Không để đề thi, bài thi qua đêm tại các điểm thi
Năm nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 30 điểm thi tại tất cả huyện, thị xã, thành phố với 587 phòng thi và 13.409 thí sinh tham dự. Nhận định việc vận chuyển, giao nhận, bảo quản đề thi và bài thi là một khâu quan trọng, bảo đảm cho sự thành công của kỳ thi, ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết: Địa phương thực hiện phương án "Không để đề thi, bài thi qua đêm tại các điểm thi".
"Việc giao nhận bắt đầu lúc 4 giờ để đề về đến điểm thi xa nhất (90 km) không quá 6 giờ 30 phút. Ban giao nhận đề thi tỉnh Đồng Tháp cũng bố trí nhà nghỉ tập trung cho các thành viên tham gia vận chuyển, giao nhận đề, bài thi để công việc giao nhận đề thi, bài thi đúng quy định, bảo đảm thời gian" – ông Trần Thanh Liêm thông tin thêm.
Với số lượng khoảng 70 người, hằng ngày, Ban Vận chuyển đề thi, bài thi tiếp nhận đề từ Ban Sao in và giao cho các Điểm thi trước 6 giờ 30 phút. Bài thi được đưa về bàn giao cho Ban Thư ký của Hội đồng thi bảo quản sau buổi thi cuối trong ngày. Ban Chỉ đạo thi tỉnh bố trí xe ô tô của UBND các huyện, thị xã, thành phố vận chuyển. Công an tỉnh bố trí cán bộ/chiến sĩ an ninh bảo vệ, cán bộ giao nhận đề, bài thi do sở GD&ĐT bố trí và được tập huấn cẩn thận về quy trình giao nhận. Năm 2020 là năm thứ tư, Đồng Tháp thực hiện phương án này.
Chú trọng bảo quản đề và bài thi
Địa hình rộng, nên dù số lượng thí sinh chỉ có 13.386, nhưng Gia Lai thành lập đến 37 điểm thi; có điểm thi cách trung tâm thành phố Pleiku 150 km. Với đặc thù địa lý, địa phương này thực hiện phương án một lần giao nhận đề thi trước buổi thi đầu tiên; một lần giao nhận bài thi sau buổi thi cuối cùng. "Chúng tôi thực hiện phương án này nhiều năm và rất an toàn. Trong quá trình thực hiện, phòng giữ đề thi, bài thi được đặc biệt quan tâm. Đây phải là phòng chắc chắn, an toàn nhất của điểm thi; có công an bảo vệ và được trang bị hệ thống camera đầy đủ" - ông Lê Duy Định, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Duy Định, thời điểm này, Gia Lai đã chuẩn bị điều kiện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo đúng tiến độ quy định. Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các UBND cấp huyện, sở, ban, ngành cùng phối hợp tổ chức kỳ thi.
Với tỷ lệ thí sinh người dân tộc thiểu số khá lớn, sở GD&ĐT đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phấn đấu không có học sinh nào phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế. Đoàn thanh niên tại huyện, thị xã, thành phố cũng vào cuộc để giúp đỡ thí sinh về phương tiện đi lại, chỗ ở, suất ăn…
Khoảng cách từ đầu đến cuối tỉnh lên tới 250 km, đặc biệt có huyện đảo, tỉnh Bình Thuận không thể giao nhận đề bài, bài thi trong ngày. Do đó, địa phương này chỉ thực hiện 1 lần giao nhận đề thi, 1 lần giao nhận bài thi. Việc giao nhận bài thi, đề thi được lên kế hoạch chi tiết, thực hiện đúng quy chế của Bộ GD&ĐT nhằm bảo đảm an toàn cao nhất.
Tương tự, tại Tây Ninh, việc giao nhận đề thi, bài thi được thực hiện 1 lần. Bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh thông tin: Xe của UBND huyện và công an huyện cùng tham gia vận chuyển đề thi. Phòng bảo quản đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động; thành phần trực bảo vệ thực hiện theo quy định của Quy chế, trong đó có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Tây Ninh tổ chức 1 hội đồng thi với 16 điểm thi chính thức và 9 điểm thi dự phòng đặt tại các trường THPT, THCS thuộc khu vực trung tâm của huyện, thị xã trong tỉnh. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm nay là 8.566. Toàn tỉnh huy động 1.393 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi, chấm thi.
Ngoài ra, còn có các đội trật tự, trực điện, cấp cứu được điều động theo chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo thi. Hiện mọi công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tỉnh Tây Ninh triển khai đúng tiến độ: Thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên trong Ban Chỉ đạo; khảo sát cơ sở vật chất, địa điểm đặt các điểm thi và điểm thi dự phòng...
Sở GD&ĐT tiếp tục kết hợp cùng Hội Khuyến học tỉnh trong tiếp sức, chăm sóc, hỗ trợ thí sinh là con em diện chính sách, dân tộc ít người, hộ nghèo, vùng khó khăn. Đồng thời, phối hợp với Tỉnh đoàn ban hành kế hoạch "Tiếp sức mùa thi năm 2020", kết hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh có phương án tổ chức tốt việc ăn, ở, đi lại cho thí sinh trong những ngày thi" - bà Mai Thị Lệ thông tin thêm.
Lưu ý công tác bảo quản, lưu trữ đề thi, bài thi, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh việc thực hiện đúng Quy chế; thực hiện đúng quy trình; đồng thời, quan tâm công tác chọn cán bộ tham gia khâu bảo quản đề thi, bài thi.