Hội thảo do Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính) tổ chức. Hội thảo thu hút đông đảo sinh viên các trường đại học lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Trần Thị Xuân Anh – Phó Ban tổ chức cho biết, Việt Nam đã tích cực triển khai và thực hiện thành công một số nhiệm vụ nhằm hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Năm 2023, thế giới, bao gồm Việt Nam bước vào chu kỳ tăng trưởng kinh tế thấp. Xu hướng chuyển đổi toàn cầu về tăng trưởng, năng lượng, lương thực… ngày càng rõ hơn khi những khái niệm chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch… thường xuyên được nhắc đến.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, hậu quả của dịch bệnh, khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, PGS.TS Trần Thị Xuân Anh cho rằng, Việt Nam cần tận dụng tốt hơn cơ hội và hạn chế những tác động tiêu cực.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, bên cạnh các công cụ, chính sách của Nhà nước, còn cần sự nỗ lực, tích cực đổi mới, phát triển theo hướng bền vững của các doanh nghiệp và mọi người dân.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, nhằm có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng thời, tạo ra diễn đàn học thuật, trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm dành cho các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học…. Hội thảo nhằm cung cấp tổng quan về phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Các bài viết phân tích xu hướng, thực trạng và đề xuất các giải pháp, công cụ cho phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam theo nhiều khía cạnh khác nhau. Trải qua các vòng phản biện, Ban tổ chức đã nhận 37 bài viết của 149 sinh viên đến từ 7 trường đại học lớn đã chính thức được duyệt đăng toàn văn kỷ yếu.
Các bài viết có hàm lượng thông tin phong phú, tập trung vào các chủ đề: Thị trường tài chính bền vững; Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững; Yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG); Công nghệ tài chính và chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng bền vững; Ảnh hưởng của các vấn đề rủi ro đạo đức tới sự ổn định tài chính dài hạn; Kinh doanh bền vững.