Tọa đàm “Dạy con bằng sách” có sự góp mặt của nhà văn Trang Hạ với vai trò MC, cùng với hai vị khách mời vô cùng đặc biệt. Đó là dịch giả, tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Onga Bergon của tôi”; PGS Nguyễn Hoàng Ánh, dịch giả cuốn sách hot “Giải mã cơn sốt Hàn Quốc”.
Xoay quanh chủ đề câu chuyện văn hóa và giáo dục của mẹ Việt, hai vị khách mời đã cùng nhau chia sẻ những câu chuyện liên quan tới sách, cách đọc sách, coi sách như một kênh tương tác quan trọng để nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách cũng như sự tự do trong việc chọn lựa giấc mơ tương lai của con cái.
Sách như những người bạn đồng hành với mỗi giai đoạn trong cuộc đời của mỗi con người, nhất là trẻ con cần được nuôi dưỡng tâm hồn bằng thế giới lý thú, đầy sắc màu trong những trang sách.
Đến với buổi tọa đàm, hai vị khách mời đã lần lượt đưa ra những nhìn nhận, đánh giá, quan điểm cá nhân của mình về tầm quan trọng của sách, việc đọc sắc, đặc biệt với con trẻ.
PGS.TS Hoàng Ánh tâm sự : “Lúc còn nhỏ, tôi không được tiếp xúc nhiều với sách vì lúc đó sách rất hiếm, để mượn được một cuốn sách tử tế để đọc là rất khó khăn. Nhưng may thay trong gia đình, bố tôi là người rất quý trọng những cuốn sách, sự quý trọng đó truyền qua cho tôi. Từ những việc nhỏ nhặt như bọc sách, giữ sách cẩn thận đã tôi rèn cho bản thân thêm niềm yêu sách.
Với tôi việc được “trốn” vào trong những cuốn sách như lạc hẳn vào một thế giới khác, nơi tâm hồn mình được nuôi dưỡng bằng những điều bổ ích, lý thú những bài học để sau này làm cơ sở truyền thụ lại cho con cháu mình”.
Tiến sỹ giáo dục Thụy Anh cũng chia sẻ : “Những cuốn sách với tôi như một góc riêng trong tâm hồn, để khơi gợi lên cảm xúc giữa tôi và bố mẹ mình, rồi sau này là giữa tôi với con mình, có thể đó cũng là nơi để cho tôi và con mình xây dựng những kỷ niệm đáng nhớ”.
Được biết Tiến sỹ giáo dục Thụy Anh luôn là người tâm huyết trong việc xây dựng thế giới bổ ích cho con trẻ thông qua những cuốn sách mà chính bản thân chị viết lên.
Khi nói về điều này, Tiến sỹ Thụy Anh chia sẻ thêm: “Ban đầu tôi xây dựng cuộc sống xung quanh con mình bằng cách viết những câu chuyện về con để khơi gợi cảm xúc và tạo sự gần gũi cho con với cuộc sống xung quanh, vì tôi quan niệm rằng không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng là một tờ giấy trắng mà người lớn muốn viết thế nào thì viết. Tôi cho rằng bên trong mỗi đứa trẻ đã chứa đựng một phần nào đó, một phần tâm hồn của sự tò mò, ham hiểu biết về thế giới xung quanh.
Chính vì lẽ đó mà tôi nghĩ rằng, việc xây dựng thế giới xung quanh con như viết một cuốn sách kể những câu chuyện để từ đó làm cơ sở điều chỉnh hành vi của trẻ. Đồng thời, chính bố mẹ cũng phải là những người đam mê đọc sách thì mới có thể truyền lại cảm hứng cho con”.
Ngoài ra, hai vị khách mời còn chia sẻ thêm về các bước rèn luyện kỹ năng đọc sách cho trẻ bao gồm: xây dựng văn hóa đọc; hình thành sở thích đọc và cuối cùng là rèn luyện kỹ năng đọc (ở điều này cần thiết phải có sự can thiệp của người dẫn dắt, mà cụ thể là bố mẹ).
Cách chọn sách kỹ năng dành cho con trẻ có phải là lựa chọn số 1 hay không? Vấn đề này được đưa ra ở cuối buổi tọa đàm.
PGS.TS Hoàng Ánh cho biết: “Tôi thích trải nghiệm hơn là phụ thuộc vào các cuốn sách dạy về kỹ năng. Không phải ai cũng có cách dạy con giống nhau kể cả Việt Nam hay các nước khác, mỗi thế hệ cũng có cách dạy con khác nhau. Và không có một phương thức, một cuốn sách tổng hợp nào để dạy kỹ năng cho trẻ.
Theo quan điểm riêng của cá nhân tôi thì cách tốt nhất nên cho con trải nghiệm thực tế thông qua các chuyến đi chơi, các buổi dã ngoại hơn là việc bị phụ thuộc vào các loại sách dạy thiên về kỹ năng cho trẻ. Nếu như được chọn loại sách dạy kỹ năng cho trẻ thì tôi nghĩ nên chọn các cuốn sách nói về giáo dục giới tính”.
Tiến sỹ Thụy Anh chia sẻ thêm : “Cái quan trọng nhất là các bậc phụ huynh cần bỏ thời gian ra để tìm hiểu, đọc sách cũng cần đọc trước con trẻ, bản thân mình cần phải học trước khi dạy dỗ bảo ban cho con, vì hầu hết rất nhiều bố mẹ tự tin vào khả năng làm bố làm mẹ của mình.
Vậy nên các bậc phụ huynh cần phải chuẩn bị cho mình một vốn kỹ năng nhất định bằng cách đọc sách, đọc các loại sách chứ không chỉ thiên về sách kỹ năng”.