Nghệ An: Hào hứng trước đề thi đậm tính thời sự và nhân văn
Chiều nay, 14.809, thí sinh Nghệ An bước vào thi môn Địa lý. Bất chấp thời tiết nắng nóng hầm hập, các thí sinh đều hào hứng làm bài thi khi gặp đề thi tâm đắc về chủ quyền biển đảo.
Hoàng Thị Linh Đan - Thí sinh Hội đồng thi Trường THPT Phan Đăng - cho biết: Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa. Đặc biệt câu 2, phần 1 hỏi: Tại sao chúng ta phải bảo vệ chủ quyền hòn đảo dù đó là chỉ là một hòn đảo nhỏ?.
Câu hỏi này rất hay, ngoài việc trả lời về những nguồn lợi mà biển đảo đem đến, chúng em còn nghĩ đến hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Đây là hành động phải lên án. Chúng ta bằng mọi nỗ lực phải bảo vệ chủ quyển biển đảo, vì đó là một phần máu thịt của Tổ quốc. Riêng em rất tự tin vì mình đam mê với môn này. Em làm bài với tâm trạng thoải mái. Em tự chấm cho mình được 9 điểm.
Cùng chung niềm vui với bạn, thí sinh Cao Văn Tiến cho biết: Em không thi đại học khối C nhưng em yêu thích và lựa chọn thi môn Địa lý. Đề thi năm nay tạo nhiều cảm hứng cho chúng em. Em làm được bài và hy vọng được trên 8 điểm.
Làm bài xong nhưng em cũng thấy trong lòng rất nhiều cảm xúc với câu 2 phần 1. Câu này cũng rất thời sự và nhân văn, nó giáo dục cho học sinh về lòng yêu nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thí sinh tại các hội đồng thi ở Nghệ An đều làm bài tốt. Học sinh chuyên khối A, B, D cũng rất thú vị với đề Địa lý bám sát nội dung SGK, sát với chương trình ôn tập của các thầy cô. Đặc biệt thí sinh rất hào hứng với nội dung chủ quyền biển đảo trong đề thi.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, kết thúc môn thi thứ 6 đã có 75 thí sinh không đến trường thi (bị tai nạn trước kì thi 5 thí sinh, 4 thí sinh đến chậm quá thời điểm tính giờ làm bài, 6 thí sinh bị ốm; lý do khác: 34, không lý do: 26).
2 ngày thi vừa qua tại Nghệ An không có thí sinh, giám thị vi phạm quy chế thi, không xảy ra sự việc bất thường. (Tiến Dũng)
Thí sinh hào hứng trao đổi sau giờ thi. Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Thừa Thiên - Huế: Thí sinh vùng cao nhẹ nhàng làm bài thi Địa lý
Địa lý là môn thi ở Thừa Thiên - Huế có số lượng thí sinh đứng thứ 3 trong 4 môn thi, với 4.866 thí sinh ở khối GD THPT và 549 thí sinh khối GDTX.
Cho tới môn thi kết thúc ngày thi thứ hai này, các lãnh đạo Sở Giáo dục và Thanh tra Sở Giáo dục & Đào tạo vẫn bám rất sát các điểm thi, kể cả ở vùng cao, vùng xa như A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông để kiểm tra, nhắc nhở các Hội đồng thi tránh những sai sót có thể xảy ra.
Theo nhận xét của một số giám thị tại Hội đồng thi Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, hầu hết các thí sinh đều phấn khởi với đề thi có 2 câu hỏi mở về chủ quyền biển đảo mà các em đã được ôn tập kỹ trên lớp. Cùng đó, hầu hết các câu hỏi đều có liên quan đến Atlat nên tương đối dễ dàng.
Tại Hội đồng thi A Lưới, thầy Trần Tuấn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng thi - cho biết: “Ngay cả các em học sinh dân tộc cũng rất vui khi làm được bài một cách nhẹ nhàng, thoải mái.
Suốt buổi thi, lãnh đạo Sở và Thanh tra luôn bám chốt, giám sát, nhắc nhở để không xảy ra trường hợp nào vi phạm”. (Thanh Huế)
Niềm vui làm được bài thi. Ảnh: Minh Thư |
Không bất ngờ nhưng cũng vỡ òa niềm vui sướng, nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi với sự tự tin về điểm số đúng với những nỗ lực của bản thân trong suốt một thời gian dài.
Thí sinh Đinh Thục Anh – Trường THPT Trần Phú - thích nhất ở cách ra đề không quá chú trọng lý thuyết, học thuộc. Không chỉ ở 2 câu có nội dung về biển đảo, chắc chắn cần nhiều hiểu biết ngoài sách giáo khoa, tất cả những câu hỏi khác đều yêu cầu học sinh cần có tư duy phân tích.
“Em làm bài thi rất tốt. Riêng câu về biển đảo do được các thầy cô nhắc đến nhiều, bản thân cũng chủ động theo dõi thông tin nên em khá ưng ý với phần trả lời. Hy vọng em sẽ đạt điểm cao” – Thục Anh cho hay.
Cũng thi tại Hội đồng Trường THPT Trần Phú, Hoàng Phương Linh nhận định: Kiến thức đề thi Địa lý vừa đủ cho thời gian làm bài 90 phút. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm khá, giỏi.
Câu hỏi: “Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ ở nước ta?” là nội dung Linh thích nhất trong đề và em cũng đã có câu trả lời súc tích, ngắn gọn và ưng ý.
Mạnh Hùng - Thí sinh Trường dân lập Anhxtanh tâm sự: Địa lý là môn em cảm thấy thoải mái nhất khi bước vào phòng thi. Một trong những nguyên nhân là bởi có sự hỗ trợ của Atlat.
Với đề thi này, nếu vận dụng Atlat thuần thục cũng có thể “ăn” từ 3 đến 4 điểm. Ví dụ câu về giá trị sản xuất nông nghiệp và câu về Quốc lộ 1, thí sinh hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế Atlat cho câu trả lời.
“Cũng nhờ khá chú trọng đến kỹ năng sử dụng Atlat mà em tự tin với 7 điểm môn Địa lý năm nay” – Hùng khẳng định. (Hiếu Nguyễn)
Thí sinh kết thúc ngày thi thứ hai |
Quảng Ngãi: Thí sinh vui khi gặp đề thi "tri kỷ"
Tại Hội đồng thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi), kết thúc môn thi Địa lý, các em rất hào hứng khi gặp được đề thi "tri kỷ".
Em Lê Văn Tịnh cho biết: Đề thi rất hay và có đề cập đến chủ quyền biển đảo. Đây là vấn đề có tính thời sự nên em rất quan tâm và muốn nói lên chính kiến của mình.
Chiều 3/6, tại tỉnh Quảng Ngãi có 4 hội đồng thi kết thúc sớm đợt thi tốt nghiệp, gồm: Hội đồng thi Trường THPT Minh Long, Hội đồng thi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện miền núi Sơn Tây), Hội đồng thi Trường THPT Tây Trà và Hội đồng thi Trường THPT Phạm Kiệt (huyện miền núi Sơn Hà). (Tấn Tài)
Đà Nẵng: Thí sinh hứng khởi với đề thi dạng mở mang tính thời sự
Hầu hết các thí sinh kết thúc phần thi môn Địa lý với tâm trạng rất thoải mái và hài lòng vì bài thi làm khá tốt và suôn sẻ.
Thí sinh Bích Ngọc - Hội đồng thi Trường THPT Phan Châu Trinh - rất tự tin đoán rằng sẽ đạt được điểm 9.
Thí sinh Thảo Nguyên nhận xét: “Trong 4 câu, có 2 câu hỏi nhỏ liên quan đến vấn đề biển đảo Việt Nam. Đây cũng là điều đã được chúng em dự đoán từ trước nên em và các bạn trong phòng thi làm bài khá thoải mái”.
Cả Thảo Nguyên và Bích Ngọc đều cho rằng đề thi môn Địa lý năm nay vừa mang tính thời sự lại có câu ra dạng “mở”, tạo điều kiện cho thí sinh thể hiện sự hiểu biết, quan điểm của mình vào bài làm.
Nhiều thí sinh tại Hội đồng thi Trường THCS Nguyễn Khuyến nhận xét: Đề thi vừa phải với những thí sinh có học lực trung bình, chỉ cần nắm kiến thức cơ bản thì cũng có thể đạt điểm từ trung bình trở lên. (Hà Nguyên)
Trao đổi sau giờ thi Địa lý. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Quảng Trị: Gần 3.400 thí sinh dự thi môn Địa lý
Ở hệ THPT, Quảng Trị có 3.388 thí sinh dự thi môn Địa lý so với 3395 thí sinh đăng ký dự thi, đạt tỉ lệ 99,79%. Trong số 7 thí sinh vắng mặt thì có 1 thí sinh bỏ thi không có lý do. Số thí sinh vắng thi ở hệ GDTX là 5 thí sinh.
Kết thúc 2 ngày thi, Quảng Trị không có trường hợp vi phạm quy chế thi, không có thí sinh nào đi muộn so với thời gian quy định tính giờ làm bài.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, có 12 thí sinh ở hệ THPT và 6 thí sinh ở hệ GDTX vắng buổi thi môn Địa lý. Không có trường hợp thí sinh, giám thị nào vi phạm quy chế thi. (Hà Nguyên)
17 giờ 30, hơn 15.000 thí sinh tại Thanh Hóa đã hoàn thành môn thi Địa lý.
Em Lê Thị Hiền - Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (TP Thanh Hóa) - tâm sự: Em đã rất hứng thú với câu hỏi về biển đảo trong đề thi môn Ngữ văn và Lịch sử. Chiều nay, trong đề thi môn Địa lý tiếp tục có câu hỏi về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Em rất hào hứng và đã làm tốt bài thi.
Anh Điền - Phụ huynh của thí sinh tại Hội đồng thi Trường THPT Hàm Rồng - chia sẻ: Đề thi tốt nghiệp ba môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý năm nay sát với thực tế, mang tính thời sự sâu sắc. Vấn đề về biển đảo được đông đảo mọi người quan tâm, giới trẻ cũng cần ý thức rõ được trách nhiệm của mình với chủ quyền đất nước.
Báo cáo nhanh cuối giờ chiều của Sở GD&ĐT Thanh Hóa: Chiều nay, tiếp tục có 68 thí sinh vắng thi. Cụ thể, môn Hóa học có 35 thí sinh vắng thi (khối THPT có 34 em, GDTX có 1 em); Môn Địa lý có 33 thí sinh (khối THPT có 17 em, khối GDTX có 16 em).
Ngày thi thứ hai Thanh Hóa không có giáo viên, thí sinh vi phạm quy chế thi. Đáng chú ý, tại Hội đồng thi Trường THPT Hàm Rồng có một thí sinh dự thi môn Hóa học bị ngất khi bắt đầu giờ thi 15 phút.
Sau đó thí sinh đã được sơ cứu tại phòng y tế của Trường THPT Hàm Rồng rồi được chuyển đến bệnh viện. (Nguyễn Quỳnh)
Gia Lai: Thí sinh kỳ vọng đạt điểm cao môn Địa lý
Kết thúc thi môn Địa lý, tại một số hội đồng thi ở thành phố Pleiku, các thí sinh bước ra khỏi trường thi và thầm nhẩm đếm trong lòng xem mình sẽ đạt điểm 8, 9 hay điểm 10 môn thi này.
Chia sẻ kết quả bài làm của mình, thí sinh Hoàng Thị Mỹ Lệ - Hội đồng thi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai - nói: Với đề thi môn Địa lý, em nghĩ các bạn đều có thể làm được, riêng em tự tin mình sẽ đạt được điểm 8.
Mang niềm vui cùng như nhiều thí sinh tại hội đồng thi này, em Siu H"Ni bày tỏ: “Em và nhiều bạn cùng phòng thi đều hoàn thành bài thi sớm trước 15 phút so với thời gian quy định. Em tự tin với 80% kết quả bài làm của mình”.
Trong buổi thi môn Địa lý chiều nay, toàn tỉnh có 4.448 thí sinh hệ THPT và 1.039 thí sinh hệ GDTX đăng ký dự thi, tuy nhiên có 19 thí sinh vắng thi (trong đó có 18 thí sinh vắng thi không lý do, 1 bị ốm không thể tiếp tục dự thi), 160 thí sinh hệ GDTX bảo lưu điểm thi.
Kết thúc buổi thi, thầy Lê Duy Định – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết: Sau 2 ngày thi, toàn tỉnh Gia Lai không có thí sinh vi phạm quy chế thi, cán bộ và giáo viên coi thi thực hiện đúng quy chế, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao.
Các Hội đồng thi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng trong công tác tổ chức thi, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không để xẩy ra bất cứ sai sót đáng tiếc nào.
Thông tin từ phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục: Trong thời gian diễn ra kỳ thi, tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa) có 1 trường hợp đặc biệt được cả hội đồng và bạn bè quan tâm là thí sinh Phạm Phước Hiếu.
Trước đó, vào chiều tối 2/6, trên đường đi làm rẫy về, bố em đã bị tai nạn giao thông và mất.
Để động viên thí sinh Phạm Phước Hiếu, thầy cô và bạn bè đã kịp thời đến nhà động viên. Sự động viện kịp thời cùng với nghị lực của bản thân nên trong ngày hôm nay, Hiếu vẫn đến trường để tiếp tục dự thi các môn còn lại. (Đại Thắng)
TPHCM: Ngày thi thứ hai diễn ra nghiêm túc
Ngày thi hôm nay với thí sinh chọn thi 3 môn Toán, Hóa học, Địa lý tưởng chừng vất vả nhưng thực tế lại không như vậy. Vẻ mặt rạng ngời của các thí sinh sau khi rời phòng thi môn Địa lý đã khiến cho những giờ phút trông đợi căng thẳng trôi qua.
Còn với môn Địa lý, tại Hội đồng thi Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, vì ghép với thí sinh hệ GDTX nên có tới 5 phòng thi, mỗi phòng 24 em thi môn này.
Hầu hết các em rất vui vẻ sau khi kết thúc môn thi. Vấn đề biển đảo tiếp tục xuất hiện trong đề thi Địa lý không quá bất ngờ với các em
Em Thu Hằng cho biết: Môn Địa lý vừa sức với chúng em, với lực học trung bình cũng có thể đạt điểm 7, điểm 8.
Ở câu IV, mục 1 và 2 em nghĩ hầu hết bạn nào cũng đã thuộc lòng và trả lời rất tốt, vì thời gian gần đây chúng em đều theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về vấn để chủ quyền biển Đông của nước ta.
Cô Châu Thị Nguyệt - GV Trung tâm Vĩnh Viễn (Q.10) cho rằng: Đề thi Địa lý hay, kiến thức đòi hỏi có tính phân bổ các vùng miền nhưng không quá rộng. Với cấu trúc đề đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức đã học để làm bài hơn là “trả lại” thầy cô những gì đã thuộc khi ôn luyện là kiểu ra đề rất tinh tế.
Tôi thấy đề không quá khó…nhưng để đạt được điểm cao, học sinh cần phải biết vận dụng và tư duy khoa học.
Câu II (mục 1) thật sự là một câu hỏi hay. Nó không chỉ giúp các em học sinh ý thức được các khái niệm về đảo, quần đảo mà còn lưu ý các em các giá trị hình thành và tạo dựng nên vị trí lãnh thổ, quyền tài phán với vùng đặc quyền kinh tế trên biển của dân tộc đã và đang sở hữu các hòn đảo.
Tôi tin, với câu hỏi này, học sinh chúng ta sẽ hiểu và ý thức hơn, trách nhiệm hơn với tình hình thời sự hiện nay của nước nhà.
Kết thúc ngày thi thứ hai, thầy Nguyễn Tiến Đạt - Phó GĐ Sở GD&ĐT - cho biết: Tại 93 điểm thi của TP diễn ra rất nghiêm túc, không có thí sinh hay giám thị vi phạm quy chế thi.
Đánh giá về công tác coi thi, theo thầy Đạt, qua kiểm tra một số Hội đồng thi, các giám thị làm việc hết sức nghiêm túc. Đặc biệt, việc phân công giám thị ở các môn thi khoa học, đảm bảo cho việc coi thi được diễn ra nhịp nhàng. Việc sắp xếp phòng thi cũng rất khoa học, giúp các thí sinh tìm nhanh chóng. (Phan Nga, Anh Tú)
Đông Nam Bộ: Đề vừa sức, thí sinh phấn khởi
Ghi nhận nhanh của phóng viên tại một số tỉnh khu vực Đông Nam Bộ trong ngày thi hôm nay cho thấy không khí nghiêm túc và kỉ cương phòng thi vẫn được các địa phương thực hiện rất tốt. Số thí sinh vắng, bỏ thi không nhiều, chủ yếu rơi vào hệ GDTX (hệ có số thí sinh tự do nhiều).
Ninh Thuận: Tại các HĐ thi ở các khu vực xa như Tuy Phong, Tánh Linh hay Bắc Ái, Ninh Sơn, thí sinh gặp chút khó khăn khi trời đổ mưa lớn. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra khi các HĐ thi đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở học sinh rất kỹ sau giờ thi mỗi môn, cũng như luôn chủ động trong công tác chuẩn bị.
Bình Thuận: Ngày thi hôm nay (3/6), tỉnh có tổng số 12 thí sinh vắng thi hệ GDPT và 4 thí sinh hệ bổ túc. Trong đó, có một trường hợp rất đáng tiếc xảy ra tại HĐ thi THPT Hòa Đa, huyện Tuy Phong khi em học sinh này đi thi muộn 51 phút và không được vào phòng thi. Ở môn thi Hóa ghi nhận thêm một trường hợp một thí sinh đi trễ do bị bệnh.
Đồng Nai: 27, 2 ngàn thí sinh tại 55 HĐ thi đã bước vào ngày thi thứ hai với tiết trời quang và không mưa. Toàn tỉnh không có bất kỳ thí sinh, cán bộ, giám thị coi thi nào vi phạm quy chế thi. Tỉ lệ thí sinh dự thi ở hệ THPT là rất cao ở cả 3 môn thi từ 99,94% - 100%.
Ngày thi hôm nay, tỉnh không khi ghi nhận một sự cố đáng tiếc nào xảy ra. So với ngày thi đầu có 2 thí sinh phải bỏ thi vì tai nạn giao thông, 1 thí sinh vắng có lý do thì ngày thi hôm nay chỉ ghi nhận một trường hợp đi trễ (4 phút) nhưng vẫn được cho vào phòng thi.
Bình Phước: Báo cáo nhanh của tỉnh cho biết: Toàn tỉnh có tổng số 8.187 thí sinh dự thi hệ THPT và 791 thí sinh hệ GDTX. Ngày thi thứ hai toàn tỉnh có 35 thí sinh bỏ thi ở 3 môn thi ( 15 THPT và 20 GDTX). Trong đó, tỉ lệ học sinh dự thi cao nhất hệ THPT là ở buổi thi môn Hóa với 99,95%, thấp là ở môn thi Địa Lý (99,79%). Hệ GDTX, tỉ lệ thí sinh dự thi cao nhất là ở môn thi Địa (95, 37%) và thấp là môn Hóa với 90,28%.
Ngày thi thứ hai, toàn tỉnh Bình Phước không ghi nhận một trường hợp GV, cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế thi, không có sự cố đáng tiếc trong phòng thi, điện, nước… Một trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi trong buổi thi môn Toán (HĐ THPT Đồng Xoài) vì sử dụng điện thoại.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngày thi thứ 2 kết thúc trong an toàn, nghiêm túc khi số thí sinh vắng thi của cả hai hệ chỉ là 19 ( 15 GDTX, 4 hệ THPT). Hơn 11.500 thí sinh của toàn tỉnh ( 10.277 THPT. 1276 GDTX) đã hoàn thành xong phần thi mà không ghi nhận một trường hợp GV, học sinh hay giám thị nào vi phạm quy chế thi.
Đắk Lắk: Đại diện Sở GD&ĐT cho biết, tình hình ngày thi thứ hai diễn ra bình thường, nghiêm túc, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Cả 2 khối phổ thông và giáo dục thường xuyên có 23.880/23.985 thí sinh dự thi (đạt 99,56%). Tại 51 hội đồng thi vắng 69 thí sinh (phổ thông vắng 27 và hệ giáo dục thường xuyên vắng 42 thí sinh); có 36 thí sinh bảo lưu điểm; trong đó 2 trường hợp vắng thi do bị ốm, 8 trường hợp lý do khác và 59 trường hợp không lý do. (Anh Tú)
Sóc Trăng: Thí sinh phấn khởi với đề thi hay, sáng tạo
Kết thúc giờ thi môn Địa lý, nhiều thí sinh rất phấn khởi vì đề Địa lý hay, sáng tạo.
Thí sinh Trần Hùng Thiện - Hội đồng thi Trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng) cho biết em làm trọn vẹn cả đề thi và hy vọng mình đạt điểm cao.
Thí sinh Diệp Thị Phương Thảo cũng cười thật tươi khi làm hết bài trước thời gian quy định. Cùng cô bạn Trần Hương Xuân, hai em đều chắc chắn mình sẽ đạt điểm 9 môn thi này.
Tương tự, ở hệ GDTX, nhiều thí sinh rất vui khi làm bài khá tốt và chắc chắn sẽ được điểm 7 trở lên. (Xuân Lương)
Đồng bằng sông Cửu Long: Thí sinh tâm đắc đề thi môn Địa
Sau khi hoàn thành bài thi môn Địa lý, thí sinh ra khỏi phòng thi trong tâm trạng thoải mái, trường thi đâu cũng ánh lên nét cười tự tin với bài làm trọn vẹn, dự đoán điểm số cao.
Nhiều thí sinh chia sẻ, sau 4 môn thi giờ đây đã yên tâm vì có thể đủ điểm để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều em cũng cho biết sau khi thi môn Địa cảm thấy không còn áp lực thi cử nặng nề như trước.
Theo đánh giá của các thí sinh, đề thi môn Địa không khó, các câu hỏi nằm trong chương trình. Đặc biệt thí sinh rất thích câu hỏi về nội dung bảo vệ chủ quyền biển đảo (câu II-1).
Em Trần Thị Kiều - HS Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) - cho biết: “Em rất vui khi hoàn thành các môn thi tốt nghiệp. Môn Địa em làm bài rất tốt, hoàn thành bài thi vẫn còn thời gian để đọc lại và kiểm tra cho kỹ.
Em thấy đề thi năm nay không khó, đều nằm trong chương trình đã học. Đặc biệt câu hỏi về biển đảo mang tính thời sự em rất hào hứng và làm tốt…”
Theo thông tin từ các Sở GD&ĐT khu vực ĐBSCL, ngày thi thứ hai tình hình an ninh trật tự trong và ngoài phòng thi tiếp tục được đảm bảo.
Qua hai ngày thi không xảy ra ùn tắc giao thông, lực lượng công an phối hợp với các ngành liên quan huy động các lực lượng trực tiếp phân luồng giao thông tại các điểm thi.
Đặc biệt tại khu vực thành phố, thị xã, thị trấn đều có biện pháp điều tiết, giải tỏa kịp thời tại các giao lộ, ngã ba, ngã tư, bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
Dù thời tiết diễn biến phức tạp, trời có mưa giông diễn ra trước và trong giờ thi nhưng các địa phương vẫn đảm bảo an toàn. Các HĐCT cũng thường xuyên nhắc nhở thí sinh đi thi đúng giờ, đem theo áo mưa, ăn uống đảm bảo vệ sinh và giữ sức khỏe tốt…
Thông tin chung về một số tỉnh/thành khu vực ĐBSCL sau 2 ngày thi:
Cần Thơ: Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Cần Thơ, buổi thi môn Toán có 4 thí sinh vắng thi. Trong 4 thí bỏ thi có 1 thí sinh bị ốm, 3 thí sinh còn lại vắng không rõ lí do. Môn Hóa hệ THPT có 5 thí sinh vắng thi (1 thí sinh bị ốm; lý do khác 1; không lý do 3).
Hệ GDTX có 3 thí sinh vắng thi. Môn Địa lý hệ THPT không có thí sinh vắng. Hệ GDTX có 11 thí sinh bỏ thi (32 thí sinh có điểm bảo lưu). Kết thúc ngày thi thứ hai không có thí sinh vi phạm quy chế thi.
Đồng Tháp: Trong buổi thi môn toán có 22 thí sinh vắng mặt (hệ THPT vắng 10 thí sinh), trong đó có 2 thí sinh bị tai nạn giao thông, 3 thí sinh bị ốm, số còn lại vắng không rõ lý do.
Ở môn Hóa học, hệ THPT vắng 8 thí sinh (1 thí sinh bị tai nạn giao thông, 2 thí sinh bị ốm, 4 lý do khác, 1 không lý do).
Hệ GDTX có 3 thí sinh bỏ thi. Môn Địa lý hệ THPT có 4 thí sinh bỏ thi. Hệ GDTX có 10 thí sinh bỏ thi (12 thí sinh có điểm bảo lưu). Toàn tỉnh Đồng Tháp không có thí sinh vi phạm quy chế thi.
Kiên Giang: Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, môn Toán có 11.533 thí sinh đăng ký dự thi (hệ THPT và GDTX), vắng 15 thí sinh, trong đó có 3 thí sinh bị tai nạn giao thông trong ngày thi trước nên không thể dự thi ở các môn tiếp theo.
Môn Hóa học, hệ THPT có 3 thí sinh bỏ thi (có 2 thí sinh bị tai nạn giao thông trước ngày thi).
Hệ GDTX có 2 thí sinh bỏ thi. Môn Địa lý, hệ THPT có 1 thí sinh bỏ thi (bị tai nạn gioa thông). Hệ GDTX có 11 thí sinh bỏ thi. Toàn tỉnh không có thí sinh vi phạm quy chế thi.
An Giang: Theo Sở GD&ĐT An Giang, số thí sinh đăng ký dự thi môn Toán là 14.610 thí sinh (hệ GDTX và THPT), vắng 108 thí sinh, trong đó hệ GDTX vắng đến 102 thí sinh.
Môn Hóa hệ THPT toàn tỉnh có 3 thí sinh bỏ thi (không lý do). Hệ GDTX có 117 thí sinh bỏ thi (105 thí sinh có điểm bảo lưu).
Ở môn thi Địa lý hệ THPT có 3 thí sinh bỏ thi. Hệ GDTX 70 thí sinh bỏ thi (39 thí sinh có điểm bảo lưu). Toàn tỉnh không có thí sinh vi phạm quy chế thi. (Quốc Ngữ)