Điểm chuẩn hệ dân sự các trường Quân đội cũng đã có dự báo, dù vẫn đang chờ quyết định chính thức của Ban Tuyển sinh Quân sự - Bộ Quốc phòng. Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, đến hết ngày 19/8/2016, thí sinh trúng tuyển phải nộp Giấy chứng nhận kết quả (bản chính) điểm thi THPT quốc gia năm 2016 đến trường mà thí sinh quyết định học. Những ngày đầu xác nhận nhập học, nhiều thí sinh chọn hình thức đăng ký trực tiếp.
Trường Quốc phòng – Công an có điểm chuẩn
Tổng cục Chính trị CAND đã chính thức công bố điểm chuẩn vào các trường CAND năm 2016. Trong đó cao nhất đối với nam từ 22,5 đến 27,5 và nữ từ 24,25 đến 29,75 tùy theo từng khối thi. Học viện An ninh nhân dân đã công bố điểm trúng tuyển vào trường.
Theo đó, Điều tra Trinh sát là ngành duy nhất trong trường tuyển sinh cả 4 khối A, A1, C và D1, điểm chuẩn cao nhất là cho thí sinh nữ 29,75 khối C. Cũng ở khối C, thí sinh nam đăng ký xét tuyển vào ngành này trúng tuyển với tổng điểm từ 24,25 trở lên. Tương tự, Học viện Cảnh sát nhân dân và Trường Đại học An ninh nhân dân cũng ghi nhận ở ngành Điều tra Trinh sát có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất cho nữ ở khối C theo thứ tự là 29,50 và 26,50.
Học viện Quân y đã đưa ra dự báo điểm chuẩn dự kiến xét tuyển đại học hệ dân sự. Theo đó, ngành Bác sĩ Đa khoa dự kiến lấy 26 điểm, ngành Dược sĩ lấy 25,5. Việc tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển từ học sinh giỏi, thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Chỉ tiêu tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển từ học sinh giỏi sẽ trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh.
Hội đồng tuyển sinh Học viện Kỹ thuật Quân sự thống nhất phương án điểm trúng tuyển của đối tượng đào tạo kỹ sư dân sự năm 2016. Theo đó, các ngành điểm chuẩn dự kiến từ 15 đến 23,5. Điểm trúng tuyển chính thức sẽ sớm được Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng quyết định, nếu có thay đổi Học viện sẽ thông báo ngay cho thí sinh biết.
Đến thời điểm này, khi đã có kết quả điểm thi và biết mình trúng tuyển trường nào, trong khi nhiều thí sinh quyết định nộp sớm Giấy chứng nhận kết quả thi về trường, thì cũng có nhiều thí sinh còn băn khoăn trong lựa chọn trường, ngành nào vì theo lịch cho phép thời gian còn kéo dài đến ngày 19/8. Vì quy định chung, thí sinh được quyền nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ vào 2 trường khác nhau và được xét bình đẳng nên khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển, có không ít thí sinh trúng tuyển một lúc 2 trường. Lời khuyên của các chuyên gia là thí sinh nên tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin về cả 2 trường mà mình trúng tuyển để xem cơ sở vật chất, môi trường học tập, môi trường sống có phù hợp với mình và gia đình không, trước khi có quyết định cuối cùng.
Nộp sớm Giấy chứng nhận kết quả
Sau khi các trường thông báo điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển, nhiều thí sinh đã chọn cách tới nộp kết quả thi THPT quốc gia và nhận phiếu nhập học trực tiếp tại trường. Theo ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng: Những ngày qua rất đông thí sinh đến nộp Giấy chứng nhận kết quả thi tại trường. Để thí sinh yên tâm, trong số đó nhiều em nhà ở các tỉnh xa, nên nhà trường chủ động phát luôn giấy báo trúng tuyển đại học. Tâm lý chung là thí sinh hồ hởi khi nhận được kết quả trúng tuyển ngay khi nộp Giấy chứng nhận kết quả thi.
Tại Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: Chỉ tiêu chung của trường năm nay là 3.120, ngày đầu tiên đã có hơn 600 thí sinh tới xác nhận nhập học tại trường. Chắc chắn trong những ngày tới số lượng thi sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi và xác nhận nhập học sẽ tăng lên, dự kiến có khoảng 70% thí sinh sẽ tới nộp trực tiếp tại trường; còn lại chỉ khoảng 30% nộp qua đường bưu điện. Dù với hình thức nộp tại trường hay theo đường bưu điện, chúng tôi chắc chắn quyền lợi của thí sinh sẽ được đảm bảo theo đúng quy chế tuyển sinh Bộ GD&ĐT đã ban hành.
Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chia sẻ: Chỉ riêng ngày đầu tiên thu nhận Giấy chứng nhận kết quả thi, trường đã nhận được 800 giấy, của cả thí sinh ở Hà Nội lẫn các tỉnh xa, nhưng phần đông là ở các tỉnh. Theo nhận định của ông Nguyễn Phong Điền, việc thí sinh đã xác định lựa chọn ngành nghề và quyết định đến các trường nộp sớm cũng là điều dễ hiểu, bởi tâm lý chung là yên tâm; hơn nữa đây cũng là quyết định lựa chọn phù hợp với sở thích của các em nên không còn gì để băn khoăn thay đổi nữa.
Giải pháp khắc phục thí sinh ảo
Lo lắng thí sinh ảo là điều dễ hiểu và cảm thông với các trường, tuy nhiên, đây là điều khó tránh khỏi với bất cứ một kỳ thi tuyển sinh, xét tuyển đại học ở Việt Nam hay quốc gia nào, khi mà những ưu tiên về quyền lợi của thí sinh cần phải được đảm bảo. Chính vì hiểu điều đó nên nhiều trường đã chủ động tính tới các phương án xử lý. Như ở các trường trong nhóm GX (nhóm 12 trường đại học và học viện khu vực Hà Nội theo đề án tuyển sinh chung), đã có phần mềm giảm ảo, theo đó một thí sinh chỉ có thể trúng tuyển vào một trường và một ngành duy nhất, không có chuyện mang hồ sơ của trường này sang trường khác nộp.
Từng trường cũng có những cách tính riêng để khắc chế nạn thí sinh ảo chi tiết hơn. Thực tế, chỉ với các trường trong nhóm GX thì không có chuyện thí sinh ảo do chỉ trúng vào một trường một ngành duy nhất. Nhưng thí sinh có 2 nguyện vọng của 2 trường nên rất có thể các em sẽ nộp 1 nguyện vọng vào trường nhóm GX và nguyện vọng còn lại là trường ngoài nhóm GX. Với thí sinh này, nếu trúng tuyển ở cả 2 trường trong và ngoài nhóm GX thì khả năng ảo là khó tránh khỏi và các trường cũng đã có giải pháp hạn chế riêng, trong đó có cả sự liên thông về thông tin giữa các trường.
Tiêu chí phụ là cách mà nhiều trường thực hiện. Như ở Đại học Bách khoa Hà Nội, cho dù chủ động lấy dư khoảng 10% chỉ tiêu, trường cũng đưa ra tiêu chí phụ để chọn trong số rất nhiều thí sinh có cùng mức điểm, vì thực tế có những ngành kỷ lục tới 120 thí sinh bằng điểm nhau, nếu không muốn vượt chỉ tiêu, các trường phải đưa ra tiêu chí phụ. Tương tự, Học viện Ngân hàng cũng áp dụng tiêu chí phụ với những thí sinh có điểm thi bằng đúng mức điểm chuẩn vào các ngành của trường với 2 ngành lấy tiêu chí phụ môn chính là môn Tiếng Anh, 4 ngành lấy tiêu chí phụ môn chính là môn Toán.