ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế công bố phương thức tuyển sinh ĐH hệ chính quy 2024

GD&TĐ - Ngày 1/3, TS Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho biết, trường vừa công bố đề án tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2024.

ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế công bố phương thức tuyển sinh ĐH hệ chính quy 2024. (Ảnh: Đại Dương)
ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế công bố phương thức tuyển sinh ĐH hệ chính quy 2024. (Ảnh: Đại Dương)

Các phương thức tuyển sinh cần lưu ý

Theo đó, ở phương thức tuyển sinh, cơ bản Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế giữ nguyên những phương thức tuyển sinh của những năm gần đây mà đã chứng tỏ hiệu quả trong tuyển sinh cả về số lượng cũng như chất lượng đầu vào đã tuyển được như: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập cấp trung học phổ thông (điểm học bạ), dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (điểm thi tốt nghiệp THPT) năm 2024, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành, ưu tiên xét tuyển theo phương thức riêng của ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế.

Trong đó các phương thức riêng được ưu tiên xét tuyển bao gồm: kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và điểm học bạ hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024, kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (gọi tắt là chứng chỉ VSTEP) của các đơn vị được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức và điểm học bạ hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024, kết quả học tập ở cấp THPT năm học lớp 12 đạt loại giỏi trở lên, thí sinh đoạt giải nhất, giải nhì hoặc giải ba trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các năm từ 2022 đến 2024.

Trường đã bỏ đi 1 phương thức ưu tiên xét tuyển riêng dành cho học sinh quốc tịch Việt Nam tốt nghiệp THPT ở nước ngoài hoặc tương đương vì sau khi Covid-19 đã tạm ổn, việc du học dễ dàng hơn thì số lượng đối tượng này không còn nhiều.

Bên cạnh đó, Trường bổ sung 1 phương thức ưu tiên xét tuyển mới là sử dụng xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh kết hợp với Đại học Huế tổ chức.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, ngoài các ngành sư phạm do Bộ GD&ĐT phân chỉ tiêu, đối với các ngành khác Trường đã có điều chỉnh lại chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp hơn với tình hình tuyển sinh những năm gần đây. Những ngành tuyển sinh tốt, nhu cầu xã hội cao được Trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh, những ngành tuyển sinh chưa thực sự tốt Trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh để giảm áp lực cho các khoa chuyên môn, đồng thời có cơ sở để tập trung nguồn lực bồi dưỡng đội ngũ cho các khoa mũi nhọn.

Tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu cho các nhóm phương thức xét tuyển cũng có điều chỉnh. Các năm trước đây, hồ sơ đăng ký xét tuyển theo các phương thức ưu tiên xét tuyển nhiều, tỷ lệ nhập học cũng cao nên năm nay trường tăng thêm cho nhóm các phương thức này từ 20% lên 30% chỉ tiêu của mỗi ngành. Đối với 2 nhóm phương thức xét tuyển còn lại trường không phân % cố định mà có linh hoạt tùy theo số lượng hồ sơ của mỗi phương thức sau này.

Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế.

Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế.

Về ngưỡng đảm bảo chất lượng, đối với các phương thức đã dùng những năm trước, trường vẫn giữ nguyên ngưỡng đảm bảo chất lượng để không gây xáo trộn đối với những học sinh muốn sử dụng các phương thức này để đăng ký xét tuyển.

Đối với phương thức ưu tiên xét tuyển mới bổ sung năm nay, trường nghiên cứu kỹ đề thi mẫu, thang điểm, phổ điểm thi những năm gần đây và đề xuất ngưỡng phù hợp, đảm bảo chất lượng đầu vào.

Về chính sách học phí, sau khi có Nghị định số 97/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong Đề án, Trường đã thông báo chính xác mức học phí tính theo năm (niên chế) và theo tín chỉ cho khóa tuyển sinh 2024. Mức học phí này cũng phù hợp với mức trường vừa xác định cho năm học 2023-2024 hiện tại.

Nhiều chính sách hỗ trợ đến sinh viên

Theo TS Nguyễn Văn Huy, nhà trường rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho sinh viên. Cụ thể đối với một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và có nỗ lực học tập, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng thời 5 giải pháp hỗ trợ về mặt tài chính gồm: tăng cường kêu gọi các nguồn hỗ trợ; đẩy mạnh tỷ lệ trích 9% từ nguồn học phí; đẩy mạnh hỗ trợ sinh viên tiếp cận các nguồn vốn vay; tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm học phí của nhà nước; gia hạn thời hạn đóng học phí với sinh viên khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Riêng trong năm học 2022-2023, trường đã huy động được hơn 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 500 sinh viên thụ hưởng. Chỉ tính riêng trong riêng học kỳ 1 của năm học 2023-2024, trường đã huy động được hơn 1,4 tỷ đồng cho hơn 300 bạn sinh viên thụ hưởng, dự kiến nguồn hỗ trợ này sẽ còn tăng.

Tỷ lệ trích học phí trong học kỳ 1 năm 23-24, trường đã dành cho học bổng khuyến khích học tập hơn 3 tỷ đồng cho gần 400 sinh viên thụ hưởng. Tổng số tiền hỗ trợ qua học bổng khuyến khích học tập trong năm 23-24 dự kiến là hơn 6 tỷ.

Khen thưởng các sinh viên đạt thành tích cao được nhà Trường chú trọng.

Khen thưởng các sinh viên đạt thành tích cao được nhà Trường chú trọng.

Đặc biệt, trường còn có chính sách giảm 50% học phí đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga; hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên khoa tiếng Anh có hoàn cảnh khó khăn (danh sách do Khoa và đơn vị tài trợ xét chọn).

Nhằm thu hút người học, Trường giành các học bổng ưu đãi cho Thủ khoa, Á khoa của trường và các ngành. Trong năm 2023, Trường đã trích 140 triệu đồng khen thưởng. Cụ thể 1 Thủ khoa trường 10 triệu đồng; 10 thủ khoa ngành với mức 5 triệu/sinh viên. Điểm cao nhất Trường xét theo phương thức học bạ được khen thưởng 10 triệu đồng. 9 điểm cao nhất ngành đào tạo xét theo học bạ được 5 triệu đồng/sinh viên…

Nhiều học bổng được xét và trao cho sinh viên học giỏi, vượt khó, vươn lên trong học tập.

Nhiều học bổng được xét và trao cho sinh viên học giỏi, vượt khó, vươn lên trong học tập.

Dự kiến mùa tuyển sinh 2024, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế sẽ đề xuất tăng học bổng, chuyển đổi tên gọi thành 1 học bổng tuyển sinh năm 2024 thu hút số lượng học sinh giỏi các tỉnh mong muốn vào học tại trường.

Qua thống kê, tỷ lệ sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế tốt nghiệp năm 2021 có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp của tất cả các ngành đào tạo đạt 91.88%. Năm 2022, tỷ lệ sinh viên có việc làm và đang học nâng cao (đa số sinh viên vừa học nâng cao vừa đi làm) là 97.58%.

Có 3 khu vực việc làm chính: khu vực nhà nước (thường chiếm 5% số sv tốt nghiệp), khu vực tư nhân (chiếm khoảng 60%) và khu vực liên doanh nước ngoài (chiếm khoảng 30%). Sinh viên cũng tự tạo việc làm (5%).

Thu nhập trung bình của sinh viên có việc làm là từ 6-8 triệu, cao nhất là ngành Ngoại ngữ Hàn (hơn 10 triệu) và thấp nhất là Ngoại ngữ (5,7 triệu).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.

cách để trúng tuyển mùa tuyển sinh đại học 2024