Nhà công vụ giáo viên - khó khăn còn đó!

Nhà công vụ giáo viên - khó khăn còn đó!

(GD&TĐ) - Ở Đồng bằng sông Cửu Long, do phát triển giáo dục không đồng đều giữa khu vực đô thị và nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhu cầu nhà công vụ trở nên bức xúc. Một nghịch lý đang diễn ra: nơi có đời sống kinh tế cao như đô thị rất dễ vận động xã hội hóa nhà công vụ thì giáo viên không có nhu cầu; nơi vùng sâu, vùng xa đời sống khó khăn, nhu cầu nhà công vụ hết sức bức xúc, nhưng không thể vận động xã hội hóa. Thử khảo sát vấn đề này ở tỉnh Bến Tre sẽ thấy được những khó khăn từ thực tiễn.

Từ xã hội hóa...

Thầy Phan Văn Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Giao Thịnh
Thầy Phan Văn Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Giao Thịnh

Ở tỉnh Bến Tre, các huyện ven biển như Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri là những huyện khó khăn về kinh tế, sự phát triển giáo dục tuy đã có những bước tiến dài, nhưng nguồn giáo viên hầu hết không phải ở địa phương mà từ nơi khác đến rất nhiều. Chính vì điều đó mà nhu cầu được ở nhà công vụ chưa đáp ứng đủ trong nhiều năm qua.

Điều đáng nói, khởi đầu cho việc xây dựng nhà công vụ giáo viên xuất phát từ những phong trào ngoài ngành. Từ năm 2000, Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng “Quỹ Mái ấm Công đoàn”, trích từ quỹ phát hành Báo Lao Động. Quỹ đã xây dựng trên 10 căn nhà tập thể cho giáo viên ở huyện Châu Thành.

Năm 2006, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM… cùng phối hợp xây dựng được nhiều nhà công vụ ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú (trị giá 147 triệu đồng), ở xã An Qui, Thạnh Phú (trị giá 150 triệu đồng). Ở xã Giao Thạnh, năm 2006, thành lập trường THPT cho 3 xã cù lao ven biển, thu hút giáo viên từ nơi khác đến như Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang… Trường học chỉ là những phòng tre lá ở xứ biển gió ngàn. Lãnh đạo huyện Thạnh Phú quyết định trích 900 triệu đồng từ Quỹ xóa đói giảm nghèo để xây dựng dãy nhà công vụ nhằm “giữ chân” giáo viên.

Anh Phạm Nghi Tiện, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Bến Tre cho biết: “Khu nhà tập thể giáo viên trường THPT Diệp Minh Châu ở Châu Thành đã xuống cấp, giáo viên gởi đơn lên đây mấy năm xin hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp. Tôi đang xin LĐLĐ tỉnh 50 triệu, trích quỹ “Mái ấm Công đoàn” ngành 10 triệu để hỗ trợ, còn lại cỡ 60 triệu thì giáo viên phải tự lo thôi!”. Rồi anh than: “Vùng sâu đa số không có doanh nghiệp mạnh, dân thì nghèo, khó vận động xã hội hóa xây nhà công vụ vô cùng!”

Đến đề án của tỉnh

Để đáp ứng phần nào nhu cầu ăn ở cho giáo viên, năm 2008 Sở GD&ĐT Bến Tre tham mưu với UBND tỉnh đề án nhà công vụ cho giáo viên. Đề án xây dựng 218 căn nhà công vụ, với tổng kinh phí 25 tỉ đồng, chủ yếu cho 3 huyện vùng sâu: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Hiện tại mới hoàn thành 183 căn.

Thạnh Phú là huyện vùng sâu, cách trung tâm tỉnh lỵ trên 60km, vùng ven biển chia cắt bởi nhiều sông rạch. Giáo viên người địa phương ít, vì thế tỉnh đầu tư 75 căn nhà công vụ ở 13 xã với kinh phí 15,4 tỉ đồng. Những căn nhà công vụ này chủ yếu dành cho giáo viên TH và THCS.

Anh Nguyễn Văn Ngon, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạnh Phú cho biết: “5 năm nay, số lượng giáo viên từ nơi khác đến Thạnh Phú có giảm mạnh, rất nhiều giáo viên “biệt phái” về đây đã chuyển về quê. Nhưng cũng còn không ít giáo viên nơi khác đến. Huyện có 17 xã nhưng chỉ có 13 nhà công vụ giáo viên xây theo đề án của tỉnh. Có nhiều nhà công vụ liên xã như ở xã An Qui. Các xã ven biển như Giao Thạnh, nhu cầu nhà công vụ rất lớn nhưng chưa đáp ứng đủ”.

Cô Trần Mỹ Hương, trường THCS An Qui soạn giáo án trong căn nhà công vụ
Cô Trần Mỹ Hương, trường THCS An Qui soạn giáo án trong căn nhà công vụ

Còn khó trăm bề

Đến xã An Qui, một xã ven biển. Nhà công vụ giáo viên ở đây có 2 dãy, mỗi dãy 6 phòng. Một dãy cũ (vận động từ 3 trường ĐH xây dựng) đã xuống cấp trầm trọng. Một dãy cất mới từ đề án của tỉnh nhưng chỉ có cái vỏ, bên trong các căn nhà chỉ có 4 bức tường, không vách ngăn, giáo viên phải dùng tấm vải làm rèm để ngăn làm phòng ngủ.

Cô Trần Mỹ Hương, quê ở xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, giáo viên Ngữ văn trường THCS An Qui, có 10 năm công tác ở đây tâm sự: “Lúc mới về, em ở xã An Thuận 3 năm, không có Nhà công vụ phải ở tạm phòng giáo viên. Về đây thì được cái phòng kiên cố, nhưng không có giường tủ gì hết, tivi cũng không. Nước sinh hoạt thì xài nước giếng. Mùa khô nước nhiễm mặn cũng phải chịu!”.

Một nhà công vụ đã cũ kỹ
Một nhà công vụ đã cũ kỹ

Vượt qua phà Cầu Ván, đến xã cù lao ven biển Giao Thạnh. Trường THPT Giao Thạnh thành lập 2006, huyện cấp kinh phí 900 triệu đồng xây nhà công vụ. Thầy Phan Văn Phúc, Hiệu phó nhà trường cho biết: nhà công vụ ở đây dành cho 4 cấp học. Riêng giáo viên của cấp THPT chỉ có 12 người: 4 gia đình và 4 giáo viên độc thân. Trước đây có trên 20 giáo viên từ Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang đến dạy học, một số giáo viên học xong cao học xin đi, một số thì lập gia đình với người địa phương ra ở ngoài.

Thầy Phan Văn Phúc nói: “Nhà công vụ chưa đáp ứng đủ, lại còn xuống cấp nghiêm trọng. Lúc xây dựng chắc có lẽ trộn bê tông không phải nước ngọt mà là nước giếng nhiễm mặn nên tường bung ra từng mảng rất nguy hiểm. Hệ thống nước ngầm ở đây nhiễm sắt rất nặng không thể dùng trong sinh hoạt, chỉ dùng dội nhà vệ sinh, như nhà báo thấy đó nhà vệ sinh vàng ố hết!”.

Phải xây dựng lại mới nhà công vụ sao cho đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của giáo viên, chứ để tình trạng này hoài, chúng tôi không thể an tâm…

Ở trong một căn phòng không thể đóng cửa vì cửa bị hư, cô Trần Thị Chức, giáo viên trường THCS Giao Thạnh, chia sẻ: “Chưa hết khổ đâu, chúng tôi cũng không có chỗ đổ rác. Tối lén đi chôn rác. Rác ny-lông mà chôn trên đất người ta coi chừng bị… oánh!”.

Trường hợp của thầy Đào Văn Tâm và cô Nguyễn Thị Hồng Cẩm - giáo viên trường TH Giao Thạnh, vừa lập gia đình, phải ngăn phòng ra làm đôi, vợ chồng sinh hoạt trong 6 mét vuông… Thầy Tâm cho biết: “Khổ nhất ở đây là không có nước sinh hoạt. Phải “đổi nước” từ nơi khác tới với giá 35.000đ một xi-tẹc 700 lít. Mỗi tháng gia đình tôi phải xài 6 xi-tẹc, tốn trên 200.000đ”.

Có thể nói rằng, ngành giáo dục Bến Tre đã tranh thủ lãnh đạo tỉnh duyệt về đề án xây nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu là một cố gắng vượt bậc. Nhưng nhu cầu thực tế vẫn còn bức xúc vì chưa đáp ứng điều kiện sinh hoạt khó khăn của vùng ven biển.

Để đáp ứng nhu cầu ấy, ngoài ngân sách tỉnh chưa đủ, cần đẩy mạnh vận động xã hội tham gia chăm sóc cho giáo viên vùng sâu, vùng xa. Có như thế mới giảm dần cách biệt về đời sống và chất lượng giáo dục giữa nông thôn và thành thị.

Và đó không phải là vấn đề riêng của Bến Tre mà cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…