Đích đến của hoạt động đổi mới thi cử

GD&TĐ - Chủ trương tổ chức kỳ thi quốc gia chung ở thời điểm này vừa phù hợp với sự chuyển biến của nền GD - ĐT của đất nước, lại vừa thể hiện mong muốn chính đáng của học sinh, của phụ huynh và xã hội.

Đích đến của hoạt động đổi mới thi cử

Mà ngay cả nếu xét ở khía cạnh giảm lãng phí thì đây cũng đã là một việc đáng làm.

Nghiên cứu 3 phương án môn thi của kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, tôi thấy phương án 2 (thi theo môn với 5 bài thi, gồm: Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; bài thi Khoa học Tự nhiên gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học; bài thi Khoa học Xã hội gồm Lịch sử và Địa lí) là phù hợp và khả thi hơn cả.

Bởi xét ở một góc độ nhất định thì nếu thi phương án này sẽ gọn nhẹ hơn, giảm chi phí tổ chức thi, đồng thời hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với các môn không thi.

Thực chất ở phương án này thí sinh có 3 bài thi theo môn và chỉ có 1 bài thi liên môn do thí sinh tự chọn, thế nên cái được lớn hơn cả là với phương án này, một kì thi có thể đáp ứng nhiều mục đích, kiểm tra được kiến thức của nhiều môn học nhưng không gây nặng nề cho học sinh.

Hướng đến của phương án này chính là bảo đảm nghiêm túc, khách quan, công bằng, độ tin cậy của kết quả thi; bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, chuyển dần từ yêu cầu kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của người học; không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh.

Dẫu ở thời điểm này, mỗi phương án đều có “cái lý” mặt mạnh của nó, nhưng nếu không nhìn rộng thì không chỉ rất dễ bị xáo trộn mà còn có nguy cơ đi vào “đường mòn thi cử”, bởi thực tế thi cử lâu nay của chúng ta vẫn còn nghiêng về đo lường kết quả học được cái gì chứ chưa phải đánh giá học sinh vận dụng kiến thức như thế nào.

Mặc dù, kiến thức là cơ sở của năng lực nhưng kiến thức chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, cần coi trọng đánh giá năng lực chứ không chỉ coi trọng kiến thức.

Hay nói cách khác với phương án thi này sẽ hướng cho các nhà trường ngoài việc dạy học theo đúng chương trình - SGK phải tổ chức được các hoạt động giáo dục để học sinh được bộc lộ suy nghĩ, thảo luận, tìm hiểu thực tế. Những hoạt động này phải thực chất, không phải kiểu hoạt động “phong trào” chạy theo thành tích...

Đó chính là cái đích cần đến của hoạt động đổi mới đánh giá thi cử mà Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ