Di sản Lê Quý Đôn: Khẳng định vị thế văn hóa và trí tuệ Việt

GD&TĐ - GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị của danh nhân Lê Quý Đôn theo những tiêu chí của UNESCO.

Các tác phẩm của nhà bác học Lê Quý Đôn được giới học giả quốc tế đánh giá cao.
Các tác phẩm của nhà bác học Lê Quý Đôn được giới học giả quốc tế đánh giá cao.

Việc hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là danh nhân văn hóa thế giới không chỉ là sự tôn vinh, mà còn khẳng định vị thế văn hóa và trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế.

Kết nối tri thức Việt với thế giới

Trong 2 ngày 29 - 30/9, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VH,TT&DL Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”. Hội thảo nhằm củng cố các căn cứ khoa học để hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh (1726 - 2026).

Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đại diện dòng họ Lê Thái Bình - Hà Nam - Hưng Yên, nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, học giả đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp…

Theo ông Phạm Văn Nghiêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, hội thảo nằm trong Kế hoạch số 120/KH-UBND về việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh (1726 - 2026).

Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định những đóng góp to lớn của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ở nhiều phương diện: Tư tưởng, văn hóa, giáo dục và khoa học; bổ sung các kết quả nghiên cứu, cách nhìn nhận, đánh giá sâu sắc và toàn diện hơn về những đóng góp của danh nhân Lê Quý Đôn đối với nền văn hóa Việt Nam, cũng như trong khu vực và thế giới.

“Sau gần 1.000 năm khoa bảng thời phong kiến, Thái Bình có trên 120 người đỗ đại khoa. Trong đó Lê Quý Đôn đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương - Hội - Đình, được coi là biểu tượng sáng ngời về tinh thần và trí tuệ Việt Nam.

Ông để lại cho hậu thế những công trình vô cùng giá trị, là biểu hiện của sự kết nối giữa tri thức Việt Nam với các nền văn hóa khác. Việc hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là danh nhân văn hóa thế giới không chỉ là sự tôn vinh, mà còn khẳng định vị thế của văn hóa và trí tuệ Việt Nam với thế giới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.

Hội thảo chia làm 4 tiểu ban với 88 tham luận, trong đó có 20 tham luận của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được chọn lựa tập trung khắc họa tài năng, tầm vóc của Lê Quý Đôn, nhằm làm rõ các luận cứ khoa học.

Lê Quý Đôn vốn có tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà). Sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, với tư chất thông minh ham học hỏi nên ngay từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi danh thần đồng.

Năm 18 tuổi, ông đỗ đầu thi Hương, năm 24 tuổi đỗ đầu thi Hội và năm 27 tuổi đỗ đầu thi Đình, đạt danh hiệu “Đình nguyên Bảng nhãn” (do khoa thi này không lấy Trạng nguyên). Trong 32 năm làm quan, chức vụ cao nhất mà ông từng đảm nhiệm là Tả hiệu điểm (quyền Tể tướng).

di san le quy don khang dinh vi the van hoa va tri tue viet (2).jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và từ đường họ Lê tại Thái Bình.

Sánh ngang với các nhà khoa học vĩ đại

Trong bối cảnh Đại Việt thế kỷ 18, Lê Quý Đôn luôn mong muốn thi hành những cải cách, thiết định những pháp chế nhằm lập lại trật tự giúp đất nước ổn định. Ngoài vai trò là vị quan yêu nước thương dân, ông nổi tiếng là học giả uyên bác với sự nghiệp trước tác đồ sộ, bao quát nhiều lĩnh vực mà đến nay vẫn tiếp tục được kế thừa, phát huy trong nhiều ngành khoa học.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho rằng, trong lịch sử 300 năm qua, tài năng, tầm vóc của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn được khẳng định và nhận sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cho thấy sự cần thiết giới thiệu và lan tỏa rộng rãi hơn nữa di sản Lê Quý Đôn đến với thế giới.

GS.TS Đinh Khắc Thuân - Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định, các tác phẩm của Lê Quý Đôn đồ sộ, đóng góp cho di sản dân tộc từ văn hóa, giáo dục và nhiều chuyên ngành khác là vô cùng to lớn.

Lê Quý Đôn đọc nhiều sách mới lạ, kể cả sách của người phương Tây nói về địa lý thế giới, ngôn ngữ, thủy văn học... Có thể nói, toàn bộ những tri thức cao nhất ở thế kỷ thứ 18 đều được bao quát vào trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn.

GS.TS Shimizu Masaaki - Đại học Osaka (Nhật Bản) trong tham luận của mình đã so sánh nhà bác học Lê Quý Đôn với nhà ngôn ngữ nổi tiếng Nhật Bản - nhà Quốc học Motoori Norinaga (1730 - 1801): “Lê Quý Đôn là người Việt Nam đầu tiên coi ngôn ngữ, văn tự là đối tượng để suy nghĩ, nhận thức. Ông là người đề xuất phương pháp nghiên cứu tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử khoa học Việt Nam”.

Lê Quý Đôn còn là nhà ngoại giao sắc sảo, ông từng khiến quan lại nhà Thanh phải tôn trọng, đổi cách xưng hô từ “di quan di mục” (tức quan lại mọi rợ) thành “An Nam cống sứ” với các sứ thần Đại Việt. Ông cũng là người quảng giao, quảng bá tri thức, văn hóa Việt đến sứ thần các nước trong khu vực.

GS.TS Từ Thị Loan nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị của danh nhân Lê Quý Đôn theo những tiêu chí của UNESCO. Công việc xây dựng hồ sơ cần nhấn mạnh đến giá trị ông để lại cho hậu thế, những tư tưởng của ông được kế thừa trong học thuật, trong nghiên cứu văn hóa, giáo dục.

Tác phẩm của Lê Quý Đôn cũng được ví như dấu mốc đánh dấu thành tựu văn hóa của cả một thời đại. Về lịch sử - địa lý, ông có các tác phẩm: “Đại Việt thông sử” với 30 quyển ghi chép về hơn 100 năm của triều nhà Lê.

“Phủ biên tạp lục” (6 quyển). “Vân đài loại ngữ” (9 quyển) được coi là “bách khoa thư” đồ sộ nhất thời phong kiến Việt Nam, tập hợp các tri thức về triết học, khoa học, văn học... sắp xếp theo thứ tự: Vũ trụ luận, địa lý, điển lệ, chế độ, văn nghệ, ngôn ngữ, văn tự, sản vật tự nhiên, xã hội...

“Ở thế kỷ 18, lịch sử thế giới được gọi là thế kỷ khai sáng. Với những cống hiến và qua những trước tác của nhà bác học Lê Quý Đôn cho thấy, ông là nhà khai sáng hàng đầu Việt Nam. Ông là người đương thời, cùng với những nhân vật văn hóa và khoa học vĩ đại khác như: Montesquieu (Pháp), Voltaire (Pháp), Hume (Anh), Lomonosov (Nga), Rousseau (Thụy Sĩ - Pháp), Diderot (Pháp)”, PGS.TS Nina V.Grigoreva - Đại học HSE, St. Petersburg (Liên bang Nga).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.