Điều gì sẽ xảy ra khi cha mẹ quan tâm con quá mức?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những đứa trẻ được quan tâm quá mức có xu hướng mắc các vấn đề về tâm lý, sức khỏe, thiếu đi khả năng tự điều chỉnh và khó quản lý bản thân.

Không gian nhỏ nhắn của các gia đình càng thúc đẩy sự chú ý của cha mẹ đối với con cái trở nên thái quá. (Ảnh: ITN).
Không gian nhỏ nhắn của các gia đình càng thúc đẩy sự chú ý của cha mẹ đối với con cái trở nên thái quá. (Ảnh: ITN).

Các bậc cha mẹ luôn tự hào và tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi được ở bên con, nhưng chú ý con và bao bọc con quá mức cũng có tác hại tương tự như việc thờ ơ với con.

Trẻ mắc chứng nghiện sự chú ý

Ngày nay, không gian nhỏ nhắn của các gia đình càng thúc đẩy sự chú ý của cha mẹ đối với con cái trở nên thái quá. Điều này không gây ra hậu quả ngay lập tức, nhưng sẽ là một vấn đề nghiêm trọng về sau.

Được bao bọc quá mức hay bị bỏ bê đều khiến những đứa trẻ trở nên đòi hỏi và luôn cảm thấy không an toàn.

Đứa trẻ bị bỏ rơi không bao giờ chắc chắn về tình yêu vì nó chưa bao giờ trải nghiệm điều đó. Trong khi đứa trẻ nghiện sự chú ý sẽ không có cảm giác an toàn vì sợ rằng sự chú ý sẽ dừng lại.

Trẻ em không được phép làm gián đoạn cuộc trò chuyện của người lớn. (Ảnh: ITN).
Trẻ em không được phép làm gián đoạn cuộc trò chuyện của người lớn. (Ảnh: ITN).

Nếu một đứa trẻ luôn là trung tâm của sự chú ý và các nhu cầu cũng như quyền của người lớn hoàn toàn bị phớt lờ, đứa trẻ sẽ trở nên nghiện sự chú ý. Đối với chúng, không bao giờ là đủ. Khi điều này xảy ra, cha mẹ trở nên thất vọng và tức giận với đứa trẻ và sự chú ý vẫn tiếp tục, nhưng theo những cách tiêu cực.

Khi cha mẹ cố gắng làm những việc khác, đứa trẻ nghiện chú ý sẽ phát triển những hành vi rất lôi cuốn để duy trì sự tương tác. Một số trẻ trở nên cực kỳ đòi hỏi và hung hăng, những trẻ khác trở nên thụ động và bất lực. Chúng làm bất cứ điều gì để gây sự chú ý. Cuối cùng, trẻ trở nên phụ thuộc và không hạnh phúc vì không bao giờ có đủ sự quan tâm để làm hài lòng chúng.

Cách giúp trẻ thoát khỏi bệnh “ngôi sao”

Khi cha mẹ cố gắng làm những việc khác, đứa trẻ nghiện chú ý sẽ phát triển những hành vi rất lôi cuốn để duy trì sự tương tác. (Ảnh: ITN).
Khi cha mẹ cố gắng làm những việc khác, đứa trẻ nghiện chú ý sẽ phát triển những hành vi rất lôi cuốn để duy trì sự tương tác. (Ảnh: ITN).

Cha mẹ nào cũng nghĩ con mình đáng yêu và tuyệt vời, nhưng một số cha mẹ chỉ cảm thấy hài lòng khi cho mọi người thấy con mình là ngôi sao của gia đình. Nếu một đứa trẻ được khoe ở mọi nơi, các vấn đề tiêu cực có thể bắt đầu.

Những đứa trẻ đã quen sống trong ánh hào quang sẽ gặp khó khăn khi không còn ai ngưỡng mộ và khen ngợi chúng nữa. Thực tế, trẻ em không cần phải ăn mặc như những con búp bê và không cần được ngưỡng mộ.

Nói cách khác, điều trẻ thực sự cần là được yêu thương và có cơ hội trở thành một phần của gia đình chứ không phải ngôi sao của gia đình. Trẻ em cần được tôn trọng thay vì được... trưng bày.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến chứng nghiện chú ý là do cha mẹ từ bỏ mọi quyền lợi của mình vì con cái.

Cha mẹ có thể tránh cái bẫy này bằng cách duy trì cuộc sống của riêng họ và tôn trọng quyền của họ. Ví dụ, cha mẹ cần khẳng định rằng để trẻ ngủ giường riêng là một bước tích cực hướng tới sự độc lập của đứa trẻ đó.

Nhấn mạnh rằng trẻ đi ngủ vào một giờ hợp lý cũng là điều nên làm. Cha mẹ cần thời gian riêng tư để duy trì hôn nhân lành mạnh, và đứa trẻ cần hiểu rằng có những giới hạn trong gia đình, cha mẹ cũng cần dành thời gian cho nhau.

Trẻ em không được phép làm gián đoạn cuộc trò chuyện của người lớn. Trẻ có thể được dạy cách để mọi người biết đến sự hiện diện của chúng bằng việc đặt một tay lên cánh tay hoặc chân của người lớn và kiên nhẫn đợi cho đến khi người lớn có thể nói chuyện với trẻ. Bằng cách che tay của trẻ bằng tay của chính mình, trẻ hiểu rằng cha mẹ biết mình đang ở đó.

Cha mẹ không nên nhượng bộ bằng cách dạy trẻ không được ngắt lời và sau đó nói: "Con muốn gì?". Những đứa trẻ được phép ngắt lời sẽ tiếp tục làm như vậy miễn là chúng được người lớn chú ý.

Cha mẹ có thể cần phải vào phòng riêng và khóa cửa lại để trẻ không làm gián đoạn cuộc trò chuyện của họ. Nếu họ làm như vậy, đứa trẻ sẽ học được rằng thà im lặng với cha mẹ còn hơn là ngắt lời và không được quan tâm nữa.

Cha mẹ luôn phải chú ý đến con, nhưng sẽ là hại con nếu không đặt ra giới hạn. Bằng cách tôn trọng các quyền của chính mình, chúng ta cũng đang dạy con tôn trọng chúng ta. Chúng ta cũng ngăn chặn những bất lợi mà chứng nghiện chú ý có thể gây ra cho trẻ và gia đình.

Theo healthyplace.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ