Điền kinh Việt Nam đối mặt nguy cơ tụt hậu

GD&TĐ - Sau 3 kỳ đại hội liên tiếp đứng đầu khu vực, điền kinh Việt Nam đã không hoàn thành mục tiêu huy chương và rơi xuống vị trí số 2 tại SEA Games 32.

Nguyễn Thị Oanh tranh tài tại SEA Games 32.
Nguyễn Thị Oanh tranh tài tại SEA Games 32.

Điều đó đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển của môn thế mạnh của thể thao Việt Nam.

Những cánh én nhỏ

Các nội dung đã mang về 12 tấm Huy chương Vàng gồm: Nguyễn Trung Cường (3.000m chướng ngại vật nam), tổ tiếp sức hỗn hợp 4x400m, Huỳnh Thị Mỹ Tiên (100m rào nữ), Nguyễn Thị Oanh (1.500m nữ, 5.000m nữ, 3.000m chướng ngại vật nữ và 10.000m nữ), Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ 20km nữ), Nguyễn Thị Huyền (400m rào nữ), Nguyễn Thị Thu Hà (800m nữ), Nguyễn Linh Na (7 môn phối hợp) và tổ tiếp sức 4x400m nữ.

Đáng chú ý, trong tất cả các thành tích HCV, 2 nội dung là có sự tranh tài của các tuyển thủ nam gồm 3.000m chướng ngại vật nam và tiếp sức hỗn hợp 4x400m.

Đội tuyển điền kinh Việt Nam được giao chỉ tiêu giành 14 - 16 Huy chương Vàng và giữ vững vị trí số 1 tại SEA Games 32. Tuy nhiên, đội tuyển điền kinh Việt Nam chỉ giành 12 Huy chương Vàng, 20 Huy chương Bạc và 8 Huy chương Đồng, tụt xuống vị trí thứ 2. Điền kinh Thái Lan giành 16 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng chiếm vị trí số 1.

Đây được coi là bất ngờ lớn bởi 3 kỳ SEA Games liên tiếp trước đó, chúng ta đều giành vị trí số 1 rất thuyết phục. Thậm chí, tại SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà 1 năm trước, điền kinh Việt Nam tạo ra kỳ tích khi giành tới 22 Huy chương Vàng trong khi Thái Lan chỉ có 10 chiếc. Hay như SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines, điền kinh Việt Nam đứng đầu với 16 Huy chương Vàng, xếp trên Thái Lan (12 Huy chương Vàng).

Về mặt cá nhân, Nguyễn Thị Oanh xuất sắc giành 4 Huy chương Vàng SEA Games 32, trở thành vận động viên Việt Nam giành nhiều Huy chương Vàng cá nhân nhất trong một kỳ đại hội khu vực.

Đặc biệt, 2 Huy chương Vàng liên tiếp ở 2 nội dung thi đấu chỉ cách nhau 20 phút, gồm chạy 1.500m và chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nữ, là kỳ tích xưa nay hiếm trong môn thể thao nữ hoàng.

Nguyễn Thị Huyền cũng là cái tên đáng chú ý của điền kinh Việt Nam. Bà mẹ một con đã thể hiện phong độ ấn tượng với 3 Huy chương Vàng ở nội dung 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ, 4x400m nữ và 400m rào nữ.

Nếu như Huyền được sắp ở vị trí tốt hơn ở đường chạy 400m, thay vì được sắp ở làn số 7 (làn thường dành cho các vận động viên trẻ), tuyển thủ Việt Nam có thể giành 4 Huy chương Vàng như Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games năm nay.

Như vậy, Oanh và Huyền đã đóng góp 7 Huy chương Vàng, chiếm gần 2/3 tổng số Huy chương Vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 32. Ngoài ra, Huyền đang nắm giữ vị trí số 1 trong nhóm những vận động viên giành nhiều Huy chương Vàng nhất cho điền kinh Việt Nam tại sân chơi SEA Games.

Cô gái quê Nam Định đã giành 13 Huy chương Vàng. Đứng thứ hai là đồng đội Nguyễn Thị Oanh với 12 Huy chương Vàng. Cựu vận động viên Trương Thanh Hằng (TPHCM) ở vị trí số 3 với 7 Huy chương Vàng.

Sự tỏa sáng của Oanh, Huyền không thể giúp điền kinh Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu bởi điền kinh Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn, từ chủ quan đến khách quan, và hạn chế của lực lượng kế cận được nhận diện rõ ràng hơn bao giờ hết.

Ngay trước thềm SEA Games 32, Hội đồng Thể thao Đông Nam Á đã công bố danh tính 10 vận động viên dính doping tại SEA Games 31. Trong đó có đến 5 vận động viên của Đoàn Thể thao Việt Nam.

5 vận động viên này đều ở môn điền kinh gồm: Quách Thị Lan (2 Huy chương Vàng 400m rào và 4x400m tiếp sức), Khuất Phương Anh (Huy chương Vàng 800m, Huy chương Bạc 1.500m), Vũ Ngọc Hà (Huy chương Vàng nhảy xa, Huy chương Bạc nhảy 3 bước), Hoàng Thị Ngọc (Huy chương Vàng 4x400m tiếp sức), Lê Ngọc Phúc (2 Huy chương Bạc 400m và 4x400m tiếp sức).

Nhà vô địch SEA Games 31 Nguyễn Văn Lai từ giã đường đua khiến điền kinh Việt Nam đánh mất cơ hội giành Huy chương Vàng ở nội dung 5.000m và 10.000m nam.

Bên cạnh đó, Hoàng Nguyên Thanh (marathon), Võ Xuân Vĩnh (đi bộ nam), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa), Lương Đức Phước (1.500m nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao), Phạm Thị Diễm (nhảy cao) thi đấu dưới kỳ vọng, không thể bảo vệ thành công chức vô địch.

Theo ông Trần Quốc Vinh, Phó Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, so với SEA Games 31, thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Đoàn Thể thao Việt Nam có nhiều thuận lợi trong quá trình chuẩn bị, các vận động được tập trung dài ngày.

Các quốc gia khác không có được điều đó. Đến kỳ đại hội ở Campuchia, các đoàn như Thái Lan, Indonesia… đều có sự chuẩn bị rất chu đáo, nên cuộc cạnh tranh ở môn điền kinh đều rất khốc liệt, như Indonesia, giành 7 Huy chương Vàng trong khi kỳ SEA Games trước chỉ giành 2 Huy chương Vàng.

Trong khi đó, ông Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục TDTT, bình luận, việc điền kinh Việt Nam đánh mất vị trí số 1 không hề bất ngờ. Chúng ta dường như có sự chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng. Nhiều vận động viên tuy đoạt Huy chương Vàng nhưng thành tích chưa tốt.

Trong nhóm tốc độ, điền kinh Việt Nam thống trị tuyệt đối các cự ly trung bình của nữ nhưng nam thì không. Các cự ly ngắn chỉ có Huy chương Vàng 100m rào nữ của Mỹ Tiên. Nhóm nội dung nặng như ném lao, ném tạ, ném búa hay kỹ thuật như nhảy xa, nhảy cao giờ đây như là “vùng trắng”.

Thanh Phúc giành Huy chương Vàng đi bộ 20km SEA Games 32.

Thanh Phúc giành Huy chương Vàng đi bộ 20km SEA Games 32.

Điều chỉnh chiến lược

Theo huấn luyện viên trưởng đội tuyển điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hiếu, nhằm chuẩn bị cho ASIAD 19, các tuyển thủ điền kinh Việt Nam đã tập trung trở lại. Sau khi thắng lớn tại Giải Điền kinh Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng 2023, giành 4 Huy chương Vàng, đội tuyển sẽ tham dự Giải Điền kinh châu Á tại Thái Lan (tháng 7/2023), Giải vô địch thế giới tại Hungary (tháng 8/2023). Các giải đấu này sẽ giúp các tuyển thủ tích lũy kinh nghiệm nhằm hướng tới tranh tài ở ASIAD 19 vào tháng 9 tới.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, cho biết, liên đoàn sẽ có cuộc họp chuyên môn để đánh giá, rút kinh nghiệm một cách toàn diện những thiếu sót.

Nhưng vấn đề nào được nêu ra thì cũng không thể phủ nhận thất bại về chỉ tiêu tại SEA Games 32 và điền kinh Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu trong tương lai gần. Thế nên, những nhà quản lý cần nhìn thẳng vào những hạn chế đã được nhận diện, tồn tại và tìm hướng giải quyết chứ không đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, hoặc phong độ của vận động viên.

Rõ ràng, bước lùi khá sâu về thành tích tại SEA Games 32 cho thấy những vấn đề mang tính chiến lược của điền kinh Việt Nam. Theo ông Dương Đức Thủy, đã đến lúc chúng ta chú trọng nâng cao chất lượng các huấn luyện viên. Hiện nay, huấn luyện viên điền kinh Việt Nam có mấy người được đào tạo ở nước ngoài, nơi có nền thể thao phát triển mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc? Nếu những người thầy không thể cải thiện trình độ, tiếp thu cái mới, cái hay của thể thao thế giới, rất khó để nâng tầm vận động viên.

Bên cạnh đó, điền kinh Việt Nam cần nghiêm túc đánh giá lại phương pháp huấn luyện cho nam vận động viên bởi đang có sự mất cân bằng nghiêm trọng. Theo thống kê, tại SEA Games 32, điền kinh Việt Nam giành 11 Huy chương Vàng nội dung nữ và chỉ 1 Huy chương Vàng nội dung dành cho nam.

Hay SEA Games 31 trên sân nhà, các nam vận động viên chỉ đóng góp 8/22 Huy chương Vàng. Ngay cả lứa kế cận, của nữ cũng sáng nước hơn nam, với Mỹ Tiên (Huy chương Vàng nội dung 100m rào nữ), Bùi Thị Nguyên (Huy chương Bạc 100m rào nữ), Thu Hà (Huy chương Vàng nội dung 800m nữ)…

Ngoài ra, như bất kỳ môn thể thao nào nếu muốn nâng cao thành tích đều cần để vận động viên cọ xát thường xuyên ở những giải đấu đỉnh cao. Hiện nay, đội tuyển điền kinh Việt Nam chưa có nhiều giải đấu thực sự chất lượng để rèn quân, chuẩn bị cho mục tiêu lớn như ASIAD, hay cuộc đua giành vé tham dự Olympic.

Và về mặt đào tạo, ông Dương Đức Thủy nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy từ cấp cơ sở. Nhiều địa phương sớm hài lòng khi có một vài gương mặt tốt, triển vọng, phục vụ cho mục tiêu huy chương ở đại hội thể thao toàn quốc, hoặc SEA Games. Như vậy, sẽ rất khó cho tuyến trên khi tuyển quân, hoặc tìm kiếm gương mặt triển vọng cho tuyến kế cận.

2 gương mặt vàng là Nguyễn Thị Oanh (28 tuổi) và Nguyễn Thị Huyền (30 tuổi) sẽ duy trì thi đấu đỉnh cao được bao năm nữa? Rất có thể SEA Games 33, diễn ra ở Thái Lan, sẽ là kỳ đại hội đỉnh cao của họ trước khi bước sang bên kia sườn dốc phong độ.

Nếu không kịp thời điều chỉnh chiến lược, và kế hoạch huấn luyện phù hợp, rất có thể điền kinh Việt Nam sẽ còn chìm sâu hơn nữa trong cuộc đua với chính những đối thủ tại khu vực Đông Nam Á. Cú sốc về thành tích với điền kinh Việt Nam có thể sẽ đến trong kỳ SEA Games sắp tới.

Nguyễn Trung Cường vui mừng với tấm Huy chương Vàng nội dung 3.000m vượt rào nam.

Nguyễn Trung Cường vui mừng với tấm Huy chương Vàng nội dung 3.000m vượt rào nam.

Một vấn đề nữa đặt ra, 12 Huy chương Vàng ở Campuchia mới đây và 22 Huy chương Vàng năm 2022, nội dung nào chúng ta có thể tiệm cận với thành tích châu lục để có thể tranh chấp tấm Huy chương Vàng tại ASIAD sắp tới?

Nếu so sánh với thành tích của các vận động viên giành huy chương ở ASIAD 2018, có thể thấy các vận động viên nam của chúng ta không có cơ hội, có chăng chỉ hy vọng ở một vài gương mặt nữ nhưng khả năng giành chức vô địch không cao, trừ phi có sự xuất hiện của yếu tố mang tính “đột biến”.

Nguyễn Thị Oanh “vô đối” ở khu vực Đông Nam Á, nhưng ra đấu trường ASIAD là chuyện khác. Oanh phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 52 giây 44.

Thành tích này so ra vẫn kém so với thành tích Huy chương Vàng tại ASIAD 2018 là 9 phút 36 giây 52; Huy chương Bạc là 9 phút 40 giây 03 và thành tích Huy chương Đồng của chính Oanh là 9 phút 43 giây 83. Các nội dung khác mà cô gái thép của điền kinh Việt Nam vô địch tại SEA Games 32 sẽ không có cửa tranh Huy chương Vàng ở sân chơi châu lục.

Ở ASIAD gần nhất vào năm 2018 diễn ra ở Indonesia, điền kinh đóng góp 2 Huy chương Vàng của Quách Thị Lan (400m), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ). Nhưng đáng tiếc Quách Thị Lan bị cấm thi đấu vì dính doping, còn Bùi Thị Thu Thảo đã bước sang tuổi 31, phong độ sa sút.

Nhà đương kim vô địch ASIAD (thành tích 6,55m) chỉ đạt thành tích 6,38m ở SEA Games 31 và tại SEA Games 32 là 6,13m. Nguyễn Thị Huyền hay Thanh Phúc đều được kỳ vọng sẽ tạo nên kỳ tích. Tuy nhiên, 2 nữ vận động viên này đều bước qua tuổi 30, rất khó khăn chen chân vào nhóm cạnh tranh huy chương.

Vậy nên, bước lùi tại SEA Games 32 là bài học quan trọng để điền kinh Việt Nam nhìn lại quá trình đầu tư trong thời gian tới, nếu không sẽ quá muộn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ