Điểm trường mầm non Pà Khà (Lai Châu): Chẳng kém miền xuôi

GD&TĐ - Giữa năm học 2020 - 2021, điểm trường mầm non Pà Khà thuộc Trường Mầm non Tà Tổng (huyện Mường Tè, Lai Châu) đã đi vào hoạt động và mang tới những thay đổi kinh ngạc.

Cô trò phấn khởi khi được học tập trong môi trường mới. Ảnh: NTCC
Cô trò phấn khởi khi được học tập trong môi trường mới. Ảnh: NTCC

Con em của đồng bào đã được học trong những lớp học khang trang “chẳng kém gì miền xuôi”.

9 năm thiếu thốn

Chia sẻ cảm xúc khi được giảng dạy tại ngôi trường mới, cô giáo Đỗ Lan Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Tà Tổng cho biết: “9 năm qua trường dạy và học trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn. Điểm trường Pà Khà cũ cơ sở vật chất chỉ là hai mái nhà lợp tôn lụp xụp, nền đất gồ ghề, không có sân chơi. Nhưng nay các thầy cô và học sinh đã được chuyển sang ngôi trường mới với niềm phấn khởi và niềm vui mừng khôn xiết”.

Bồi hồi nhớ về những ngày đầu tiên gắn bó với điểm trường Pà Khà (Trường Mầm non Tà Tổng), cô Hương kể, để đến được đây, từ con đường chính từ trung tâm xã Tà Tổng về cụm bản trung tâm Nậm Ngà gần 40 km thì quá nửa là đường đất trơn trượt, dốc lên dốc xuống. Pà Khà thuộc cụm trung tâm Nậm Ngà. Đây từng là điểm trường xa xôi và khó khăn nhất. Ngày mưa, để đến được trường là cả một sự vất vả, cơ cực.

Nhớ lại năm tháng khó khăn để dạy dỗ các con em đồng bào dân tộc người Mông, người Hà Nhì, thầy Vàng Văn Vũ cho biết, trước đây, khi thành lập điểm trường Pà Khà được dựng trên nền đất chật hẹp.

Điểm trường là nơi chỉ có 2 căn nhà gỗ xiêu vẹo, quay mặt vào nhau. Để đi được vào lớp phụ huynh phải cúi đầu xuống. Điểm trường chẳng có nổi sân chơi bởi từ vách lớp học đến hàng rào chỉ rộng bằng manh chiếu nhỏ.

Mọi sinh hoạt giảng dạy của thầy cô và các con bó hẹp nên thiếu thốn nơi ăn, giấc ngủ, dụng cụ học tập, đồ chơi trực quan cho các con đều không có. Các thầy cô tự cắt dán những miếng giấy màu sắc, trang trí đầy đủ những hoa văn, họa tiết, sắp xếp đồ để ít nhất người ta có thể nhận ra đó là trường mầm non.

Thầy Vũ nhớ lại những ngày đầu gắn bó với điểm trường. Thầy và một đồng nghiệp nữa bao ngày ở trong sương gió giữa núi rừng bạt ngàn phụ trách điểm trường Pà Khà. Khi học sinh đông lên, 3 cô giáo trẻ đến từ huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai là cô Lò Thị Thanh, Nùng Thị Sâm và cô Bóng Thị Danh được cử vào điểm trường để san sẻ với thầy Vũ.

Cô Lò Thị Thanh cho biết: “Không chỉ thiếu thốn điều kiện vật chất mà việc dạy chữ cho các con cũng là một thử thách không nhỏ bởi các con vốn chỉ biết tiếng của dân tộc mình nên việc dạy viết và đọc tiếng phổ thông sẽ khó khăn hơn gấp bội”.

Cô Thanh cùng với các thầy cô tại Pà Khà đã vượt qua những gian nan ấy bằng đam mê và tâm huyết của mình. “Trước hết là để các con làm quen với ngôn ngữ. Tập cho những đứa trẻ vùng cao những ý thức văn minh nho nhỏ. Để từ đó, khi vào tiểu học các con sẽ tự tin hơn, không quá khó khăn như các thế hệ trước đó”, cô Thanh nói.

Phụ huynh học sinh và cán bộ giáo viên toàn trường đóng góp nhiều ngày công để xây dựng trường lớp. Ảnh: NTCC
Phụ huynh học sinh và cán bộ giáo viên toàn trường đóng góp nhiều ngày công để xây dựng trường lớp. Ảnh: NTCC    

Hân hoan niềm vui trường mới

Qua những năm tháng cơ cực, mùa xuân này, thầy cô và học trò ở điểm trường mầm non Pà Khà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đã có hạnh phúc mới là được học tập tại điểm trường mầm non mới ở Pà Khà đã được hoàn thiện.

Đến nay, điểm trường mầm non Pà Khà đã đi vào hoạt động được hơn 1,5 tháng với những thay đổi kinh ngạc. Con em của đồng bào đã được học trong những lớp học khang trang chẳng kém gì miền xuôi.

Không còn phải học trong những gian nhà nhỏ hẹp ghép tạm nữa, các con giờ đây đã có trường mới, lớp mới. Gần 80 trẻ mầm non ở các lứa tuổi từ 2 - 5 tuổi chia thành 4 lớp học tương ứng với từng độ tuổi được các thầy cô chủ nhiệm chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy các con múa hát ngân vang chất chứa niềm vui và phấn khởi của cả thầy và trò.

Điểm trường mầm non Pà Khà hôm nay rộng rãi với đầy đủ có sân chơi, có vườn hoa cây cảnh để chăm sóc và hoạt động ngoài trời. Những điều mà trước đây tưởng chừng chỉ có trong mơ ước.

Chứng kiến những em bé người Mông, Hà Nhì mới 3 – 4 tuổi ở Pà Khà đã nói được tiếng phổ thông, đã hát được những bài hát như “Cả nhà thương nhau”, “Cháu yêu chú bộ đội”… mới thấy đó là cả một nỗ lực vượt bậc của các thầy cô giáo tại Pà Khà.

Một cô giáo nói: “Chỉ cần xong cấp học mầm non, các em biết hát được vài bài hát tiếng Việt, gọi tên các đồ vật bằng tiếng phổ thông là coi như thành công”.

Cô giáo Đỗ Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tà Tổng cho biết: “Điểm trường Pà Khà là nơi giao thoa giữa cũ và mới. Nếu điểm trường cũ là những ngày các thầy đi tìm dân mở lớp, duy trì và phát triển đến hôm nay là cả một nỗ lực. Được sự đầu tư của các cấp lãnh đạo cùng sự nỗ lực bền bỉ của các thầy cô giáo, điểm trường mở ra là sự khích lệ, động viên để các thầy cô gắn bó, bám trường, bám bản”.

Nếu như trước đây tỉ lệ tuyển sinh theo độ tuổi chỉ đạt 80% thì nay, với cơ sở vật chất và điều kiện trang thiết bị dạy học hiện có, đáp ứng đầy đủ điều kiện vệ sinh môi trường, Trường Mầm non Tà Tổng phấn đấu nỗ lực vận động 100% phụ huynh đưa trẻ đến lớp. Từ đây, những mầm tri thức sẽ được ươm lên và trở thành niềm tự hào của bà con nơi miền sơn cước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.