Điểm thi cao, dự kiến điểm xét tuyển ĐH ra sao?

GD&TĐ - Theo đánh giá chung, điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 tăng mạnh so với năm 2019, cụ thể là phổ điểm 8, 9 điểm xuất hiện nhiều. Điều này cho thấy điểm xét tuyển theo tổ hợp của các trường ĐH cũng dự kiến sẽ tăng nhiều.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Long An). Ảnh: Công Chương.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Long An). Ảnh: Công Chương.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) mức điểm thi ở khối A, B tăng 3,5; khối C,D tăng 2,5 điểm. Do đó, dự kiến điểm chuẩn khối A,B sẽ tăng 3-4 điểm; khối C,D tăng 2-3 điểm.

Trong tình hình này, Hiệu trưởng HCMUTE cho rằng các thí sinh cần cân nhắc về nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH. “Đăng ký ít nhất 10 nguyện vọng, theo thứ tự ngành khó, trường khó để ở trên; trường dễ, ngành dễ bỏ ở dưới” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng khuyên các thí sinh.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng làm công tác kiểm tra thi THPT 2020 tại Gia Lai
PGS.TS Đỗ Văn Dũng làm công tác kiểm tra thi THPT 2020 tại Gia Lai

Chia sẻ về đề thi và kỳ thi TN THPT 2020, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng “Một số người có tư tưởng chê bai nhưng theo tôi đề thi như vậy là quá chuẩn! Trước tiên nó hoàn toàn phù hợp với việc xét tốt nghiệp. Cần lưu ý là các em đã trải qua một năm học cực kỳ khó khăn vì dịch bệnh nên đề thi cũng phải phù hợp với điều kiện học tập thời gian qua. Chẳng hạn, đề Toán hoàn toàn giúp phân loại tuyển sinh qua các câu khó. Thật ra, đề khó dễ cỡ nào cũng xét tuyển vào ĐH được hết. Đề khó thì điểm chuẩn 24-25, đề dễ thì 29-30…”.

Tương tự, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung – Phó Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho rằng nhìn chung phổ điểm thi THPT năm nay sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 1-3 điểm, thêm vào đó các trường đều tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ nên dự đoán mức điểm sàn xét tuyển năm nay của các trường sẽ tăng cao, có thể lên đến 3-5 điểm.

Riêng đối với HUTECH, dù chỉ tiêu dành cho phương thức xét bằng điểm thi THPT khá lớn, chiếm 65% tổng chỉ tiêu của trường, nhưng dự kiến ngưỡng điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển của hầu hết các ngành cũng có thể chênh lệch 1-3 điểm so với ngưỡng điểm của năm ngoái, nhất là ở các ngành có đông thí sinh đăng ký như Quản trị kinh doanh, Marketing, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô,...

Tuy nhiên, cũng có thể có một số ít ngành có điểm nhận hồ sơ tương đương năm ngoái hoặc chênh lệch không đáng kể, là những ngành còn tương đối mới, chưa được nhiều thí sinh biết đến, hoặc một số ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật như Kỹ thuật môi trường, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông,... Thí sinh nên cân nhắc kỹ nếu cần điều chỉnh nguyện vọng, nên ưu tiên cho những ngành mình yêu thích hoặc ít nhất là ngành gần với ngành mà mình yêu thích, không nên chỉ vì điểm chuẩn mà cố gắng học những ngành không thuộc sở trường. Với thí sinh có học lực khá tốt ở lớp 11, 12, các em có thể chọn thêm phương thức xét tuyển học bạ để trúng tuyển đúng ngành yêu thích.

Phía Trường ĐH Văn Lang (VLU), ThS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường cũng cho rằng phổ điểm năm nay rõ ràng là cao hơn năm ngoái và các năm trước rồi. Cụ thể, phổ diểm cao hơn từ 2 điểm 3,5 điểm tùy tổ hợp so với năm 2019. Như vậy tình hình điểm trúng tuyển các ngành năm nay nhìn chung cũng sẽ tăng theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.