Xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là địa phương mới nhất công bố dịch. Theo đó, một hộ chăn nuôi đã phải tiêu hủy toàn bộ 15 con lợn ngay khi đàn lợn có kết quả dương tính với loại dịch này.
Ngày 19/2, tỉnh Hưng Yên và Thái Bình là hai địa phương đầu tiên công bố phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, gần 300 con lợn bị tiêu hủy. Đến ngày 3/3, dịch lan rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh và lan nhanh đến các địa phương.
Như vậy, sau hơn 2 tuần phát hiện ổ dịch đầu tiên, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã lan tới 9 địa phương gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Điện Biên và Hòa Bình.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Cục Thú y đang tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, gấp rút triển khai phương án phòng ngừa sự lây lan của loại dịch này".
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sáng 4/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bùng phát và lây lan diện rộng".
Bệnh dịch lợn tả châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Lợn bị bệnh có biểu hiện là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết đồng loạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Hiện nay, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% vì chưa có thuốc chữa.