Điểm danh những kỳ thi riêng trong mùa tuyển sinh 2023

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tuyển sinh đại học năm 2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào hệ chính quy.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA)

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, cho biết: HSA 2023 không có bất kỳ thay đổi gì về dạng thức, cấu trúc đề thi trong những năm qua và thời gian tới.

Tuy nhiên, sẽ có những điều chỉnh về hành chính như: giới hạn số lần dự thi, tăng chế tài xử phạt thí sinh vi phạm quy chế thi, lệ phí đăng ký dự thi và thi.

“Căn cứ quy mô của kỳ thi, chúng tôi giới hạn thí sinh chỉ đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. Việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tiễn năm 2022 với hơn 20.000 lượt thi của thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác mong muốn được thi HSA” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho hay.

Căn cứ vào nhu cầu dự thi và hạ tầng kỹ thuật mới có thể mở thêm địa điểm thi mới. Năm 2023 ĐH Quốc gia Hà Nội mở thêm hai địa điểm thi, nâng tổng số địa điểm thi lên con số 17, trải rộng từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An...

“Chúng tôi cân nhắc thêm một vài địa điểm thi miền Trung theo xét nhu cầu thí sinh thời gian tới. Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000-20.000 thí sinh/đợt thi. Kỳ thi hướng tới phục vụ trên 70.000 thí sinh năm 2023. Chúng tôi cũng nhấn mạnh, bài thi HSA có tính phân loại cao, đa mục đích trong đó có sử dụng để xét tuyển vào các ngành đào tạo bậc đại học có tính cạnh tranh cao...”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.

Theo kế hoạch, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 8 đợt thi từ 10/3 đến hết 4/6/2023. Các ngày thi chủ yếu vào cuối tuần. Thí sinh cũng cần lưu ý lịch thi học kỳ và kỳ thi riêng của các Sở GD&ĐT để tránh đăng ký trùng lịch thi. Thí sinh đăng ký thi từ 6/2/203 cho các đợt thi tháng 3-4/2023, đăng ký từ 18/3/2023 cho các đợt thi tháng 5-6/2023.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2022. Ảnh: INT.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2022. Ảnh: INT.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, cho biết: Năm nay, Kỳ thi tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ nguyên 17 địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố như năm 2022. Đồng thời dự kiến mở rộng thêm địa điểm thi tại tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Về thời gian, năm 2023, kỳ thi dự kiến tiếp tục tổ chức 2 đợt. Đợt 1 vào Chủ nhật (26/3/2023) và đợt 2 vào ngày Chủ nhật (28/5/2023).

Đề thi được trường giữ nguyên hình thức, cấu trúc, cách đăng ký thi như năm 2022. Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan (150 phút làm bài) với 3 phần: 40 câu sử dụng ngôn ngữ, 30 câu Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu, 50 câu giải quyết vấn đề.

Điểm mới năm nay, hai Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội thống nhất công nhận chéo kết quả bài thi đánh giá năng lực của nhau để làm phong phú nguồn tuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh không phải thi nhiều lần.

Kỳ thi riêng ngành công an

Năm nay, dự kiến các trường khối ngành công an tổ chức thi riêng. Bài thi đánh giá gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận. Thí sinh làm bài thi trong 1 buổi và diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến trong tháng 3 hoặc 4, Bộ Công an sẽ công bố chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng trường và bài thi mẫu để thí sinh tham khảo.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội

Với mục tiêu mở rộng khả năng áp dụng kết quả bài thi Đánh giá tư duy cho các trường đại học, học viện khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghiệp, nông nghiệp, y dược… và phù hợp với chương trình giáo dục hiện hành và phổ thông mới, Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định điều chỉnh cấu trúc, nội dung bài thi, áp dụng từ năm 2023.

Bài thi được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn, từ thi 270 phút xuống còn 150 phút; xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học từ: Toán + Đọc hiểu + Khoa học tự nhiên + tiếng Anh thành nội dung đánh giá tư duy Toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề.

Trường sẽ tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính trong thời gian 1 buổi (150 phút), nhiều đợt thi, nhiều địa điểm thi, cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm, không giới hạn đối tượng dự thi, số lần dự thi.

Kỳ thi riêng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

"Tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức Kỳ thi độc lập đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy vào đầu tháng 5", TS Trần Bá Trình – Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cung cấp tại buổi Tọa đàm “Phương án tổ chức kỳ thi độc lập tuyển sinh đại học”.

Theo dự thảo Đề án tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy, Kỳ thi được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức 1 hoặc 2 đợt hàng năm vào cuối tháng 4 và tháng 5 hàng năm.

Đối tượng thí sinh là học sinh lớp 12 THPT hoặc đã tốt nghiệp THPT, có nguyện vọng: Đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường đại học có sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển.

Các môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi gồm các câu hỏi trắc nghiệm, tự luận nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Thí sinh có thể lựa chọn dự thi một số môn thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học hệ chính quy. Thí sinh sẽ thi tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Thí sinh chờ vào phòng thi kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 2022. Ảnh: NTCC.
Thí sinh chờ vào phòng thi kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 2022. Ảnh: NTCC.

Kỳ thi riêng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho hay, năm nay trường tiếp tục tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào tháng 4 và 6. Đồng thời, trường cũng tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt lên tối đa 40% so với tổng chỉ tiêu.

Tùy theo nhu cầu xét tuyển vào các ngành học khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành học. Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức.

Kỳ thi tổ chức 6 bài thi. Cụ thể, bài thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, thời gian làm bài 90 phút/môn với 35 câu trắc nghiệm, 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn. Bài thi Ngữ văn (90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội) và tiếng Anh (180 phút gồm 4 phần: nghe, nói, đọc, viết).

Ngoài các Kỳ thi trên, còn có các kỳ thi năng khiếu các trường khối ngành Mỹ thuật, Âm nhạc, báo chí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ