(GD&TĐ) - Dì ruột tôi hiện là kế toán một trường THCS của tỉnh Quảng Bình. Năm nay dì 47 tuổi. Thuở con gái, chắc dì đẹp lắm. Ai cũng bảo mắt dì đẹp nhưng buồn. Những vất vả đã hằn sâu trong đôi mắt ấy nhưng tôi vẫn thấy ánh lên trong đó sự cứng cỏi, mạnh mẽ, đầy nghị lực.
Ảnh minh họa/internet |
Ông bà ngoại tôi đều là giáo viên, đời sống gia đình nhà giáo những năm 80 cực kì vất vả, thiếu thốn. Năm 16 tuổi, đang học dở lớp 9 (hệ 10 năm), dì bất ngờ đòi nghỉ học để đi làm công nhân trồng rừng. Mặc dù ông bà ngoại phản đối nhưng dì đã thuyết phục ông bà bằng thực tế khó khăn của một gia đình có 4 chị em đều ăn học.
Mẹ tôi kể, năm mẹ tôi học lớp 8, nghỉ hè, được dì cho lên rừng, mẹ tôi mới thấm thía nỗi vất vả của người trồng rừng. Về nhà, mẹ tôi âm thầm khóc vì thương dì. Còn dì thì cứ an ủi mẹ: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai,…”. Sau mấy năm, Dì tôi lại chuyển làm công nhân xây dựng. Từ năm 1998 đến nay, sau khi tốt nghiệp bổ túc cấp 3 và trung cấp kế toán, dì tôi làm kế toán kiêm nhiệm công tác thư viện, văn phòng, trực tiếp làm phổ cập giáo dục THCS tại các trường trong huyện.
Mọi người đều khâm phục nghị lực vượt khó của dì. Sinh con đầu chưa đầy năm thì bác tôi (chồng dì) được cử đi làm đội trưởng đội xây dựng ở nước Nga. Anh tôi lên sởi, biến chứng, trở nên câm điếc. Một mình dì nuôi con, chạy chữa khắp nơi nhưng anh tôi vẫn sống trong câm lặng. Để có điều kiện chăm sóc anh, dì không đi làm phụ hồ mà ở nhà trồng rau, nuôi lợn. Dù khó khăn đến thế nhưng dì vẫn khát khao được học. Ngày bán rau, tối về dì đi học bổ túc văn hóa. Rồi dì cũng tốt nghiệp cấp 3 và trung cấp kế toán trong khi một mình lầm lũi nuôi anh tôi tật nguyền. Tôi chợt nhớ đến câu châm ngôn: “Thành công và hạnh phúc nằm trong chính suy nghĩ và sự lựa chọn của bản thân”. Dì tôi đã lựa chọn cho mình con đường vòng, con đường của yêu thương, chia sẻ. Dì đã đi đến tận cùng của sự vất vả để có được đỉnh cao của hạnh phúc - hạnh phúc cho nhiều người trong gia đình lớn của tôi.
Bà ngoại tôi bị tai biến nặng, đi lại khó khăn, không tự mình chăm sóc được bản thân; mẹ chồng dì bị ung thư phải đi mổ và điều trị dài ngày tại bệnh viện. Bác tôi lại công tác xa nhà, ở tít huyện miền núi. Khó khăn chồng chất khó khăn. Dì tâm sự, nhiều lúc, chính bản thân cũng nao núng tinh thần, nghĩ rằng khó lòng vượt qua. Nhưng dì cũng nói rằng, chính trong hoàn cảnh đó, dì đã tự ý thức được vai trò của người chị cả trong gia đình có 3 em ruột đều đang công tác xa nhà, không có điều kiện ở gần để chăm sóc mẹ. Dì hiểu sâu sắc trách nhiệm, tình thương, sự hiếu thảo của người con đối với mẹ đẻ cũng như mẹ chồng, tình mẫu tử đặc biệt với đứa con tật nguyền. Dì đã cố gắng vượt lên bằng sự nỗ lực phi thường của bản thân và sự giúp đỡ tận tình, quý báu của đồng nghiệp, của bạn bè, người thân.
Cơn mưa đã qua, cầu vồng nhiều sắc màu đã hiện ra. Như có phép màu, bác tôi khỏe mạnh, trở lại công tác bình thường. Anh đầu bị câm điếc nhưng vẫn theo học hết lớp 12, chị thứ hai hiện là sinh viên trường Đại học Nội vụ. Dì sống trung hậu với hàng xóm, láng giềng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở trường, được đồng nghiệp, bạn bè và người thân tin yêu, mến phục. Dì đã nhận được danh hiệu “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”, nhiều năm liền nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Năm 2009, dì tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh tế trong sự ngưỡng mộ của nhiều người.
Bao giờ dì cũng nhận mình là người may mắn: May mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà giáo, được sống, học tập và phấn đấu trong mái nhà chung của ngành Giáo dục. Dì còn nói rất yêu đời: “Đó là nơi luôn ngập tràn tình yêu thương, sự sẻ chia sâu sắc, đầy tâm huyết và trách nhiệm, cháu ạ”. Tôi cũng đã nhiều lần bắt gặp trong mắt dì niềm tự hào khi được mọi người gọi là CÔ GIÁO.
Thực ra, dì chưa một lần đứng lớp, chưa một lần dạy học sinh những phép toán, những câu văn nhưng dì là cô giáo - cô giáo của những em học sinh ở vùng quê biển Quảng Bình đầy cát và nắng gió. Dì là cô giáo của tôi, người đã thổi bùng trong tôi ngọn lửa yêu thương, đã dạy tôi phải biết kiên cường, tiếp thêm nghị lực cho tôi mỗi lần gặp khó khăn, nao núng trong học tập và cuộc sống. Cuộc đời bình dị mà cao cả của Dì đã mang đến cho tôi niềm tin về NGƯỜI THẦY…
Tôi thầm hỏi: “Dì không phải là giáo viên nhưng sao tự hào, trân trọng nghề giáo, khi mà hiện nay, có bao nhiêu người yêu quý cái “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý?”
Nghĩ về dì, tôi nghĩ về một nguồn năng lượng vô tận đã chảy tràn trong huyết mạch của một con người luôn khát khao vươn lên, chiến thắng số phận. Nghĩ về dì, tôi nghĩ về một cô giáo của TRƯỜNG ĐỜI, đã “sống như đồi núi, vươn tới những tầm cao, đã sống để thấy đời mênh mông…”
Khi tôi viết những dòng này, dì tôi vừa vượt qua cơn phẫu thuật. Mẹ tôi cứ sụt sùi: “Cả đời Dì chỉ biết chăm sóc mọi người, bây giờ mới được mọi người chăm sóc”. Tôi chợt thấy cay cay trong mắt: “Dì ơi, cháu yêu dì lắm, cháu luôn cầu chúc cho dì, cô giáo của cháu, thật khỏe mạnh, thật nhiều hạnh phúc, dì ơi…”
Mã số: 1011