Cách đây 40 năm, ngày 2/6/1983, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ký Quyết định về việc mở tạm thời Trường PTTH Lang Chánh, (huyện cuối cùng của tỉnh vào thời điểm ấy có trường cấp 3). Đến ngày 13/5/1986, trường chính thức được công nhận theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trải qua 40 năm, xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã đào tạo được hàng nghìn học sinh (HS). Nhà trường có đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý đều có phẩm chất đạo đức lối sống tốt, vững về chuyên môn nghiệp vụ, phong trào thi đua “Hai tốt” được phát động thường xuyên, chất lượng giáo dục (GD) tương đối ổn định.
Dần khẳng định chất lượng giáo dục
Giờ đây, Trường THPT Lang Chánh đang từng bước phát triển bền vững, ngày càng trưởng thành, đã, đang và sẽ trở thành một ngôi trường có chất lượng GD tốt, một địa chỉ tin cậy đào tạo cấp THPT hệ công lập ở miền núi Thanh Hóa.
Thầy Nguyễn Mạnh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay tổng số cán bộ, giáo viên (CBGV) nhân viên (kể cả hợp đồng) của đơn vị là 62 người. Chất lượng đội ngũ của nhà trường có 100% cán bộ, GV đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn, trong đó 13 thạc sỹ; 43 người có trình độ đại học. Chi bộ nhà trường đã có 47 đảng viên. Học sinh của trường có 1.166 em, với tổng số lớp 29 lớp.
Chi bộ Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa) cách đây 20 năm. Ảnh: NTCC |
Trường THPT Lang Chánh đã được Nhà nước đầu tư, xây dựng khá kiên cố, khang trang và hiện đại. Trong đó, 29 phòng học kiên cố, 7 phòng bộ môn. Có đầy đủ phòng làm việc của BGH, phòng điều hành công tác chuyên môn, phòng sinh hoạt các tổ chuyên môn, phòng sinh hoạt Công đoàn, điều hành và một số phòng chức năng.
Nhà trường cũng có 1 khu ký túc xá đáp ứng được hơn 200 chỗ ở cho HS (hiện nay đang có gần 100 em ở ký túc). Các trang thiết bị, nhà ăn đã được đầu tư bổ sung đáp ứng nhu cầu ăn, ở của HS nhà trường. Ngoài ra, trường cũng có 2 khu nhà công vụ cho cán bộ giáo viên ăn ở, sinh hoạt.
Mặc dù, trang thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018 dành cho lớp 10 và 11 chưa được cấp, nhưng nhà trường đã tái chế, tận dụng các trang thiết bị cũ vào tổ chức hoạt động GD, cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, thư viện của nhà trường có phòng đọc, có đủ tài liệu, SGK cho HS mượn. Đối với Chương trình GDPT mới, có một số tài liệu đang chờ cấp, còn lại nhà trường đã lên kế hoạch mua bổ sung, đảm bảo nhu cầu mượn sử dụng cho cán bộ giáo viên CBGV và HS...
Lễ kết nạp Đảng viên mới ở Trường THPT Lang Chánh. Ảnh: NTCC |
Cũng theo thầy Tuấn, chất lượng giáo dục đại trà của nhà trường đang từng bước được nâng lên. Học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt - khá đã đạt 96.97% (so với năm học trước tăng 0.72%), chỉ còn 0,09% HS xếp loại hạnh kiểm yếu. Nhà trường đã có 6.5% HS xếp loại học lực giỏi; 42,74% khá; 50,49% trung bình...
Thầy cô tự nguyện phụ đạo học trò
Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, với mô hình "Quản lý sinh hoạt và học tập đối với HS ký túc xá" đang được đơn vị áp dụng khá thành công. Đó là, làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng nội quy, nền nếp sinh hoạt và học tập, tổ chức các hoạt động vui chơi; tổ chức thi đua về nền nếp, vệ sinh giữa các phòng ở.
Đặc biệt, mỗi buổi tối, có từ 2-3 GV tự nguyện vào ký túc xá để giúp đỡ phụ đạo, hướng dẫn học sinh học tập. Mô hình này đã góp phần nâng cao chất lượng GD, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho phụ huynh HS.
Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng mô hình "Mỗi tổ chuyên môn nhận giúp đỡ học sinh phải ở trọ của một xã vùng đặc biệt khó khăn". Theo đó, 4 tổ chuyên môn, thì mỗi tổ nhận giúp đỡ HS của một xã trong các xã vùng cao, vùng sâu, gồm: Yên Khương, Yên Thắng, Giao Thiện, Lâm Phú, đây là các xã cách trường từ 30 đến 60 km, học sinh nếu không được ở trong ký túc xá thì phải trọ học ở ngoài.
Lễ khen thưởng học sinh và giáo viên của Trường THPT Lang Chánh. Ảnh: NTCC |
Do đó, các GV chủ nhiệm phối hợp đoàn thanh niên nhà trường thường xuyên tổ chức đến thăm nhà trọ của HS để kiểm tra, nhắc nhở, động viên; hướng dẫn các em một số kỹ năng sống khi trọ học xa nhà, như: ăn mặc, phòng tránh đau ốm, bạo lực, trộm cắp, trấn lột, các tệ nạn xã hội, quan hệ nam nữ, chi tiêu tài chính, giờ giấc sinh hoạt...
Ngoài ra, mô hình "Tự nguyện phụ đạo, kèm cặp miễn phí cho học sinh yếu kém lớp 12" cũng phát huy rất tốt. Nhà trường tổ chức phụ đạo vào ca 2 các buổi chiều (môn Sử, Địa, GDCD) từ 16h15 đến 17h15, mỗi môn 2 tiết/tuần.
Tổ chức phụ đạo trong ký túc xá (môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh) từ 19h30 đến 21h30. Hàng năm, nhà trường thực hiện khoảng 300-500 buổi học phụ đạo miễn phí cho HS.
Song song với các mô hình, thì phong trào "Tuyên truyền, vận động phụ huynh cho học sinh ra lớp đầu cấp"; phong trào “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một HS có nguy cơ bỏ học vì học yếu hay vì hoàn cảnh gia đình khó khăn”.
Từ phong trào này, tỷ lệ HS đầu cấp trong những năm gần đây đạt 100% kế hoạch được giao. Tỷ lệ HS bỏ học giảm rõ rệt, từ 6-7% những năm trước đây, đến ba năm học gần đây, tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 3%.
Phong trào tham gia hoạt động phòng cháy chữa cháy rừng của đoàn thanh niên nhà trường. Ảnh: NTCC |
"Từ những mô hình trên, chất lượng học tập, thi cử của HS được nâng lên rõ rệt. Ví dụ: Những năm gần đây, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp luôn đạt trên 99%, cao hơn tỷ lệ chung của toàn tỉnh và với cả nước. Cụ thể: Năm 2022, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% (cao hơn 1.54% so với tỷ lệ chung toàn tỉnh và cao hơn 1.43% so với cả nước); Năm 2023, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp 99,45% (cao hơn 0.95% so với tỉ lệ chung toàn tỉnh và cao hơn 0.57% so với cả nước)...", Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Lang Chánh luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để ngôi trường ngày càng lớn mạnh. Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của của cấp ủy, chính quyền địa phương và Sở GD&ĐT Thanh Hóa... đã giúp ngôi trường ở vùng núi khó khăn của tỉnh đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Trường THPT Lang Chánh đã vinh dự đón nhận: 1 Huân chương Lao động hạng Ba; 1 Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 Bằng khen, 1 danh hiệu Tập thể Lao động Xuất sắc của Bộ GD&ĐT; 1 Bằng khen của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 1 Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu 4; 1 Bằng khen của Tổng cục Cảnh sát; 4 Bằng khen, 4 cờ thi đua xuất sắc và 6 lần đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của UBND tỉnh Thanh Hóa; 1 Bằng khen của BCH Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa.
Chi bộ nhà trường liên tục được BCH Đảng bộ huyện công nhận là “Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”; 2 Bằng khen của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; 8 Bằng khen của BCH Công đoàn Giáo dục Việt Nam; 4 Bằng khen của BCH Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa và nhiều Cờ Đoàn trường xuất sắc, Bằng khen của Trung ương Đoàn; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Trung ương Hội chữ thập đỏ...".
Đội ngũ GV cơ bản đảm bảo cơ cấu, đa số GV còn trẻ, có tâm huyết với nghề, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, có trình độ chuyên môn cao.
Đa số HS có ý thức kỷ luật cao, nền nếp học tập, rèn luyện ổn định ngay từ đầu năm học. Số phòng học đủ cho học 1 ca/ngày. Các phòng học bộ môn cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học và các hoạt động GD. Khu ký túc xá đáp ứng nhu cầu sử dụng của học sinh ở xa, hoạt động quản lí ở ký túc xá có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng GD...
Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Mặc dù hiện nay nhà trường đã đạt được những thành tích đáng kể của một ngôi trường vùng núi như đã nêu trên. Tuy nhiên, đối với thầy và trò Trường THPT Lang Chánh ở phía trước vẫn còn khá nhiều khó khăn. Bởi lẽ, đặc thù của HS nhà trường phân bố khắp huyện, giao thông đi lại khó khăn, nhiều em phải ở lại ký túc xá hoặc trọ xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình.
Số HS trong diện hộ nghèo cao, việc đầu tư của phụ huynh HS cho giáo dục còn hạn chế. Một số HS không có điều kiện học bồi dưỡng để bổ sung và nâng cao kiến thức. Đội ngũ GV vẫn còn thiếu ở một số bộ môn, như: Toán, tiếng Anh, Lịch sử, GDCD...
"Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu một số hạng mục, như: Phòng Âm nhạc, mỹ thuật, Ngoại ngữ, phòng Đa chức năng, phòng học bộ môn KHXH, phòng Thiết bị GD, phòng tư vấn học đường, sân Thể dục thể thao...
Đội thanh niên tình nguyện Tiếp sức mùa thi của nhà trường. Ảnh: NTCC |
Các trang thiết bị dạy học phục vụ cho chương trình GDPT 2018 chưa được cấp, vì vậy việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả chưa cao.
Ban quản lý khu kí túc xá HS, bảo vệ, nấu ăn... trong những năm qua không được cấp kinh phí, nhà trường đang phải tiết kiệm các nguồn chi để duy trì hoạt động. Vì vậy, rất mong sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và Sở GD&ĐT Thanh Hóa, để thầy, trò nhà trường vững tâm trong việc dạy và học”, thầy Tuấn bày tỏ.
“Những năm qua, chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường rất đáng ghi nhận. Trong đó, thi HSG cấp tỉnh các môn văn hóa đoạt 6 giải (1 giải Nhì, 1 giải Ba và 4 giải Khuyến khích). Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,45% (cao hơn 0.95% so với tỉ lệ chung toàn tỉnh và cao hơn 0.57% so với cả nước).
Tổng có 108 lượt HS có điểm thi đạt từ 9.0 trở lên, trong đó có 1 em đạt điểm 10 môn GDCD. Có 12 HS đạt từ 27 điểm trở lên/3 môn tổ hợp xét tuyển Đại học. Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT là 6,01.
Một số môn có điểm bình quân cao hơn điểm bình quân của toàn tỉnh, gồm: Môn Ngữ văn, Sinh học, Lịch sử. Với kết quả đạt được, nhà trường được Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2022-2023", thầy Nguyễn Mạnh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa).