Điện Biên nỗ lực vực dậy 'sức sống' cho làng nghề truyền thống

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Là vùng đất giàu văn hóa với 19 dân tộc chung sống, Điện Biên hiện đang sở hữu nhiều làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm.

Đứng trước nguy cơ dần mai một theo thời gian, Điện Biên đang nỗ lực bằng nhiều cách để vực dậy “sức sống” cho những làng nghề, gắn liền với chương trình xây dựng NTM.
Đứng trước nguy cơ dần mai một theo thời gian, Điện Biên đang nỗ lực bằng nhiều cách để vực dậy “sức sống” cho những làng nghề, gắn liền với chương trình xây dựng NTM.

Đứng trước nguy cơ dần mai một theo thời gian, bởi những tác động của hội nhập và phát triển, địa phương này đang nỗ lực bằng nhiều cách để vực dậy “sức sống” cho những làng nghề, gắn liền với chương trình xây dựng NTM.

Thiếu sức cạnh tranh

Nghề truyền thống mây tre đan tại bản Nà Tấu 1 (xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ) là một trong số ít làng nghề được đánh giá hoạt động hiệu quả tại Điện Biên. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi năm bà con ở đây chỉ hoạt động nghề tích cực trong khoảng 4 tháng.

Ông Lò Văn Cương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan thủ công mỹ nghệ Nà Tấu cho biết: Năm 2010 làng nghề được thành lập và đến năm 2013 thì thành lập HTX. Tuy nhiên, do gặp hàng loạt khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường, vốn… nên nhiều năm qua hoạt động nghề chỉ cầm chừng.

Thiếu nguồn nguyên liệu là một trong những khó khăn trong phát triển nghề mây tre đan tại bản Nà Tấu 1 (xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ).

Thiếu nguồn nguyên liệu là một trong những khó khăn trong phát triển nghề mây tre đan tại bản Nà Tấu 1 (xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ).

“Đơn cử mỗi chiếc ghế mây hiện giá bán cao nhất là 200 nghìn đồng, nhưng chi phí vật liệu đầu vào đã chiếm một nửa. Trong khi đó thị trường đầu ra cũng bấp bênh. Năm 2021, HTX sản xuất được gần 16.000 sản phẩm các loại. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi thành viên chỉ thu nhập 1 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp nên bà con cũng chỉ hoạt động cầm chừng”, ông Cương cho hay.

Tương tự, những đôi giày thêu tay của đồng bào Xạ Phang tại xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) được đánh giá rất cao song nghề này lại chưa thực sự phát triển. Theo ông Oàng Dỉn Chử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng cho biết, đây là sản phẩm thủ công có độ tinh xảo cao nên đòi hỏi bà con làm rất kỳ công. Vì thế giá thành mỗi sản phẩm làm ra khá cao (trung bình từ 800.000 đồng - 1.600.000 đồng/đôi tùy từng loại).

“Người tiêu dùng chưa thực sự hiểu được giá trị của sản phẩm nên khó tiêu thụ. Trong khi đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm chưa được thường xuyên. Do vậy hiện nay nhiều hộ dân trong xã đã bỏ nghề hoặc chỉ làm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, phong tục tập quán dân tộc”, ông Chử cho hay.

Mặc dù được đánh giá cao, song nghề làm giày thêu của người Xạ Phang ở Tả sìn Thàng hiện nay chưa phát triển.

Mặc dù được đánh giá cao, song nghề làm giày thêu của người Xạ Phang ở Tả sìn Thàng hiện nay chưa phát triển.

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên), nguyên nhân chính khiến nhiều nghề, làng nghề tại địa phương gặp khó là do đa phần vẫn làm theo hình thức thủ công, tự phát, quy mô nhỏ. Các cơ sở thiếu vốn, chưa được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu (chiếm 95%).

Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong các nghề, làng nghề còn hạn chế. Trong khi đó, lao động chủ yếu là thủ công, chưa qua đào tạo, phần lớn là truyền nghề và kèm cặp tại chỗ. Do vậy, quá trình sản xuất theo cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng…

Mở cơ hội, tạo động lực

Ngày 22/11, ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ phấn khởi cầm trên tay tấm Bằng Chứng nhận nghề truyền thống Thêu chân váy, áo trang phục dân tộc Mông đến trao tận tay cho bà con bản Pá Kha, xã Nà Bủng. Đây là sự ghi nhận của UBND tỉnh Điện Biên đối với những giá trị và nỗ lực gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân.

Theo khảo sát, đánh giá từ cơ quan chuyên môn, nghề Thêu chân váy, áo trang phục dân tộc Mông ở bản Pá Kha đã có tuổi đời hơn 50 năm, được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ người dân bản địa. Hiện nay, bản đã có cơ sở may, với hơn 40 nhân công. Qua đó, tạo công việc ổn định và tăng thu nhập cho nhiều phụ nữ bản địa.

Phụ nữ bản Pá Kha, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) giới thiệu sản phẩm nghề Thêu chân váy, áo trang phục dân tộc Mông truyền thống.

Phụ nữ bản Pá Kha, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) giới thiệu sản phẩm nghề Thêu chân váy, áo trang phục dân tộc Mông truyền thống.

“Trước nay tôi làm nghề chỉ để phục vụ cuộc sống thường ngày, nhưng thời gian vừa qua đã biết tạo ra thu nhập từ nó. Giờ lại được tỉnh cấp Bằng công nhận nghề truyền thống rồi hỗ trợ kinh phí nữa, tôi cảm thấy rất vui. Nhờ động lực này, tôi sẽ cố gắng phấn đấu để phát triển và lưu giữ nghề truyền thống của cha ông. Đồng thời cũng giúp chị em trong bản có việc làm, thêm thu nhập cho gia đình và chăm lo con cái học hành”, chị Mùa Thị Mỷ bộc bạch.

Cùng với bà con người Mông ở Nà Bủng, mới đây Điện Biên có thêm 4 nghề, làng nghề được xét công nhận. Trong đó có Làng nghề bánh khẩu xén, bánh chí chọp bản Bắc II, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay); nghề dệt thổ cẩm bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) và nghề mây tre đan bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ).

Chị Lò Thị Vân, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pa Xá Lào cho biết: Do lâu nay bà con chưa có ý thức về nghề nên chỉ túc tắc sản xuất để sử dụng trong gia đình. Hiện nay sản phẩm làm ra được nhiều người biết đến hơn, bước đầu có thu nhập nên chị em có thêm động lực. Đặc biệt là từ khi nghề được công nhận thì người dân đã nâng cao nhận thức hơn.

Đại diện các đơn vị chuyên môn tỉnh Điện Biên bỏ phiếu xét duyệt công nhận nghề, làng nghề truyền thống năm 2022.
Đại diện các đơn vị chuyên môn tỉnh Điện Biên bỏ phiếu xét duyệt công nhận nghề, làng nghề truyền thống năm 2022.

“Chúng tôi hiểu đây là niềm tự hào rất lớn để cùng nhau nỗ lực phát triển nghề, truyền dạy cho các con, cháu. Đồng thời, tôi cũng hy vọng đi cùng với đó là các chương trình, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, tập huấn và cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn. Từ đó, tạo động lực để chị em tích cực sản xuất, sống được với nghề”, chị Vân bộc bạch.

Để nâng cao giá trị sản xuất của các làng nghề, thời gian qua Điện Biên đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng gắn với các tiêu chí xây dựng NTM. Cụ thể như: Đầu tư xây dựng đường bê tông, nhựa hoá vào làng nghề, hỗ trợ kinh phí phục vụ đào tạo, truyền nghề cho người lao động… Từ đó không chỉ vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở các địa phương.

Đặc biệt, dựa trên cơ sở Nghị định 52 của Chính phủ, địa phương này phấn đấu đến năm 2025 có 10 nghề và làng nghề được công nhận. Đây là điều kiện để các nghề, làng nghề được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, với kỳ vọng tạo ra cơ hội tiếp cận nhiều hơn về vốn, khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất, cũng như việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá, xúc tiến thương mại...

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên), hiện nay địa phương này có 44 nghề, làng nghề truyền thống. Thu nhập bình quân người lao động của các cơ sở, hộ gia đình trong những đơn vị nghề, làng nghề chỉ đạt khoảng 1,5 - 5 triệu đồng/tháng. Một số nghề, làng nghề được đánh giá hoạt động đạt hiệu quả, như: Nghề làm khẩu xén; nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào, mây tre đan ở xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ)...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ