Điều bất ngờ dễ hiểu

GD&TĐ - Việc Hiệp hội Xuất khẩu gia súc Australia thông báo ngừng xuất bò cho 3 lò mổ ở Việt Nam đang gây xôn xao trên các trang báo điện tử và mạng xã hội trong nước những ngày qua. 

Điều bất ngờ dễ hiểu

Tuy không ít người bất ngờ, nhưng cũng nhiều người cho đó là dễ hiểu khi nắm rõ nguồn cơn. Còn sự xôn xao nằm ở chỗ không phải về dự báo quyết định này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp Việt điêu đứng trong thời gian tới, khi một nguồn cung nguyên liệu quan trọng bị cắt giảm, mà về nguyên nhân sự việc, với những hình ảnh bàng hoàng về sự vô cảm của một bộ phận người làm nghề, không chỉ không đảm bảo bất kỳ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nào mà sự dã man cũng lên tới cực điểm.

Thực tế theo trang tin Business Insider (của Úc), Hiệp hội Xuất khẩu gia súc Australia đã chính thức thông báo sẽ ngừng xuất bò cho 3 lò mổ ở Việt Nam vì những cáo buộc về ngược đãi động vật từ ngày 12/6, nhưng các thông báo cụ thể không đến được với thị trường trong nước, chỉ đến khi những hình ảnh dã man về giết mổ gia súc do video quay lại, được đưa lên mạng internet, mới khiến mọi người rùng mình và lục tìm trở lại nguyên nhân sự việc cũng như nguồn cơn dẫn đến quyết định “dứt tình” của Hiệp hội Xuất khẩu gia súc Australia.

Cụ thể theo nhóm bảo vệ động vật Animal Australia, vào tháng trước, họ đã bí mật quay được một đoạn video cho thấy, bò ở Việt Nam bị nhúng nước hoặc bị đập búa tạ vào đầu trước khi bị làm thịt. Đoạn video này đã được phát trong một phóng sự của kênh truyền hình ABC vốn rất nổi tiếng tại Australia.

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gia súc Australia Alison Penfold cho biết, hệ thống kiểm soát giết mổ gia súc hiện tại ở Việt Nam vẫn còn nhiều kẽ hở. Hiệp hội này cho biết hiện họ đã lắp 35 camera quan sát tại các cơ sở nhập khẩu gia súc Việt Nam, trong tương lai sẽ lắp thêm 80 chiếc nữa.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng, quyết định của Hiệp hội Xuất khẩu gia súc Australia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thịt bò, nhất là hoạt động kinh doanh các công ty, đơn vị nhập khẩu bò Australia giá rẻ (3 USD/kg) về Việt Nam để vỗ béo.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu bò Australia nhiều nhất, đứng sau Indonesia và Trung Quốc. Năm 2015, tổng đàn bò Australia nhập khẩu về Việt Nam trên 300.000 con. Trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập 71.000 con bò về vỗ béo, giết thịt do nguồn cung trong nước hạn chế, không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Nói người tiêu dùng thiệt hại khi bị hạn chế thịt bò Úc thì không hẳn. Chưa có thống kê cụ thể nào về số lượng thịt bò Úc được tiêu thụ trên thị trường trong nước, ngoài trừ con số chung chung là “rất lớn”. Có điều, có thể khẳng định các cơ sở nhập nguyên liệu (bò sống) và các cơ sở giết mổ chế biến đã được trang bị dây chuyền hiện đại theo tiêu chuẩn và tuân thủ quy trình giết mổ nhân đạo là rất lớn.

Trong khi đó, đây cũng là lời cảnh báo bổ sung (bên cạnh hàng loạt các cảnh báo thường xuyên khác) về chăn nuôi, chế biến thực phẩm từ vật nuôi ở nước ta đang quá yếu kém. Không chỉ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn nằm ở một vấn đề tưởng như khá mâu thuẫn nhưng lại được hầu hết các quốc gia hết sức chú ý, duy chỉ có Việt Nam vẫn chưa coi trọng: Giết mổ gia súc cũng cần có sự nhân đạo.

Đó là lý do người ta phải đầu tư cả một hệ thống dây chuyền hết sức hiện đại và tốn kém, chứ không phải chỉ một mảnh sân nhỏ, đôi chiếc búa tạ và vài vòi nước xịt rửa mọi thứ xuống cống rãnh công cộng như khá phổ biến trong nước, ít nhất là trong video clip mà Hiệp hội Xuất khẩu gia súc Australia phải dùng từ “bàng hoàng” khi nhắc đến và chính cư dân mạng Việt Nam cũng lặng người khi xem.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.