Thường hay quên
Hồi còn là một tân sinh viên, nhớ một hôm tôi đang ăn sáng ở căng-tin, bữa sáng chỉ là cái bánh mỳ khô, lúc ấy có cô bạn cùng lớp đi ngang qua, thấy thế mua cho tôi một chai nước ngọt. Cô ấy lẳng lặng để chai nước ở bàn, không nói gì, chỉ nở một nụ cười rồi vội vàng đi ngay, nhanh đến nỗi tôi không kịp nói một lời cảm ơn. Rồi, những buổi học hôm sau, gặp bạn ở lớp cũng không biết vì cớ gì mà tôi vẫn không nói nổi một lời cảm ơn với bạn.
Nhiều năm sau, trong một khoảnh khắc nhớ đến thời thanh xuân tươi đẹp, tôi gõ lên bàn phím những dòng kí ức trắng trong, mộng mơ về cái thành phố biển nhỏ xinh, hiền hòa lưu dấu bao kỉ niệm. Viết xong, tôi đăng lên trang cá nhân. Dường như ngay lập tức, rất nhiều người vào chia sẻ và bình luận. Họ là những người bạn cũ. Họ là những người từng học nơi này. Trong số đó tình cờ gặp lại người bạn cũ đã cho mình chai nước năm xưa.
Tôi nhắc lại chuyện về chai nước và bảo bạn rằng đến giờ vẫn nợ bạn một lời cảm ơn. Bạn bảo cậu không nhắc mình không nhớ. Bạn còn dí dỏm, tại hồi ấy sợ cậu nghẹn, cứ để đấy, mời lại được chắc gì đã nhớ. Và, bạn kết luận: “Người cho hay quên, người nhận thường nhớ”. Thật đúng vậy, bạn bè thật sự quý nhau, hiểu nhau thì lúc khó khăn giúp đỡ nhau người ta không bao giờ nghĩ đến chuyện thua thiệt hay để được đền ơn.
Ví như bạn có người bạn thân chẳng may rơi vào hoàn cảnh túng quẫn cần giúp đỡ, bạn có một ít tiền cho bạn ấy mượn. Khi ấy, bạn chỉ hi vọng rằng số tiền đó sẽ giúp đỡ được phần nào cho bạn vượt qua sự túng quẫn, khó khăn mà không mảy may nghĩ đến điều gì khác. Có thể một ngày nào đó, người bạn thân ấy sẽ tìm trả lại số tiền bạn đã cho mượn nhưng bạn chẳng biết chính xác số tiền mình đã cho mượn là bao nhiêu. Thế đấy, người tốt giúp đỡ người khác họ thường hay quên.
Chỉ nghĩ những điều tốt
Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bên cạnh những kẻ tham lam tìm cách trục lợi thì cũng có rất nhiều người tốt đang chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Đó là hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát giao thông ở Nghệ An niềm nở phát khẩu trang miễn phí cho mọi người ở bến xe khách Vinh. Đó là những cá nhân như chị Nga, chị Hiền ở xóm Kim Diên, huyện Nghi Lộc tình nguyện tặng khẩu trang, nước rửa tay cho Trường Mầm non Nghi Long.
Đó là nhà báo Thanh Thủy ở báo Nghệ An đã lập ra trang “Thông tin - Y tế sức khỏe” trên Facebook cập nhật nhiều thông tin bổ ích về dịch bệnh đặc biệt là các giải pháp phòng ngừa được rất nhiều người hưởng ứng. Và, còn rất nhiều tổ chức, cá nhân khác đang tích cực góp sức mình vào việc đẩy lùi dịch bệnh mà không thể kể hết.
Ngoài ra, còn phải nhắc đến những quyết định sáng suốt và đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta như cho học sinh nghỉ học, tổng dọn vệ sinh trong toàn khu dân cư, trường học cũng như đưa người dân Việt Nam từ Trung Quốc về để săn sóc y tế, thường xuyên công khai cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, cách phòng ngừa đến tất cả mọi người dân.
Riêng Báo Giáo dục và Thời đại dành thêm một chuyên trang để đưa tin phản ánh về tình hình dịch… Những việc tốt ấy, dĩ nhiên khi làm, người ta sẽ chỉ nghĩ đến mục đích tốt đẹp duy nhất là đem lại sự an toàn về mặt sức khỏe cho cả cộng đồng. Thế đấy, người làm việc tốt họ thường chỉ nghĩ về những điều tốt.
Không nên hằn học, chia rẽ
Thế nhưng, những ngày này thật đáng buồn khi trên các trang mạng xã hội lại đang “kích hoạt” sự so bì hơn thiệt giữa nghề y và nghề giáo ngay giữa tâm dịch. Những lập luận với mục đích là chia rẽ đoàn kết, kích động mâu thuẫn xã hội ấy đáng ngại lại được mọi người cổ xúy bằng những chia sẻ rầm rộ. Tại sao chúng ta không nghĩ đến những người thầy thuốc chết vì dịch Covid-19? Tại sao chúng ta không nghĩ đến những người thầy giáo chết vì sốt rét ác tính trên đường đưa chữ về bản làng hẻo lánh xa xôi? Sự hy sinh nào cũng lớn lao, cũng đáng được cộng đồng ghi nhận, tôn vinh.
Những người đang a dua, đang chia sẻ những thông tin kích động đó hỏi có đáng trách không? Những người đang muốn nổi tiếng bằng sự ồn ào nơi không gian mạng đó có đáng bị chúng ta lên án không? Tôi tin chúng ta sớm muộn sẽ đủ thông minh để nhận thức đâu là việc nên làm trong lúc này. Bình tĩnh và đoàn kết chống lại dịch bệnh là điều ý nghĩa nhất đối với mỗi người Việt chúng ta lúc này.
Hãy truyền đi thông điệp đoàn kết và lòng nhân ái. Đó mới thực sự là truyền thống tốt đẹp của người Việt từ bao đời nay. Trong cuộc chiến khốc liệt chống dịch Covid-19, không có sự hằn học, chia rẽ và im lặng. Hằn học, chia rẽ và im lặng ngay lúc này đồng nghĩa với cái chết. Chúng ta hãy sát cánh cùng nhau để đẩy lùi bệnh dịch. Tôi tin chúng ta sẽ chiến thắng!