồi trong chuyến công tác ở vùng sâu, vùng xa trở về, tôi cứ mãi trăn trở và suy nghĩ về những người thầy cô. Sự hy sinh thầm lặng, vất vả gian nan, thiếu thốn… có lẽ trong tất cả chúng ta ai cũng biết rõ điều ấy khi nhắc đến cụm từ “giáo dục vùng cao”. Vượt lên tất cả lớn hơn những điều ấy, tôi muốn nói đến ở đây là những cô giáo dám chấp nhận, dấn thân tạm đặt sang một bên tình cảm thiêng liêng nhất - “tình mẫu tử”, chấp nhận sự xa cách để thực hiện “khát vọng được làm cô giáo”.
Sự hy sinh lớn hơn tất cả
Trong chuyến công tác về huyện Mường Chà, chúng tôi có ghé qua bản Huổi Quang 2, xã Ma Thì Hồ vào thăm các thầy cô dạy học ở điểm bản. Tâm sự với các thầy cô vẫn là những khó khăn chung của giáo dục vùng cao, chỗ ăn chỗ ở, đường xá đi lại chuyện vận động học sinh, nỗi nhớ nhà… nhưng có câu chuyện để tôi trăn trở suy nghĩ mãi, phải chăng đó chính là sự hy sinh lớn hơn tất cả! Câu chuyện của cô giáo Đoàn Thị Hồng Vân, là một trong 5 giáo viên cắm bản ở điểm trường Huổi Quang 2, cô Vân tâm sự: cô về công tác ở Trường tiểu học Ma Thì Hồ từ năm 2008, nhà ở bản Phủ, huyện Điện Biên. Cô đã xây dựng gia đình hiện chồng công tác trong quân đội đóng quân ở thành phố Điện Biên Phủ, chẳng mấy khi vợ chồng gặp được nhau vì đặc thù công việc của chồng. Thế nhưng tuần nào không có việc ở trường cô lại vượt gần 90 km đường từ điểm trường về nhà, chiều thứ 6 về, chiều chủ nhật lên. Một hành trình mà đến như chúng tôi những người quyen với việc đi nhiều còn thấy ngán ngẩm. Thật khâm phục một cô giáo như cô Vân, tuần nào cũng vậy rong ruổi trên đoạn đường cua gấp, chênh chao. Sức mạnh của cô cũng vì nỗi nhớ con mới 12 tháng tuổi đang nhờ bà ngoại chăm sóc. Trước cô đã từng đưa con lên trường một thời gian nhưng vì điều kiện khổ quá, lại nhiều ruồi vàng, bọ chét đốt sưng hết cả người. Con cứ khóc suốt ngày suốt đêm không còn cách nào khác lại phải đưa con về, xa con nhiều khi nghĩ không thể trụ được với nghề, nhưng phải cố gắng quyết tâm, hơn nữa vì yêu nghề nên mới có thể nén được lòng mình, giờ dù vất vả mỗi tuần cô cũng cố về thăm con một lần. Và mỗi lần về với thời gian ngắn ngủi ở với con, cô bảo không về thì nhớ mà về thì lại thương, nghe bà ngoại kể chuyện về con bé cứ nhắc mẹ, mẹ đi lại khóc rồi khi về cứ quấn quýt với mẹ mà thấy xót xa. Xa con đêm đến ở nơi hưu hắt không điện, nhớ con cứ âm thầm nuốt nước mắt mà về đêm nằm ôm con nước mắt lại trào ra.
Cô Ngân rất vui khi đã thực hiện được ước mơ |
Trên hành trình, chúng tôi dừng chân ở Trường tiểu học Chà Nưa lại được nghe câu chuyện của cô Phạm Thị Kim Ngân giáo viên dạy tiếng Anh của trường. Khi cô học xong Cao đẳng sư phạm Ngoại ngữ năm 2006, ở quê không thể xin được dạy học, cô đi làm phiên dịch cho Công ty của nước ngoài lương được 4 - 5 triệu đồng/tháng đã được 4 năm. Cuộc sống gia đình hạnh phúc, chồng công tác trong ngành Công an và cậu con trai 3 tuổi ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Cứ tưởng yên phận với gia đình, công việc nhưng ước mơ mà cô ấp ủ từ ngày còn là học sinh phổ thông, rồi 3 năm theo học nghành sư phạm chỉ mong được cầm phấn đứng trên bục giảng cứ thôi thúc và nhất là mỗi lần đi qua trường học, cô lại lặng người lắng nghe tiếng giảng bài và âm thanh vọng ra. Nó như có mãnh lực vô hình nào đó cuốn hút. Và thế là khi nghe tin ở Điện Biên còn thiếu giáo viên, cô đã âm thầm làm hồ sơ gửi lên xin việc, để đạt được ước mơ làm cô giáo của cô Ngân là cả quá trình gian nan, vất vả… khi tạm biệt quê hương Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) lên làm cô giáo vùng cao thì ngoài phải nén nỗi nhớ cậu con trai 3 tuổi, cô phải đối mặt với sự thật là tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ. Chồng nhất quyết không cho đi và mọi người ai cũng phản đối. Cô Ngân nói với chúng tôi: ước mơ lớn nhất của đời em nay đã thành hiện thực và một điều em rất vui là mọi người dần hiểu ra, chồng em đã đưa cháu lên trên này thăm mẹ. Công việc cuốn hút cho em vơi bớt nỗi nhớ, dồn tất cả vào dạy bảo chăm lo cho học sinh.
Có phải vì cơm áo gạo tiền…
Cô Vân tâm sự với chúng tôi thời giá như hiện nay, đồng lương 3.500.000 đồng, một tháng về thăm con vào những ngày nghỉ chi phí tiết kiệm cũng hết 1.500.000 - 2.000.000 đồng, vậy chỉ còn lại 1.500.000 đồng phục vụ cho ăn uống sinh hoạt. Mỗi tháng chỉ gửi cho bà ngoại được 500.000 đồng nuôi cháu còn đâu tất tật nhờ ông bà giúp đỡ, đã nhiều lần gia đình cứ khuyên bảo bỏ việc ở nhà, vừa đỡ vất vả đi lại có điều kiện chăm sóc, gần gũi với con. Nhà cô lại có quầy bán hàng ở chợ bản Phủ nghỉ việc đi bán hàng thu nhập cao hơn rất nhiều, chứ tính ra việc chi phí đi lại có tháng cô chẳng dành được gì cho con, mà con còn nhỏ rất cần tình cảm của người mẹ. Cô Vân nói với chúng tôi: chẳng biết thế nào mà so sánh cả, khi mình đã lựa chọn một cái nghề; đã gắn bó với nơi này năm nay là năm thứ 3, không thể dễ dàng từ bỏ được dù biết là khó khăn thiếu thốn, chấp nhận sự xa cách tình cảm mẹ con nhưng rồi công việc, niềm đam mê và những đứa học trò vùng cao đang khao khát con chữ, để nén lòng mình chấp nhận sự hy sinh.
Còn với cô Ngân ở Trường tiểu học Chà Nưa thì cái quan trọng nhất là cô đã được làm công việc mình yêu thích, cho dù đồng lương hiện tại của cô so với ở nhà thì thấp hơn 1.500.000 đồng/tháng. Cô lên kế hoạch chi tiêu dành dụm để làm thế nào có đủ số tiền 1 năm về thăm con 2 lần. Cô chấp nhận tất cả sự xa cách biền biệt, đồng lương thấp hơn, thiếu thốn đủ thứ để thực hiện ước mơ bước chân lên bục giảng làm cô giáo, mà làm cô giáo ở vùng sâu, vùng xa thì như cô Ngân nói càng phải dồn thật nhiều tâm huyết, yêu nghề hơn.
Trong rất nhiều thầy cô đang cống hiến cho giáo dục vùng cao, họ đã hy sinh rất nhiều nhưng có lẽ sự hy sinh lớn nhất, cao cả và phi thường như 2 cô Vân, Ngân chúng tôi đã gặp, còn rất nhiều cô đang như vậy. Đối với họ cơm áo gạo tiền chưa phải là tất cả, mục đích chính “khát vọng được làm cô giáo”.
Phạm Kiên Cường