Điểm học bạ đẹp nên mừng hay lo?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những câu chuyện điểm đẹp, học bạ toàn điểm 10 dường như đang lây lan khó kiểm soát.

Nữ sinh Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) trong ngày trưởng thành năm 2023. Ảnh: Văn Lự
Nữ sinh Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) trong ngày trưởng thành năm 2023. Ảnh: Văn Lự

Điều này khiến những ai quan tâm chất lượng và đổi mới giáo dục không tránh khỏi băn khoăn, day dứt.

Điểm đẹp như trong mơ

Theo Thông tư số 22/2021 của Bộ GD&ĐT, người quản lý giáo dục các cấp và trực tiếp là thầy, cô giáo sẽ đánh giá chất lượng giáo dục của người học theo điểm số hoặc nhận xét. Nhưng câu chuyện điểm đẹp, học bạ “năm sau đẹp hơn năm trước” dường như đang lây lan khó kiểm soát, khiến nhiều người quan tâm chất lượng và đổi mới giáo dục băn khoăn, day dứt và lo lắng.

Hầu hết chúng ta đều có con, có cháu đang theo học tại trường công lập hoặc tư thục sẽ nghĩ như thế nào về điểm tổng kết đẹp như mơ? Một vị phụ trách chấm thi tốt nghiệp (xin không nêu tên) đã chia sẻ quan điểm được quán triệt trước khi tiến hành công việc: “Chỉ có môn Ngữ văn, chấm tự luận chúng ta (giám khảo) mới giúp được học trò của mình. Gạn đục khơi trong, vận dụng linh hoạt để chấm điểm”.

Một vị quản lý trường, từ đầu năm học lại mong muốn các giáo viên tạo điều kiện cho học sinh về điểm để có cơ hội xét điểm học bạ vào đại học, tất nhiên từ lớp 10… Bây giờ, chuyện thầy cô giới hạn câu hỏi ôn tập thi khảo sát, hay kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ hoặc ra đề nhẹ nhàng để trò đạt điểm cao không chỉ thành phong trào mà là nghệ thuật của không ít giáo viên. Có thầy cô tâm sự: “Không làm vậy, sau lại bị kiểm tra, thậm chí, còn bị nêu tên “đồng chí xem lại phương pháp”...”.

Người viết giảng dạy Ngữ văn ngót 4 chục năm, trải qua nhiều kỳ đổi mới, nghiệm rằng, thầy cô cộng thêm “điểm ưu tiên” hay coi thi dễ dãi, chấm thi nhẹ tay, chưa bàn đến phạm luật định, chỉ nghĩ lương tâm cũng như người hại học sinh bằng điểm.

Các cụ xưa dạy, “Yêu cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi”, cho học trò của mình toàn điểm đẹp, không đúng với năng lực thực, về lâu dài và sâu xa chẳng phải là hại học trò đó sao? Tôi vui vì nhiều trò yêu kính hơn ghét thầy, ngay cả những trò chỉ luôn nhận 4 điểm trong ba năm học thầy, họp lớp vẫn cảm ơn: “Nhờ thầy dạy, em biết viết văn, biết diễn đạt và biết mình ở đâu”. Những ngoại lệ, bất khả kháng (như điều kiện để thi học sinh giỏi hay tế nhị khác) tôi nào tránh được, nhưng chỉ trong mức điểm trung bình.

Thực tế, không phải học trò nào cũng muốn nâng điểm. Em học khá giỏi rất tự trọng, không xin điểm và cũng không cần thầy cô nâng điểm. Nhiều em chưa cố gắng cũng không dám nghĩ điểm của mình ngất ngưởng thế, dù không xin thầy cô.

Nhiều thầy, cô giáo nói thật lòng: “Chúng em rất buồn, rất lo, vì các em đang rơi tự do trong môi trường điểm ảo, hạnh kiểm ảo. Trò không học, không tu dưỡng, không chấp hành yêu cầu cũng bằng trò có ý thức và quyết tâm học thật, giỏi thật. Kết quả xếp loại như thế làm lời răn dạy, hay nhắc nhở, phê bình học sinh thành phản tác dụng”.

Nhà giáo Nguyễn Văn Lự trong giờ ôn tập. Ảnh: NVCC

Nhà giáo Nguyễn Văn Lự trong giờ ôn tập. Ảnh: NVCC

Điểm đẹp mừng hay chưa?

Tôi hiểu, học trò bây giờ nhiều em thông minh, nhanh nhạy và đạt điểm tuyệt đối rất xứng đáng. Cho điểm và đánh giá còn tùy thuộc quan điểm của mỗi thầy cô. Để đạt điểm 10 các môn và môn Ngữ văn nói riêng, theo tôi cực hiếm. Có thể bài này 10 nhưng bài khác thì không và các môn khác cũng thế.

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: Điểm thi khảo sát, điểm hằng ngày có phải vì quá thật nên thầy cô không công bố? Điểm đầu vào thấp, điểm tổng kết chót vót có phải con em mình đã tiến bộ vượt bậc? Vì sao điều kiện tuyển sinh đầu cấp lại đưa ra quy định phải toàn điểm 10? Vì sao, một số trường ĐH tuyển sinh theo học bạ từ 15 điểm 3 môn… Áp lực học nhiều môn chính không còn nhưng áp lực điểm đẹp còn nguy hiểm hơn. Điểm 10 lơ lửng trong giấc mơ của trẻ và cha mẹ sẽ đẩy các em vào học thêm, học đến mức để được cô giáo chấm điểm 10 tất cả môn học; biến các con thành thần đồng, thành siêu nhân hết thảy.

Tôi mơ một ngày nào đó, các em được vui chơi nhiều hơn học. Một ngày trẻ trở về sau buổi học vui vẻ khoe hôm nay điểm A, B, C và không phải khóc xin “để con làm xong bài tập đã” và ngủ ngon lành. Tôi cũng ao ước các thầy cô giao bài tập vừa đủ và theo năng lực từng em. Tôi mơ các nhà giáo dù ở trường loại 1 hay loại 3, dù dạy lớp nào cũng nên tiết kiệm điểm giỏi. Nhà giáo nào chẳng có con đi học, và có ai không hiểu, áp lực bài vở nên các trò chép lấy chép để, chép tranh thủ để có bài nộp. Nhà giáo nào lại không hiểu, gian lận học và thi của trò cũng như thầy cô ghi điểm lúc cuối kỳ?

Tôi vẫn nhớ, ngài Kofi Annan, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, giải Nobel Hòa bình, từng khẳng định: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi…”. Câu nói này làm tôi liên tưởng đến đất nước Campuchia, với 8 điểm mấu chốt về học thật, chất lượng thật, ngài Bộ trưởng Giáo dục TS Hang Chuon Naron, từ năm 2014, đã được thế giới tôn vinh khi đưa Giáo dục Campuchia thay đổi hoàn toàn và phát triển mạnh mẽ.

Từ nước bạn, tôi cũng nghĩ, tương lai thế hệ Gen Z của đất nước hình chữ S này, một ngày không xa sẽ sánh vai các cường quốc. Nhưng một người bạn đã làm tôi thức tỉnh khi nói rằng: “Thi thế, thì học thế và xét điểm thế thì cho điểm thế. Chừng nào còn dùng điểm để xét tuyển đại học, còn dùng điểm xét thi đua thì chưa thể vì chất lượng được. Thi đua nên cùng đua, như cỗ thuyền máy chạy đua trên sông. Vinh quang dành cho thuyền về đích trước. Nhưng anh hỏi làm thế nào để thay đổi là câu hỏi vượt tầm của em”.

Nhiều đêm dài, tôi cạn nghĩ, giá như các nhà mô phạm, phụ huynh không cùng trẻ bay lượn trong thế giới danh hiệu khá giỏi ảo bằng cách này cách kia! Giá như các vị quản lý nghĩ tới và hành động cho học sinh thân yêu thật lòng, thanh thản và nghiêm túc, thì việc trả lại chất lượng thật cho giáo dục không khó. Thành tích, danh xưng và tiền bạc là phù du. Điểm cao mà ảo nói cho cùng, không chỉ làm hại một đời người, mà còn hại nhiều thế hệ học trò và xa hơn là hại cả dân tộc đang không ngừng phát triển. - Thầy Nguyễn Văn Lự

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ