Dịch vụ xe chung của Uber và Grab bị "tuýt còi"

GD&TĐ - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các hãng Uber và Grab không cung cấp dịch vụ đi chung đối với xe hợp đồng tại Việt Nam. Cụ thể, Uber không triển khai dịch vụ UberPOOL (đi chung) đối với xe hợp đồng và dịch vụ GrabShare của hãng Grab. Tính năng này là thực hiện ghép cặp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trước khi đến điểm đến mong muốn của khách.

Dịch vụ đi chung xe GrabShare của Grab.
Dịch vụ đi chung xe GrabShare của Grab.

Tại hội nghị đối thoại về vận tải khách bằng xe taxi thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử của Bộ Giao thông Vận tải tổ chức vào sáng 28/6 ở Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban thư ký Hiệp hội taxi Hà Nội, đại diện cho các doanh nghiệp taxi Hà Nội cho rằng, tính năng GrabShare và UberPOOL vi phạm mục 5, điều 7, Nghị định 86/2014/CP của Chính phủ và mục 1, mục 2, điều 45 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về xe hợp đồng: “các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không được bán vé thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng khách đi xe dưới mọi hình thức”, “đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách."

“Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Grab yêu cầu không thực hiện dịch vụ GrabShare vì vi phạm các quy định về xe hợp đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Grab vẫn ngang nhiên thực hiện tính năng GrabShare. Vậy, Bộ Giao thông Vận tải có xử lý vi phạm này hay không, hay chỉ dừng lại ở việc ra văn bản?,” ông Long đưa ra câu hỏi.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho biết, GrabShare là một tính năng mới của GrabCar và hoàn toàn nằm trong phạm vi của Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar.

Vào tháng Năm vừa qua, hãng Grab và Uber đã ra mắt dịch vụ đi chung xe, cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe.

“Hiện, hãng vẫn đang làm việc tích cực với Bộ Giao thông Vận tải để hoàn thiện về mặt kỹ thuật. Cụ thể là về phương thức thể hiện của hợp đồng vận tải cho phù hợp với các quy định hiện hành. Đây là quá trình diễn ra tương tự trước đây khi Grab làm việc với các cơ quan chức năng để xây dựng Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar,” bà An khẳng định.

Là đơn vị tiên phong chủ động đề xuất khung pháp lý cho mô hình GrabCar, Grab Việt Nam đã giải thích và tham vấn với rất nhiều Bộ, ngành, cơ quan để thống nhất về phương thức giao kết hợp đồng vận tải điện tử cho phù hợp với các quy định.

Grab hiểu rằng sự có mặt và phát triển của công nghệ đã tạo ra những sự thay đổi lớn trong ngành vận tải và đôi khi gây ra sự bối rối trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên không phải vì vậy mà hoàn toàn loại bỏ hay kết luận điều đó là trái pháp luật.

Do đó, phía Grab cho rằng chỉ cần một tính năng mang lại lợi ích cho người dân, cho doanh nghiệp và cho xã hội thì các cơ quan Chính phủ sẽ hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện phát triển, như khi Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã thể hiện khi chấp thuận thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ