Điện Biên tranh thủ nguồn lực thực hiện tiêu chí Trường học

GD&TĐ - Trước khó khăn về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã huy động tổng lực vào cuộc.

Từ nguồn xã hội hóa, điểm Pha Hún, Trường Mầm non Xuân Lao (huyện Mường Ảng) được đầu tư xây dựng mới khang trang. Ảnh: NTCC.
Từ nguồn xã hội hóa, điểm Pha Hún, Trường Mầm non Xuân Lao (huyện Mường Ảng) được đầu tư xây dựng mới khang trang. Ảnh: NTCC.

Hàng trăm phòng học, công trình phụ trợ kiên cố đang dần thay thế hình ảnh tạm bợ, chắp vá ở các trường học vùng khó.

“Chuẩn hóa” nhà, lớp học

Điểm trường bản Tá Miếu, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) là nơi học tập của hàng chục học sinh 2 cấp Tiểu học và Mầm non. Do được dựng tạm đã lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp, không thể đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới.

Cô giáo Lỳ Gò Me, Trường Mầm non Sín Thầu tâm sự, nhiều năm qua không chỉ giáo viên mà đông đảo phụ huynh, học sinh địa phương vẫn khát khao có một lớp học kiên cố, khang trang. Niềm mong mỏi ấy đã “vỡ òa” vào đúng dịp đầu năm học vừa qua, khi cô trò đón điểm trường mới.

Công trình được xây dựng trên diện tích gần 230m2, với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 2 phòng học có nhà vệ sinh khép kín dành cho trường Mầm non, 3 phòng học dành cho trường Tiểu học, 1 nhà bếp, công trình vệ sinh riêng, sân bê tông…

“Toàn bộ kinh phí xây dựng được huy động từ nguồn xã hội hóa. Sự chung tay của cộng đồng đã biến nơi đây trở thành điểm trường đẹp nhất, nhì biên giới. Cô trò chúng tôi thật sự hạnh phúc khi được giảng dạy, học tập trong điều kiện tốt như vậy”, cô Me tâm sự.

Học sinh điểm Tá Miếu vui chơi trong sân trường mới được đầu tư. Ảnh: NTCC.

Học sinh điểm Tá Miếu vui chơi trong sân trường mới được đầu tư. Ảnh: NTCC.

Cũng theo cô Me, từ khi điểm trường được đầu tư xây mới, thầy cô, phụ huynh và học sinh ở bản rất vui mừng, phấn khởi. Trẻ em được học tập trong điều kiện tốt hơn, diện mạo bản làng cũng trở nên khang trang hơn. Đặc biệt, từ nay không phải lo che mưa, chắn nắng, nhất là những hôm mưa rào hay gió đông “cắt da cắt thịt” ở biên giới.

Không chỉ với điểm Tá Miếu, cũng từ nguồn xã hội hóa mà diện mạo giáo dục ở Sín Thầu khởi sắc hơn. Theo lãnh đạo địa phương chia sẻ, thì do là xã khó khăn thuộc diện nhất, nhì của huyện nên trước đây cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn đều chung tình trạng thiếu thốn, xuống cấp.

Điển hình như Trường PTDTBT Tiểu học Sín Thầu có 5 điểm bản thì đều là nhà tạm hoặc qua sử dụng nhiều năm, không đảm bảo và thiếu đồng bộ. Song với sự hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa, đến nay cơ sở vật chất đã được đầu tư cơ bản. Qua đó, đảm bảo công tác giáo dục đáp ứng chương trình mới. Đồng thời hoàn thiện tiêu chí trường chuẩn quốc gia để xã Sín Thầu đạt chuẩn NTM.

Cùng chung bối cảnh khó khăn nên cơ sở vật chất, hạ tầng là thách thức lớn nhiều năm trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại Trường Mầm non Phình Sáng (huyện Tuần Giáo). Theo cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường thì thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng dạy và học.

Đầu năm vừa qua, từ nguồn kinh phí của Chương trình Phát triển Vùng Tuần Giáo và một số cá nhân, tổ chức thiện nguyện, nhiều hạng mục công trình mới đã làm thay đổi diện mạo cho ngôi trường. Tại điểm bản khó khăn nhất là Phiêng Hoa hiện nay cũng đã có nhà lớp học khang trang; hệ thống sân chơi, khu rửa tay… theo tiêu chuẩn.

“Cơ sở vật chất đảm bảo không chỉ tạo điều kiện học tập tốt cho hơn 300 con em đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, mà còn góp phần quan trọng giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy học. Đồng thời dần hoàn thiện tiêu chí trường học trong xây dựng NTM”, cô Yến chia sẻ.

Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa với cơ sở vật chất đảm bảo. Ảnh NTCC.

Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa với cơ sở vật chất đảm bảo. Ảnh NTCC.

Tổng lực vào cuộc

Cũng theo cô Yến tâm sự, có được cơ sở vật chất như hiện tại, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của các cấp thì đây là kết quả từ phong trào xã hội hóa giáo dục do ngành phát động. Qua đó nhằm hiện thực hóa mục tiêu dần hoàn thiện tiêu chí số 5 về trường học trong xây dựng NTM.

“Với chủ trương này, ngoài việc đẩy mạnh kêu gọi, vận động sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân thì nhà trường còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân. Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là sự tham gia tích cực của bà con trong việc đóng góp nguyên vật liệu, ngày công lao động tạo mặt bằng, xây dựng, tu sửa trường lớp học”, cô Yến cho hay.

Còn theo ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, công tác xã hội hóa giáo dục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, các đơn vị, cấp, ngành linh hoạt vận dụng thực hiện bằng cách làm phù hợp, thiết thực.

“Từ năm 2015 đến nay, địa phương đã huy động được gần 70 tỷ đồng xây dựng trường, lớp học. Trong đó tập trung vào việc xóa nhà tranh tre, nứa lá; tặng thiết bị dạy học, đồ dùng sinh hoạt, học tập cho học sinh, giáo viên; hỗ trợ bữa ăn tại các điểm trường cho học sinh không thuộc diện hưởng chế độ bán trú của Nhà nước... Đây là nguồn lực rất lớn góp phần tạo nên diện mạo mới cho các trường học và công tác giáo dục địa phương”, ông Chùy cho hay.

Niềm vui của học sinh Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa trong sân chơi mới.

Niềm vui của học sinh Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa trong sân chơi mới.

Với vai trò quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến giáo dục, đào tạo (tiêu chí số 5 và số 14), thời gian qua Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã tham gia tích cực và góp phần không nhỏ vào thành công chung của địa phương. Đến năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 65/115 xã nông thôn đạt tiêu chí số 5 về Trường học.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT địa phương, mỗi cơ sở sẽ dựa trên điều kiện thực tế của mình để huy động các nguồn lực vào cuộc. Sở phát huy vai trò lãnh, chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc quá trình thực hiện. Việc đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm được duy trì thường xuyên. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời khuyến khích, nhân rộng mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Giai đoạn 2021 – 2025, ngành Giáo dục Điện Biên phấn đấu sẽ có 100 xã nông thôn đạt tiêu chí số 5 về Trường học (tăng 35 xã so với năm 2021). Đây vừa là mục tiêu, đồng thời được ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

“Để đạt được mục tiêu trên, trong bối cảnh khó khăn đặc thù, ngành xác định công tác xã hội hóa hết sức quan trọng, nhằm huy động sự hỗ trợ từ mọi nguồn lực. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM không chỉ thực hiện trong ngành mà phải được triển khai sâu, rộng đối với toàn dân. Từ nguồn hỗ trợ đó, ngành cân đối để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo chất lượng”, ông Đoạt cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lợi ích của tư thế ngồi trên sàn nhà

Lợi ích của tư thế ngồi trên sàn nhà

GD&TĐ - Việc ngồi trên sàn nhà thường xuyên có mối liên hệ với tuổi thọ dài hơn. Ngoài ra, ngồi trên sàn cũng giúp phát triển sức mạnh cơ xương.