ĐHQG Hà Nội đa dạng nguồn lực hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục

GD&TĐ - Ngày 4/11 tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư thu hút đông đảo sự quan tâm của các đối tác trong và ngoài nước.

Đại học Quốc gia Hà Nội đẩy mạnh hợp tác đầu tư với các đối tác tiềm năng.
Đại học Quốc gia Hà Nội đẩy mạnh hợp tác đầu tư với các đối tác tiềm năng.

Chiều 4/11 phiên chính thức diễn ra với sự tham dự của ông Lê Quang Huy -- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương; các nhà đầu tư, hoạch định chính sách, chuyên gia trong lĩnh vực hợp tác đầu tư công tư (PPP) và lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Phát biểu khai mạc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã điểm lại kết quả hợp tác công tư sau 1 năm kể khi từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 được tổ chức. Bên cạnh những nguồn tài trợ hết sức thiết thực và ý nghĩa được tiếp nhận từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ĐHQGHN cũng chủ động đa dạng hóa các nguồn lực xã hội phục vụ cho mục tiêu, sứ mệnh của mình. Trước hết là nguồn lực đến từ hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.

Từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022, nhiều ý tưởng và gợi mở đã được đưa ra, giúp khơi thông nhu cầu hợp tác đến từ nhu cầu giải quyết bài toán phát triển, không chỉ cho ĐHQGHN mà còn mở ra hướng đi đúng đắn cho phát triển kinh tế - xã hội cho các đối tác, trong đó có các địa phương. Tiềm lực của ĐHQGHN về nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu cũng mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội hợp tác.

GIám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu tại Hội nghị.

GIám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu tại Hội nghị.

"Sứ mệnh của ĐHQGHN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng sản phẩm KH&CN phục vụ đời sống. Chính vì vậy, ĐHQGHN rất cần sự đồng hành của các đối tác doanh nghiệp, doanh nhân, tiếp tục quan tâm, hợp tác với ĐHQGHN không chỉ trong tài trợ mà còn hỗ trợ đào tạo, tạo môi trường thực hành thực tập cho sinh viên, nghiên cứu chuyển giao giúp ĐHQGHN phát triển nhiều ngành kỹ thuật - công nghệ mới gắn với phát triển của doanh nghiệp" - Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân bày tỏ mong muốn.

Với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo bộ, ban ngành và địa phương, các ý kiến trao đổi tại Hội nghị là tiền đề để ĐHQGHN tiếp tục phát triển các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực với các đối tác chiến lược. Bên cạnh các báo cáo đề dẫn, các chuyên đề tập trung vào phiên thảo luận bàn tròn giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư về nhu cầu hợp tác cũng như các khó khăn, vướng mắc về mô hình hợp tác.

Khẳng định cùng đồng hành

Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 bao gồm 1 phiên toàn thể, 6 hội nghị chuyên đề song song với các nội dung: Xúc tiến đầu tư vào Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc; Y học công nghệ cao và khoa học sức khỏe; Đầu tư cho giáo dục, đào tạo tài năng và chất lượng cao; Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản; Phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn; Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan, Singapore vào các nghiên cứu về tài nguyên và môi trường tại ĐHQGHN.

Trao thỏa thuận hợp tác cho các nhà đầu tư đồng hành cùng ĐHQGHN.

Trao thỏa thuận hợp tác cho các nhà đầu tư đồng hành cùng ĐHQGHN.

Đại diện ĐH RMIT, bà Claire Macken - Phó Chủ tịch RMIT Úc, Tổng Giám đốc RMIT Việt Nam cho rằng: Việc kết nối ĐHQGHN và ĐH RMIT với các đối tác giáo dục và doanh nghiệp để cùng thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển, tập trung vào các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) kết hợp thế mạnh của hai tổ chức sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia với vị thế quan trọng trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, đồng thời tạo ra môi trường đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) đánh giá: Hiệu quả đầu tư đã hiện diện ở Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc, tạo nên một diện mạo mới, xứng tầm với một trung tâm đại học hàng đầu đất nước, top 1.000 thế giới. Mô hình xúc tiến đầu tư mà ĐHQGHN tổ chức là tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công trình nghiên cứu, đề tài/dự án, sản phẩm KH&CN của các nhà khoa học ĐHQGHN.

Tại phiên chuyên đề “Xúc tiến đầu tư vào Khu đô thị ĐHQGHN”, ĐHQGHN đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với 6 nhà đầu tư: Công ty cổ phần dược phẩm Vitath, Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm, Công ty Cổ phần Điện lực Quốc gia Việt Nam, Công ty Cổ phần HAMOLAND, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Thanh Tâm, Công ty Cổ phần Giải pháp Tinh hoa Manud Việt Nam.

Các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ của địa phương.

Các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ của địa phương.

Bên cạnh đó là các hoạt động kết nối đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, dự án khởi nghiệp; Triển lãm tiềm lực KH&CN của ĐHQGHN; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, nhà tài trợ kết hợp tuyển dụng việc làm; Giới thiệu các sản phẩm của các địa phương; Hội trại khoa học, giáo dục STEM của sinh viên ĐHQGHN; Trình diễn các thí nghiệm khoa học, giáo dục STEM, trình diễn/giới thiệu các sản phẩm/dự án KH&CN.

Cùng ngày, ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc Chương trình Giáo dục thể chất gắn với phát triển thể thao dân tộc và trò chơi dân gian; Khai trương không gian đổi mới sáng tạo VNU-RMIT tại tổ hợp giảng đường - ký túc xá QG-HN04 Khu đô thị ĐHQGHN - trung tâm đại học đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP).

Tại Hội nghị, các nhà khoa học, đối tác doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận các cơ hội hợp tác, đầu tư vào dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc; cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư và vấn đề PPP trong GD ở Việt Nam; giải pháp thực thi hóa danh mục xúc tiến đầu tư của ĐHQGHN đối với cộng đồng doanh nghiệp; cơ chế hợp tác đầu tư chuyển giao KH&CN;

Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam về mô hình GD&ĐT tài năng trong mô hình trường chuyên, trường năng khiếu; đào tạo chất lượng cao trong mô hình trường THPT thực hành; đào tạo tài năng đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành tài chính - ngân hàng; tiềm lực nghiên cứu và nhu cầu hợp tác doanh nghiệp - trường đại học; chính sách hỗ trợ hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số.

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số

GD&TĐ -Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng, việc đào tạo nhân lực số ngày càng đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.