(GD&TĐ)- Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Điện Biên, sáng 12/3, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dẫn đầu đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương.
Cùng dự, có Chủ tịch Công đoàn GDVN Trần Công Phong, lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD-ĐT, NXB GD Việt Nam. Về phía tỉnh Điện Biên có ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy; Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên.
Buổi làm việc của đoàn công tác Bộ GD-ĐT với lãnh đạo tỉnh Điện BIên. Ảnh, gdtd.vn |
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Phạm Xuân Kôi cho biết, để đảm bảo cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh phát triển có tính lâu dài và ổn định, tỉnh Điện Biên đã xây dựng Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2008-2015, định hướng đến 2020.
Hiện toàn tỉnh có 481 trường mầm non và phổ thông (trong đó có 52 trường PTDT bán trú), 8 TT GDTX, 1 trung tâm hướng nghiệp, 2 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, với tổng số 6.844 lớp và 147.165 học sinh; 03 trường Cao đẳng với 8.338 học sinh, sinh viên; 1 trường Cao đẳng Nghề với 35 lớp, 995 học viên.
Hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo cả 4 trường Cao đẳng trong tỉnh tích cực triển khai các nhiệm vụ theo Đề án phát triển từng trường giai đoạn đến 2015, định hướng đến 2020 đã được duyệt và đang triển khai xây dựng Đề án thành lập trường Đại học Điện Biên. Tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án đào tạo cán bộ, học sinh tại nước ngoài.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm học vừa qua, quy mô trường lớp và thành quả giáo dục tiếp tục được giữ vững. Năm học 2011-2012, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 9,1%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 97,1%. Tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần đạt 95,6%. Công tác quản lý chuyên môn thực hiện tốt, đặc biệt quan tâm triển khai tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc trước khi vào lớp 1.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh, gdtd.vn |
Chất lượng giáo dục các cấp học phổ thông khá ổn định. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96,3%, THCS đạt 99,3%; tốt nghiệp THPT đạt 95,65% (tăng 24,63% so với năm học trước).
Trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, tỉnh Điện Biên có 11 học sinh đoạt giải ở 5/8 môn dự thi (chiếm tỷ lệ 23%), trong đó có 05 giải ba, 6 giải khuyến khích, so với kỳ thi năm học 2009 - 2010, tăng 8 giải và 11 bậc.
Với Giáo dục thường xuyên, Tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT đạt 91,17% (tăng 68,44 % so với năm học trước). Nhiều Trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã hoạt động tích cực và hiệu quả ; đã tổ chức được 1490 lớp với 111.120 lượt người tham gia tập huấn nghiệp vụ, các chương trình tăng thu nhập, bảo vệ môi trường và tập huấn kiến thức y tế, CSSK, dân số, pháp luật.
Công tác phổ cập giáo dục tỉnh Điện Biên được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở; tập trung chỉ đạo huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, triển khai gắn việc huy động học sinh ra lớp với thực hiện nhiệm vụ năm học. Năm 2008 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS; năm 2010 đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ I.
Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất bằng nhiều nguồn vốn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đạt được kết quả: toàn tỉnh hiện đã có 102 trường đạt chuẩn quốc gia (21,75%), trong đó: mầm non 27 trường (17,76%), có 1 trường chuẩn mức độ 2; tiểu học: 51 trường (29,48%), có 2 trường chuẩn mức độ 2; THCS: 22 trường (19,1%); THPT 02 trường (6,9%).
Toàn tỉnh hiện có 6.897 phòng học (tăng 200 phòng học so với cùng kỳ năm trước), trong đó: 3.751 phòng kiên cố (chiếm 54,3% tổng số phòng học hiện có), 1.328 phòng bán kiên cố (chiếm 19,3%), 1.818 phòng tạm (chiếm 26,4%). Nhu cầu hiện tại của tỉnh còn cần 1.540 phòng học, 1.647 phòng học bộ môn, 376 nhà ban giám hiệu, 267 nhà đa năng, 269 phòng thư viện, 391 phòng y tế và 1.780 phòng công vụ.
Về Giáo dục chuyên nghiệp, 3 trường Cao đẳng đang đào tạo 8.338 học sinh, sinh viên và 07 Trung tâm đào tạo nghề tại các huyện, hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 8.000 lao động.
Toàn tỉnh hiện có 14.391 cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, phổ thông, trong đó có 11.351 giáo viên.
Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại hội nghị. Ảnh, gdtd.vn |
Tại hội nghi, giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý cho biết, để giáo dục Điện Biên giữ vững những kết quả phổ câp, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn, khó khăn nhất vẫn là việc vận động, huy động trẻ đến trường, duy trì tỉ lệ chuyên cần. Tỉ lệ học sinh bỏ học còn cao do trình độ dân trí thấp, giáo viên đã cố gắng làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp nhưng tỉ lệ bỏ học nửa chừng còn nhiều.
Theo ông Quý, muốn duy trì tỉ lệ chuyên cần, phải tổ chức tốt công tác bán trú cho học sinh; trong khi đó, tại Điện Biên đang rất thiếu nhà ở bán trú cho học sinh.
Song song với đó, là trang bị nhà ở công vụ để đội ngũ giáo viên gắn bó với các vùng khó. Vấn đề nhà ở công vụ cho giáo viên đang rất bức xúc. Ông Quý cho biết, có những xã, nhiều giáo viên Mầm non và Phổ thông không có nhà để ở, phải ở nhờ nhà dân hoặc trong các nhà tre nứa tự làm, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu thường ngày.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo và các ý kiến của lãnh đạo, Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, các thành viên trong đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cũng đã làm rõ thêm nhiều nội dung liên quan, đồng thời tiếp thu những đề nghị của tỉnh Điện Biên về hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo nghề, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ giáo viên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đánh giá cao sự quan tâm đầu tư phát triển giáo dục của tỉnh Điện Biên; đồng thời đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên tiếp tục quan tâm đến giáo dục và đào tạo; giữ vững những thành quả giáo dục phổ cập, quy mô trường lớp học, sĩ số học sinh, duy trì tỉ lệ chuyên cần ở mức cao để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Sắp tới, tỉnh cần làm tốt công tác thi tốt nghiệp sao cho sát với yêu cầu đánh giá chất lượng, không chạy theo con số, thành tích.
Về phía Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng khẳng định, Bộ sẵn sàng hỗ trợ, đào tạo giảng viên cao học cũng như các trình độ cao hơn cho các trường CĐ trong tỉnh, tuy nhiên, công tác này phải làm bài bản, chính quy. Mặt khác, tỉnh cũng cần chủ động hơn trong công tác cán bộ để đề nghị số lượng đào tạo cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ nhằm tạo nguồn cán bộ cho vùng sâu, vùng xa. Bộ cũng sẽ có phương án hỗ trợ cho tỉnh xây dựng trường Phổ thông chất lượng cao và trường PTDTNT mới cho Điện Biên.
Đầu giờ sáng, trước khi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã đến đặt vòng hoa, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ. |
Bá Hải