Đến Núi Bà Đen gặp hai đơn vị anh hùng

Đến Núi Bà Đen gặp hai đơn vị anh hùng

(GD&TĐ) - Đến Núi Bà, quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng ngoài vẻ đẹp tâm linh của các ngôi chùa trên núi còn có những địa danh lịch sử gắn liền cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Tây Ninh. 

Trong đó có Đài tưởng niệm Núi Bà, Di tích lịch sử Động Kim Quang và hai đơn vị chủ chốt Liên đội 7, Tiểu đoàn Trinh sát 47. Nhờ vào địa thế núi cao hiểm trở, chùa cao với “rừng che bộ đội rừng vây quân thù” mà quân và dân Tây Ninh đã chiến đấu ngoan cường trước họng súng, bom đạn… của kẻ thù xâm lược để giành toàn thắng, giải phóng Tây Ninh góp phần chung trong giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Bia tưởng niệm Liên đội 7 trinh sát và Tiểu đoàn trinh sát 47. Ảnh T.Khanh
Bia tưởng niệm Liên đội 7 trinh sát và Tiểu đoàn trinh sát 47. Ảnh T.Khanh

Trước khi lên tham quan núi Bà, du khách dừng chân trước Tượng đài Dũng sĩ Núi Bà Đen được đặt trang trọng trước con đường lên Núi. 

Di tích lịch sử Động Kim Quang là căn cứ của Huyện ủy huyện Tòa thánh (nay là huyện Hòa Thành). Chính nơi đây lực lượng quân dân chính Đảng vừa bám trụ giữ núi, vừa tỏa xuống các vùng dân cư vận động đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận lập nhiều thành tích vẻ vang chống Mỹ cứu nước.

Khi đặt chân lên ngọn núi có độ cao 986 mét là Núi Bà Đen. Sau khi vượt qua gần 100 bậc tam cấp đến suối Vàng là đến chùa Hang. Chùa là nơi thờ Đức Quan Âm Bồ Tát, đặc biệt bên trái chùa có dựng Bia tưởng niệm Liên đội 7 trinh sát và Tiểu đoàn trinh sát 47. Theo sư cô Diệu Minh, trụ trì đời 46 chùa Hang, Bia tưởng niệm ở hang dưới nhưng thờ bên trên vì bên dưới là nơi sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ nhưng không có không gian nên đặt bia bên trên. Chùa có từ thế kỷ 18, được xây dựng, tôn tạo lại từ năm 1991 vì trước đó chiến tranh tàn phá, bom mìn làm sụp đổ chùa. Tại Bia tưởng niệm ghi lại: “Nơi đây 181 cán bộ, chiến sĩ trinh sát thuộc phòng Quân báo, Bộ Tham mưu Miền (B2), đơn vị Anh hùng Lực lượng Võ trang Nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

13 năm liền (từ tháng 2 đến tháng 1/1975), Liên đội 7 trinh sát thuộc Phòng Quân báo Miền đã kiên cường, dũng cảm, mưu trí bám trụ tổ chức lực lượng nắm địch và đánh địch. Cung cấp nhiều tin tức quan trọng góp phần bảo vệ an toàn căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền. Đơn vị đã tổ chức đánh trên 30 trận lớn và vừa, diệt 56 xe quân sự trong đó có 28 xe tăng, thiết giáp; bắn rơi 8 máy bay trực thăng, phá hủy 1 khẩu pháo 105 ly; diệt và làm bị thương 1.941 tên địch trong đó có 368 tên Mỹ. Cuối năm 1972, Liên đội 7 trinh sát đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Võ trang Nhân dân.

Tiểu đoàn trinh sát 47

31 ngày đêm (từ 6/2/1974 đến 6/1/1975), Tiểu đoàn Trinh sát 47 thuộc phòng Quân báo Miền đã cùng Liên đội 7 Trinh sát và các đơn vị phối thuộc liên tục tiến công, xiết chặt vòng vây quanh căn cứ tiền tiêu và trung tâm truyền tin tiếp sức của ngụy Sài Gòn ở núi Bà, đánh bại các cuộc phản kích và kế hoạch tăng viện, tiếp tế, tải thương của địch cả đường bộ và đường không.

Tượng đài Dũng sĩ Núi Bà Đen - Ảnh T.Khanh
Tượng đài Dũng sĩ Núi Bà Đen - Ảnh T.Khanh

Đơn vị đã tiêu diệt nhiều địch, bắn rơi 17 máy bay trực thăng, thu nhiều phương tiện thông tin và đồ dùng quân sự.

Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công, bao vây giải phóng hoàn toàn núi Bà, Tây Ninh vào rạng sáng ngày 6/1/1975; đã hiệp đồng cùng các lực lượng võ trang và nhân dân miền Đông Nam bộ mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử mùa xuân 1975 trên chiến trường B2”.

Đến Núi Bà Đen gặp hai đơn vị anh hùng ảnh 3
Hang đá nơi các chiến sĩ lấy đá làm giường để chiến đấu - Ảnh T.Khanh

Theo Đại úy Hoàng Thao, nguyên Chỉ huy trưởng Liên đội 7: “Liên đội 7 tiền thân là đơn vị Trinh sát A14. Nhiệm vụ của đơn vị là cắm chốt trên núi Bà Đen, lập đài quan sát, theo dõi điều tra nắm mọi diễn biến và các hoạt động quân sự của địch khi vào cửa căn cứ địa R (Trung ương Cục miền Nam). 13 năm Liên đội 7 liên tục bám trụ chiến đấu trên núi Bà, cuộc sống vô cùng khó khăn gian khổ. Cán bộ chiến sĩ lấy hang động làm nhà, lấy đá làm giường. Lương thực, nước uống thiếu thốn, anh em chiến sĩ thường xuyên phải ăn rau rừng, ốc núi, thằn lằn núi… Mỗi cán bộ chiến sĩ Liên đội 7 cũng phải chồng chất đội trên đầu vài tấn bom đạn đủ các loại… Đơn vị đã phối hợp với Tiểu đoàn Trinh sát 47 điều tra nghiên cứu trận địa cụm chốt của Mỹ, ngụy trên đỉnh núi Bà Đen; cùng các đơn vị bạn tham chiến ác liệt 30 ngày đêm (6/12/1974 đến rạng sáng ngày 7/1/1975), tiêu diệt hoàn toàn cụm chốt của địch, giải phóng núi Bà Đen, góp phần cho chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam 30/4/1975.

Một nhân chứng khác đặc biệt là Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa, Viện chủ hệ thống chùa núi Bà, thế danh Nguyễn Thị Định sinh năm 1922 tại Long Xuyên, An Giang. Bà đi tu từ nhỏ và trụ trì chùa Hang. Trong chiến tranh, bà đã tham gia bằng cách tận dụng địa thế ngôi chùa hiểm trở để ngăn chặn bước chân quân xâm lược muốn hủy diệt chốn thiền môn thanh tịnh. Bà kêu gọi các vị nữ tu ở chùa kiên cường bám trụ, chở che cho quân du kích, các “dũng sĩ núi” chiến đấu oanh liệt chống Mỹ ngụy cho đến ngày toàn thắng.

Nguyễn Tý - Thoại Khanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ