Làm gì sau tập huấn?
Dẫn dắt “phần chơi” này, PGS.TS Nguyễn Lân Trung chia sẻ: Hiện nay, chúng ta đang thực hiện nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc đổi mới được tiến hành một cách từ từ, từng bước một và ở những việc cụ thể nhất. Và chúng ta sẽ thay đổi ngay từ cách thức tổ chức tập huấn.
“Hái hoa dân chủ” đưa ra các câu hỏi thảo luận và lấy ý kiến của người tham gia tập huấn nhằm định hướng, xây dựng mục tiêu cho mô hình đổi mới dạy học ngoại ngữ.
Điển hình là những khuôn mẫu quý được đúc kết. Vậy yếu tố quan trọng nhất để xây dựng điển hình là gì. Có ý kiến cho rằng đó là vấn đề con người, mà cụ thể là những người thầy, người cô. Nhưng ý kiến khác lại cho rằng, yếu tố phương pháp quan trọng hơn.
Chương trình tập huấn nhằm giao lưu chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt của một số đơn vị điển hình. Vậy sau khi kết thúc đợt tập huấn, các thầy cô, các chuyên viên, nhà quản lý sẽ về địa phương làm gì đầu tiên?
Câu hỏi nêu ra, có ý kiến trả lời ngay rằng cần phải xây dựng mô hình dạy và học ngoại ngữ phù hợp với địa phương mình. Có thầy giáo lại đưa ra ý kiến: Chúng tôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm đã tiếp thu được về cho đơn vị mình, và các đơn vị khác trong dự án ngoại ngữ quốc gia 2020.
Tinh thần chung của các đại biểu trong buổi tập huấn, là sẽ cố gắng tiếp thu những bài học hay, quý của các địa phương khác, và làm lan tỏa rộng rãi trong ngành giáo dục nói chung và bộ môn ngoại ngữ nói riêng.
Những tiêu chí xây dựng đơn vị điển hình
“Khi được chọn làm đơn vị điển hình, các thầy các cô, với tư cách là hiệu trưởng, sẽ làm gì đầu tiên”? nhiều hiệu trường cũng đã bày tỏ ý kiến: đó là xây dựng kế hoạch thực hiện và làm sao để chuyển tải đến đội ngũ cán bộ giáo viên nội dung của chủ trương xây dựng điển hình dạy và học ngoại ngữ, và thực hiện tốt đẹp chủ trương này.
Xây dựng điển hình, không có nghĩa là chọn những trường vùng thuận lợi, vùng có điều kiện về cơ sở vật chất, công nghệ, mà có cả những trường vùng khó. Vậy yếu tố quan trọng xây dựng trường điển hình đối với vùng khó là gì?
Bản thân vùng khó, các em ít có điều kiện để tiếp xúc với môi trường học tập hiện đại, gặp gỡ người nước ngoài, tham gia giao lưu, chia sẻ tại các trung tâm tiếng Anh lớn.
Bởi thế, nhiệm vụ tạo ra môi trường để các em thực hành, là ở nhà trường, ở sự chủ động, sáng tạo của các thầy các cô. Vậy nên, “tạo môi trường cho học sinh là yếu tố hết sức quan trọng”, thầy giáo đến từ tỉnh Kon Tum cho biết.
Về vấn đề này thầy Nguyễn Tấn Sĩ - Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - lại cho rằng, điều quan trọng nhất là kêu gọi, vận động xã hội hóa tạo nguồn lực cho đổi mới dạy học.
Chương trình tập huấn cũng nêu ra vấn đề tiêu chí nào là quan trọng nhất để lựa chọn đơn vị xây dựng điển hình? Theo thầy Trần Như Long, THCS Hùng Vương, Đồng Nai thì cần phải có hiệu trưởng năng động, sáng tạo, quyết tâm.
Còn đại diện từ tỉnh Thái Bình, cô Trần Thị Liễu lại khẳng định cần phải có đội ngũ giáo viên chuẩn, và giảng dạy theo chuẩn đề án ngoại ngữ quốc gia.
Kết luận lại những ý kiến, PGS.TS Nguyễn Lân Trung phát biểu: “Như vậy, lãnh đạo tâm huyết và quyết tâm, đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng quyết tâm và tâm huyết thì chúng ta sẽ xây dựng thành công mô hình điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ”.
Trong các nội dung tiếp theo, chương trình cũng diễn ra rất hiệu quả, với sự chủ động lắng nghe, chia sẻ, học hỏi, các cán bộ, thầy cô giáo đại diện cho nhiều trường học và nhiều địa phương trên cả nước.