Di tản và hậu trường bất định

GD&TĐ - Khi các tay súng Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, chính quyền Biden thừa nhận bất ngờ trước sự sụp đổ nhanh chóng của lực lượng an ninh chính phủ Afghanistan.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kế hoạch rút quân của Mỹ nay trở thành nhiệm vụ di tản.

Ngày 16/8, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden bày tỏ kiên định với quyết định rút quân Mỹ. Ông cho rằng, kết cục ngày hôm nay là do các lãnh đạo chính trị Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu chống lại Taliban mà chạy trốn khỏi đất nước.

Mỹ sẽ không tiếp tục tham gia vào cuộc chiến kéo dài 20 năm để lấy lại chính sách “nước Mỹ là trên hết” từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Biden đã vấp phải chỉ trích từ phe Cộng hòa, các quốc gia đồng minh lẫn đối thủ. Lãnh đạo phe Cộng hoà tại Hạ viên, Kevin McCarthy, đánh giá quyết định của ông Biden là “thảm họa chính sách đối ngoại tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ”, làm gia tăng mối đe doạ khủng bố trên toàn thế giới.

Tại phương Tây, hàng loạt quốc gia đang gấp rút sơ tán nhân viên đại sứ quán khỏi nước này. Đức đã điều thêm binh sĩ nhằm hỗ trợ sơ tán công dân. Pháp dời đại sứ quán đến sát sân bay Kabul. Anh bày tỏ lo ngại sâu sắc về tương lai của Afghanistan, đồng thời kêu gọi các tay súng ngừng hành động bạo lực.

Trong khi quyết định của Mỹ được coi là “thất bại ê chề”, thế giới nín thở chờ đợi Trung Quốc nối gót Mỹ, mở rộng tầm ảnh hưởng tại quốc gia Trung Á này như thế nào. Tuy nhiên, không có ý định đưa quân đến Afghanistn, Trung Quốc đang căng mình trước nhiều mối lo khác.

Đối với xứ tỷ dân, thách thức an ninh ở Tân Cương, khu vực có chung 80km biên giới với Afghanistan là đặc biệt lo ngại. Các phần tử khủng bố tại đây nếu hợp tác hoặc được tạo điều kiện từ lực lượng Taliban có thể gây tổn hại đến an ninh Trung Quốc.

Ngoài ra, trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại vào khu vực Trung Á nên Taliban nắm quyền có thể đe dọa những lợi ích về kinh tế. Quốc gia này sẽ áp dụng phương án tiếp cận khác với Mỹ để không dính líu vào tình hình an ninh Afghanistan.

Trái lại, đại sứ Nga tại AfghanistanDmitry Zhirnov bày tỏ ấn tượng với Taliban và cho rằng thủ đô Kabul dưới thời Taliban tốt hơn nhiều so với dưới thời Tổng thống Ashraf Ghani.

Khi Mỹ và các nước phương Tây gấp rút di tản nhân viên khỏi Afghanistan, Nga có phần điềm tĩnh hơn. Chính phủ Nga sẽ đàm phán an ninh chi tiết với lực lượng Taliban nhằm bảo vệ an toàn cho các nhà ngoại giao Nga. Nga dự kiến sẽ xây dựng mối quan hệ lâu dài với Taliban song chưa công nhận các tay súng là lực lượng điều hành Afghanistan.

Dù phản ứng của các quốc gia là khác nhau, thế giới có chung nỗi lo khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan. Dưới tay Taliban, quốc gia Trung Á này có thể trở thành nơi trú ẩn cho những phần tử cực đoan như Al-Qaeda, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay phần tử khủng bố đe doạ an ninh thế giới.

Bên cạnh đó, các quy định Hồi giáo hà khắc của Taliban có thể ảnh hưởng đến nhân quyền của người dân Afghanistan, trong đó phải kể đến phụ nữ và trẻ em gái. Dù Taliban cam kết ngăn chặn các nhóm cực đoan, nới lỏng biện pháp điều hành đất nước, thế giới không tin tưởng họ sẽ duy trì cam kết này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ