ĐH Đà Nẵng: Hoàn trả hồ sơ cho thí sinh trong 15 phút

GD&TĐ - Mới 8h sáng nay (20/8), số thứ tự phát ra để thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT đã lên đến số 151.

Nhiều thí sinh nộp hồ sơ vào các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng vào cuối xét tuyển đợt 1.
Nhiều thí sinh nộp hồ sơ vào các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng vào cuối xét tuyển đợt 1.

Vào 3 ngày cuối, lượng thí sinh đổ dồn về ĐH Đà Nẵng để nộp hồ sơ là rất đông, xấp xỉ 1.500 hồ sơ/ngày. 

Ngoài việc duy trì 12 bàn tiếp nhận hồ sơ như những ngày cao điểm trước đây, ĐH Đà Nẵng cũng tăng cường thêm lực lượng cán bộ và tình nguyện viên tại khu vực rút hồ sơ để thí sinh không phải chờ đợi lâu. Theo đó, mỗi thí sinh chỉ mất từ 15 - 20 phút là đã được hoàn trả hồ sơ.

15 phút/thí sinh

Càng những ngày cuối cùng, lượng thí sinh xin rút ra, nộp vào tại ĐH Đà Nẵng tăng đột biến. Như trong ngày 17/8, có 1.200 hồ sơ rút ra nhưng cũng có 1.330 thí sinh đến nộp hồ sơ; ngày 19/8 có 1.544 hồ sơ nộp vào và 963 thí sinh xin rút hồ sơ.

Sáng 20/8, vẫn có rất đông thí sinh đến ĐH Đà Nẵng để xin rút hồ sơ. ĐH Đà Nẵng đã bố trí riêng một hội trường để giải quyết việc trả hồ sơ cho thí sinh. 

Theo GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, hồ sơ ĐKXT được sắp xếp theo thứ tự mã vạch trước đó thí sinh đã nộp vào, nên khi rút ra sẽ rất thuận lợi, không phải mất công tìm kiếm. 

ĐH Đà Nẵng cũng tăng cường lực lượng tình nguyện viên tại bộ phận trả hồ sơ. Lực lượng này sẽ đảm nhận việc hướng dẫn các thủ tục cho thí sinh, tìm hồ sơ và hoàn trả, các công tác nhập dữ liệu sẽ do cán bộ ĐH Đà Nẵng đảm nhiệm. 

Thí sinh chỉ cần nộp đơn đăng ký rút hồ sơ theo mẫu, xuất trình giấy biên nhận thu hồ sơ hoặc phiếu báo phát chuyển hồ sơ và chứng minh thư cho bộ phận tiếp nhận thì chỉ khoảng 15 phút sau là được hoàn trả hồ sơ.

Không cập nhật, thí sinh phải di chuyển xa

Tại ĐH Đà Nẵng sáng 20/8, với tâm lý “đến nộp trực tiếp tại trường cho chắc ăn” rất nhiều thí sinh và người nhà phải di chuyển tàu xe trong đêm để kịp điều chỉnh hồ sơ vào ngày cuối cùng. Như hai cha con ông Ngô Đức Tình, đi tàu từ đêm từ Quy Nhơn ra đến Đà Nẵng vào lúc sáng sớm để kịp rút hồ sơ từ trường ĐH Bách khoa để nộp vào trường ĐH Kinh tế, đều là các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. 

Ông Tình cho biết: “Mình già rồi, không nắm được các thay đổi, điều chỉnh trong thi cử của Bộ GD&ĐT, cháu nó về nói lại như răng thì biết rứa thôi. Lúc đầu nó nộp hồ sơ vào trường ĐH Bách khoa nhưng xem danh sách thống kê thì không đủ điểm đậu. 

Cháu biết thông tin này từ ngày 17, nhưng cứ theo dõi, cập nhật hàng ngày xem số lượng hồ sơ rút ra, nộp vào thế nào thì thấy “rớt chắc rồi” nên hôm qua hai cha con bắt tàu đi trong đêm để sáng nay kịp điều chỉnh sang trường ĐH Kinh tế”.

Dù thông tin được cập nhật hàng ngày nhưng không phải thí sinh nào cũng nắm kỹ, nhất là những ngành xét tuyển có kèm theo điều kiện bổ sung. Như trường hợp một thí sinh nữ vừa tốt nghiệp trường THPT Ba Gia (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) sáng nay như ngồi trên đống lửa vì không đọc kỹ điều kiện bổ sung xét tuyển vào ngành Y đa khoa của Khoa Y Dược (ĐH Đà Nẵng) điểm thi môn Toán phải từ 9 điểm trở lên, trong khi điểm môn Toán của em chỉ được 8,25 điểm. 

“Em được 26 điểm, nộp vào ĐH Y Dược Huế nhưng không đủ điểm nên đã nhờ thầy giáo xin điều chỉnh hồ sơ tại Sở GD&ĐT Quảng Ngãi rồi ra ĐH Đà Nẵng xem cho yên tâm”.

Thí sinh được điều chỉnh ngay tại các trường THPT

Để giúp thí sinh không phải di chuyển xa và mất thời gian chờ đợi, ngay sau khi có công văn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã giao cho các trường THPT, TT GDTX, KTTH - HN tiếp nhận hồ sơ thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh. Theo đó, các trường phải huy động đủ nhân lực, tập trung phương tiện kỹ thuật, tăng thời gian làm việc hàng ngày để tiếp nhận hồ sơ thay đổi nguyện vọng ĐKXT. 

Để phụ huynh, HS yên tâm về việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển, các đơn vị, trường học khi thu nhận hồ sơ thay đổi nguyện vọng ĐKXT của HS cần cấp biên nhận đã thu hồ sơ có đóng dấu treo của đơn vị, trường học, trong đó biên nhận cần thể hiện rõ những giấy tờ của HS đã thu nhận.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, rất ít thí sinh đến điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT tại các trường THPT. Như TT GDTX TP Đà Nẵng, cũng mới chỉ tiếp nhận 6 trường hợp đến xin điều chỉnh. Tính đến hết ngày 19/8, có 30 trường hợp đến điều chỉnh tại các trường THPT và đơn vị trực thuộc. Sáng sớm nay, đã có 6 trường hợp liên hệ với Sở GD&ĐT Đà Nẵng để được hướng dẫn việc điều chỉnh hồ sơ xét tuyển.

Ông Phan Minh Anh Tuấn - Trưởng phòng CNTT - Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Đà Nẵng) - cho biết: “Những thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT chủ yếu nộp hồ sơ vào các trường ĐH ở khu vực phía Bắc và phía Nam, nay thời gian ngắn, không thể đến rút hồ sơ trực tiếp được nên việc được điều chỉnh nguyện vọng tại các Sở GD&ĐT đã có tác dụng hỗ trợ rất nhiều cho thí sinh”. 

Sở GD&ĐT Đà Nẵng cũng nhắc nhở các trường THPT và đơn vị trực thuộc phải cập nhật kịp thời, không được bỏ sót việc cập nhật danh sách và các thông tin điều chỉnh của thí sinh. Sở đã cử cán bộ thường xuyên trực để hỗ trợ, hướng dẫn cho các đơn vị cách truy cập vào tài khoản và xử lý các tình huống phát sinh. 

Mới đây, một thí sinh xin điều chỉnh hồ sơ tại Sở GD&ĐT Đà Nẵng nhưng không nộp phiếu báo phát chuyển hồ sơ ĐKDT của bưu điện hay Giấy biên nhận thu hồ sơ của trường CĐ, ĐH đã nộp trước đó. Thí sinh giải thích do làm mất các loại giấy tờ này. 

Tuy nhiên, các cán bộ cẩn trọng đề phòng trường hợp gian lận trong đăng ký, có thể em muốn nộp thêm nguyện vọng ở một trường khác nhưng lại không rút lại hồ sơ ở trường trước đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

Chùm ảnh sự hỗn loạn ở Haiti

GD&TĐ - An ninh trật tự Haiti liên tục phải chịu những biến cố, từ vụ ám sát tổng thống đến động đất và tình trạng bạo lực từ các băng đảng.
Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.