Địa phương siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm

GD&TĐ - Thời gian qua, những biện pháp “mạnh tay” để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định đã được triển khai, trong đó có tăng cường thanh kiểm tra, lập đường dây nóng, quy trách nhiệm người đứng đầu… Tuy nhiên, những vi phạm về hoạt động này vẫn được phát hiện. Trước thực tế đó, năm học 2019 - 2020, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tiếp tục được ngành Giáo dục các địa phương siết chặt.

Các cơ sở giáo dục phải tuân thủ đúng các quy định nội dung trong giờ học chính khóa. Ảnh chỉ mang tính minh họa/ INT
Các cơ sở giáo dục phải tuân thủ đúng các quy định nội dung trong giờ học chính khóa. Ảnh chỉ mang tính minh họa/ INT

Dừng nhận hồ sơ xin cấp giấy phép dạy học thêm ngoài trường

Ngày 26/8/2019, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký ban hành Văn bản số 2499/QĐ-BGDĐT, công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm. Lý do: Hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư.

Thực hiện quyết định này, các Sở GD&ĐT đồng loạt có văn bản thông báo về việc ngưng tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Trường hợp các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vẫn tiếp tục hoạt động đến khi giấy phép hết hiệu lực.

Song hành cùng việc này, các biện pháp tiếp tục chấn chỉnh dạy thêm, học thêm sai quy định được đưa ra ngay đầu năm học. Tại Bến Tre, Sở GD&ĐT nêu rõ sẽ kiểm điểm trách nhiệm với người đứng đầu đơn vị nếu vi phạm tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, có giáo viên vi phạm quy định dạy thêm, học thêm. Đây được coi là một tiêu chí đánh giá, xếp loại công chức, xét các danh hiệu thi đua cuối năm.

“Sở GD&ĐT giao Thanh tra Sở lập đường dây nóng và hộp thư điện tử (email) để kịp thời tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về những vấn đề liên quan đến dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Các thông tin tiếp nhận được sẽ được Thanh tra Sở kiểm tra, xác minh, xử lý theo đúng quy định.

Chỉ đạo các phòng GD&ĐT kiểm tra việc chấp hành của các trung tâm/cơ sở dạy thêm, học thêm do cấp huyện quản lí để làm cơ sở đánh giá công tác quản lí Nhà nước về lĩnh vực dạy thêm, học thêm của phòng và chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về quản lí dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Mỗi phòng GD&ĐT đều phải thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử (email) tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về những vấn đề liên quan đến dạy thêm, học thêm trên địa bàn để kịp thời xử lý” –

bà Nguyễn Thị Quyên Thanh chia sẻ.

Dù nhận định hoạt động dạy thêm, học thêm đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như giáo dục mũi nhọn của học sinh trong tỉnh, nhưng bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long – cũng cho biết: Trong thời gian qua, xuất phát từ nhu cầu của người học, hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng cả về số cơ sở và trung tâm dạy thêm. Qua thanh tra, kiểm tra vẫn phát hiện những sai phạm trong hoạt động này.

Để nâng cao hiệu quả quản lí Nhà nước về lĩnh vực dạy thêm, học thêm, bà Quyên Thanh thông tin, Sở GD&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.

Song song đó, chỉ đạo tăng cường việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; việc thu, chi, quản lý và sử dụng tiền dạy thêm trên địa bàn để phát hiện các sai phạm như: Tổ chức dạy thêm, tham gia dạy thêm khi chưa được cấp phép; bắt ép học sinh học thêm, dạy trước các nội dung có trong đề thi hoặc đề kiểm tra trên lớp, dạy trước chương trình, dạy thêm ngoài địa điểm được cấp phép… Qua đó, kịp thời xử lý nghiêm hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm về dạy thêm. Kiên quyết thu hồi giấy phép nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

Sẽ sửa đổi quy định về dạy học thêm

Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định, với vai trò quản lí Nhà nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm đảm bảo đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Theo đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện dạy và học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Nghiêm cấm việc “bớt lại nội dung” khi dạy trên lớp trong giờ chính khóa khiến học sinh không tiếp thu được đầy đủ kiến thức, tạo ra “nhu cầu” phải đi học thêm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại một số cơ sở giáo dục việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm các trường, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định hiện hành.

Các địa phương cũng cần thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh như đánh giá học sinh tiểu học; đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông, đổi mới công tác tổ chức thi THPT quốc gia...

Bộ GD&ĐT cho biết đang sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm theo hướng thực hiện đúng Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi của Quốc hội về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Đồng thời, sẽ không quy định cấp phép đối với hoạt động dạy thêm, học thêm nhưng quy định rõ trách nhiệm quản lí của các cơ quan quản lí giáo dục tại địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên phù hợp với quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động dạy học trong giáo dục mầm non, phổ thông. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.