Đây là ngành học mang đến cho người học sự thích thú, say mê khám phá thế giới cũng như những kiến thức bổ ích về địa lý.
Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), ĐHQG-HCM là nơi đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao; cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực khoa học Địa lý; cung cấp các sản phẩm khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Để tìm hiểu rõ hơn về ngành Địa lý học, Báo Giáo dục & Thời đại có buổi trò chuyện cùng với Tiến sĩ Lê Thanh Hòa - Trưởng Khoa Địa lý, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Ngành học có tính liên ngành cao và cơ hội học tập cùng với giảng viên uy tín, chất lượng
PV: Xin thầy cho biết về lịch sử hình thành của ngành Địa lý học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM
TS. Lê Thanh Hòa: Khoa Địa lý là một trong những đơn vị có bề dày truyền thống của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Từ tháng 3 năm 1996, sau khi Trường tách ra khỏi Trường ĐH Tổng hợp và mang tên Trường ĐHKHXH&NV thuộc ĐHQG-HCM, Khoa Địa lý trở thành một trong những khoa thành viên của Trường cho đến ngày nay.
PV: Thưa thầy, sinh viên sẽ học những khối lượng kiến thức nào khi theo học ngành Địa lý học?
TS.Lê Thanh Hòa: Từ năm học 2017-2018, sinh viên bậc đại học tại Khoa Địa lý học cần tích lũy 120 tín chỉ, trong đó có các học phần bắt buộc và các học phần tự chọn. Các học phần sinh viên cần tích lũy bao gồm: Kiến thức đại cương (29 tín chỉ); Kiến thức cơ sở ngành (44 tín chỉ); Kiến thức chuyên ngành (47 tín chỉ).
Đặc biệt, sinh viên khi trúng tuyển vào Khoa Địa lý còn có thể tham gia chương trình đào tạo song bằng Pháp - Việt trong cùng một khoảng thời gian học tập được giảng dạy bởi các giảng viên tu nghiệp tại các nước nói tiếng Pháp của Khoa Địa lý học hoặc bởi giảng viên thỉnh giảng tại trường Đại học Pau và vùng Adour, Cộng hòa Pháp.
PV: Đào tạo gắn với thực hành sẽ được thực hiện như thế nào, thưa thầy?
Sinh viên ngành Địa lý học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM sử dụng phòng thực hành GIS |
TS. Lê Thanh Hòa: Địa lý học là một ngành học cơ bản có tính liên ngành cao. Do đó, yêu cầu người học cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng lý thuyết gắn với thực hành được lồng ghép trong các môn học.
Chính vì thế, việc thiết kế chương trình đào tạo của Ngành nhấn mạnh sự xuyên suốt thông qua các môn học mang tính liên ngành. Điều này được thể hiện rõ thông qua tỷ trọng thực hành và lý thuyết tương đương với nhau trong từng môn học và trong chương trình đào tạo. Để hỗ trợ thực hành cho sinh viên, Khoa có 01 phòng thí nghiệm môi trường, phòng GIS và 01 Trung tâm nghiên cứu về Biến đổi khí hậu
Bên cạnh đó, sinh viên còn có 02 học phần thực tập thực tế, 01 học phần thực tập tốt nghiệp, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và dự án trong suốt 4 năm học với sự đồng hành của đội ngũ Giảng viên có kinh nghiệm.
Tích cực tìm tòi, khám phá và ứng dụng ngành học vào thực tiễn đời sống
Ngày hội kỷ niệm 25 năm thành lập Đoàn Khoa Địa lý, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM |
PV: Được biết, ngành Địa lý học đang được ứng dụng tốt trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Vậy, cử nhân ngành có thể làm tốt những công việc như thế nào?
TS.Lê Thanh Hòa: Địa lý học là một ngành đặc thù mang tính liên ngành cao, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các dự án phát triển, dự án liên ngành của các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế hoặc phi chính phủ, các công ty, doanh nghiệp kinh tế, xã hội về vấn đề:
- Thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định trong quy hoạch, quản lý và tổ chức không gian lãnh thổ;
- Thiết kế, xây dựng và quản lý các dự án nghiên cứu và ứng dụng GIS;
- Thu thập xử lý và phân tích các thông tin dân số, kinh tế và xã hội phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách xã hội và phát triển và cho việc ra quyết định quy hoạch, quản lý và tổ chức không gian lãnh thổ.
Sinh viên cũng có thể làm việc trong các cơ quan chức năng nhà nước trong lĩnh vực lao động, tài nguyên môi trường, khoa học-công nghệ…, Ủy ban nhân dân các cấp, các Viện và Trung tâm nghiên cứu, các dự án phát triển, các tổ chức quốc tế hoặc phi chính phủ và các công ty, doanh nghiệp kinh tế, xã hội về các vấn đề sau đây, Các cơ quan quản lý tài nguyên - môi trường , bộ phận Quản lý môi trường của các Khu công nghiệp – khu chế xuất. Cụ thể như sau :
- Thiết kế, quản lý và thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển;
- Quản lý, đánh giá và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế xã hội, các chính sách quản lý kinh tế hành chánh các cấp;
- Nghiên cứu, phân tích thị trường và xây dựng các thị trường tiềm năng;
- Qui hoạch, tổ chức không gian kinh tế xã hội, kinh tế ngành và liên ngành;
- Xây dựng và tham gia quản lý các dự án đầu tư và các dự án mang tính liên ngành.
Sinh viên cũng có thể nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và phổ thông và có thể tiếp tục theo học chuyên sâu hơn ở bậc Cao học và Tiến sĩ.
PV: Để theo học ngành Địa lý học, các bạn trẻ cần có những tố chất nào, thưa thầy?
TS.Lê Thanh Hòa: Các bạn chỉ cần có sự say mê ngành học Địa lý học thích khám phá, nghiên cứu, có tinh thần ham học hỏi, hợp tác làm việc nhóm và thái độ nghiêm túc trong việc học tập.
PV: Để thành công trong công việc, chuyên môn là một phần quan trọng nhưng cũng sẽ cần những kỹ năng khác để có thể phát huy tốt chuyên môn. Theo thầy, sinh viên cần phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng nào nữa khi học ngành này?
TS.Lê Thanh Hòa: Những kỹ năng của sinh viên cần trao dồi thêm chính là kỹ năng ngoại ngữ, tư duy hệ thống và tư duy phản biện, tuy nhiên cao nhất vẫn là kỹ năng tự học và tự tìm hiểu. Điều này cũng là một trong những kỹ năng mà các thầy cô thường xuyên trang bị cho người học trong quá trình giảng dạy.
PV: Lời khuyêncủa thầy dành cho các bạn trẻ đã tìm hiểu và yêu thích ngành Địa lý học để thực hiện đam mê và thành công?
TS.Lê Thanh Hòa: Các bạn hãy cảm nhận và yêu thích ngành học Địa lý học là sự khám phá thế giới xung quanh ta, giải quyết các vấn đề tồn tại và đóng góp cho xã hội phát triển, cũng như tìm kiếm những cơ hội cho bản thân, mở rộng hợp tác và tham gia các lĩnh vực khác nhau trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp. Từ đó, làm nền tảng kiến thức liên ngành có thể đóng góp cho xã hội, phát triển nghề nghiệp cho bản thân và tìm kiếm cơ hội học lên các bậc thạc sĩ và tiến sĩ.
Trân trọng cảm ơn thầy!