Trường PT có nội trú dân nuôi cần quan tâm hơn nữa

Trường PT có nội trú dân nuôi cần quan tâm hơn nữa

(GD&TĐ) - Bên cạnh mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú các cấp được hình thành, ổn định và phát triển mấy chục năm qua với chế độ chính sách riêng của Nhà nước, trường phổ thông có nội trú dân nuôi (NTDN) cũng đã xuất hiện và tồn tại do yêu cầu của cuộc sống.
Bữa ăn của HS trường nội trú
Bữa ăn của HS trường nội trú
Mô hình này đã góp phần huy động HS trong độ tuổi đến trường, giảm thiểu những khó khăn cho các em HS vùng dân tộc miền núi khi đi học. Lần đầu tiên, một hội nghị  tổng kết mô hình trường NTDN được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Điện Biên do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì sẽ đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển của loại hình trường phổ thông có NTDN. Trường phổ thông có NTDN (theo Luật GD 2005 là Trường phổ thông dân tộc bán trú) đã tồn tại từ những năm 70 của thế kỷ XX. Loại trường này hiện đang phát triển mạnh ở nhiều tỉnh miền núi, vùng dân tộc, nhưng chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung bộ và Tây Nguyên. Trong 8 năm qua, số HS NTDN ở các cấp học phổ thông tăng lên nhanh chóng. Sự phát triển của các trường phổ thông có NTDN ở vùng dân tộc và miền núi đã đánh dấu sự chuyển biến một bước cơ bản về nhận thức của đồng bào dân tộc trong việc cho con em đi học. GV không còn phải đi tới các bản làng xa xôi hẻo lánh để vận động HS tới lớp mà cha mẹ các em đã tình nguyện cho con mang gạo và thực phẩm tới trường học tập. Trường phổ thông có NTDN là một trong nhiều hình thức GD nhằm khắc phục những khó khăn về điều kiện tự nhiên - xã hội ở vùng dân tộc miền núi, giúp cho một bộ phận HS phổ thông ở xa truờng, đi lại khó khăn được học tập tốt hơn. Việc tổ chức NTDN trong các trường phổ thông đã thúc đẩy phong trào GD ở vùng dân tộc phát triển, góp phần huy động HS trong độ tuổi đến trường, giúp duy trì ổn định số HS đến lớp, tạo điều kiện để HS đi học hết cấp học. Theo Luật GD thì trường phổ thông dân tộc bán trú là loại hình trường chuyên biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, loại hình trường này hầu như chưa tồn tại mà chỉ có trường phổ thông có một bộ phận HS ở nội trú, do Nhà nước và nhân dân cùng tổ chức nuôi dạy. Như vậy có thể nói trường phổ thông dân tộc bán trú (trường phổ thông có NTDN) chưa thành mô hình hoàn thiện, mục tiêu tính chất của loại hình trường này chưa được xác định rõ ràng nên việc xây dựng các chế độ, chính sách còn đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc.

* Năm học 2000-2001 cả nuớc có 639 trường tiểu học với 39.959 HS và 296 trường THCS với 20.736 HS NTDN.

* Năm học 2008-2009 có 780 trường tiểu học với 51.015 HS, 855 trường THCS với 79.743 HS và 93 trường THPT với 18.700 HS NTDN.

Hình thức NTDN ra đời từ thực tiễn GD vùng khó khăn, do nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Từ khi ra đời đến nay, hình thức này đã phát huy hiệu quả tốt mà các địa phương đều đã thấy rõ. Tuỳ điều kiện của địa phương, nhiều tỉnh đã quan tâm xây dựng chính sách riêng cho loại hình trường này, như Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Nam Đà Nẵng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Kon Tum... Những chính sách địa phương này, tuy chưa phải là nhiều nhưng đã có tác dụng nhất định đối với mỗi địa phương trong tình hình cụ thể của mình nhằm phát triển GD nói chung. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách phát triển GD vùng dân tộc miền núi, trong đó có chính sách đối với GV và HS ở các trường có NTDN, ví dụ Quyết định số 267 ngày 31-10-2005 về chính sách dạy nghề với HS nội trú, Quyết định về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng 135 giai đoạn II...Tuy nhiên, những chính sách này cũng chưa bao quát hết được các vấn đề khó khăn nảy sinh từ mô hình trường phổ thông có NTDN. Việc đề xuất một hệ thống các chính sách mang tầm vĩ mô đối với mô hình trường này là rất cần thiết để góp phần hoàn thiện một mô hình đang đáp ứng tốt yêu cầu học tập của đại đa số con em vùng đồng bào dân tộc miền núi khó khăn nhưng chưa được học trong các trường DTNT.
Trâm Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.