(GD&TĐ) – Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, sau 6 ngày mưa lũ (từ 29/10-3/11), tính đến sáng nay, các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận đã có 8 người chết và 6 người mất tích. Trong đó, Khánh Hòa có 5 người chết và 1 người mất tích; Phú Yên 3 người chết, 1 người mất tích; Ninh Thuận 4 người mất tích.
>>Mưa lũ hoành hành Ninh Thuận, Phú Yên
>>Mưa lớn, Ninh Thuận bất ngờ ngập nặng
>>Khánh Hòa: Phố biển thành sông
Có tổng số 6.722 ngôi nhà sập đổ và ngập chìm trong lũ, Ninh Thuận thiệt hại nặng nhất với 5.606 nhà, Khánh Hòa 676 nhà, Bình Thuận 440 nhà.
Trong một diễn biến khác, sáng nay 3-11, Thượng tá Phạm Quang Luận, Phó trưởng Phòng PC 52, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, hai thi thể (một nam, một nữ) trôi dạt vào bờ biển thôn 2, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngày 27-10 được người nhà xác định là nạn nhân trên xe ô tô khách mang biển số 48K-5868 bị lũ cuốn trôi trên sông Lam (Hà Tĩnh). |
Tối ngày 02/11/2010, Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải đã trực tiếp làm việc với tỉnh Ninh Thuận về việc ứng phó tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh
Theo báo cáo của Thường trực BCH PCLB tỉnh, đến nay sau 04 ngày mưa lũ (từ ngày 30/10- 02/11) trên toàn tỉnh đã có 01 người chết, 03 người mất tích; 5.152 căn nhà bị ngập; 454 căn hư hỏng, sập, đổ; 12.947 ha diện tích đất nông nghiệp bị ngập; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi; hàng chục km kênh mương và các công trình thủy lợi khác bị sạt lở, bồi đắp nghiêm trọng; hồ Phước Trung (huyện Bác Ái) đang thi công bị vỡ khoảng 30m; Toàn bộ đường giao thông liên thôn, liên xã và liên huyện bị ngập sâu và sạt lở làm giao thông bị gián đoạn nghiêm trọng… Ước tổng giá trị thiệt hại ban đầu khoảng 800-900 tỷ đồng.
Trước tình hình mưa lũ lên cao, diễn biến bất thường, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo, tổ chức di dời được 6.554 hộ với hơn 26.000 người dân đến nơi an toàn. Tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện tập trung công tác cứu hộ đê ở những nơi xung yếu.
Công tác di dời dân được các lực lượng khẩn trương triển khai |
Các tỉnh cũng khẩn trương di dời dân: Khánh Hòa 1.525 hộ/6.452 người, Phú Yên 321 hộ/1.178 người.
Hiện có 17.891ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, hư hại (Khánh Hòa 3.000ha, Ninh Thuận 12.947ha, Bình Thuận 1.944ha).
Quốc lộ 1A và Quốc lộ 27 nước đã rút, đường sắt đoạn Đèo Cả đã khắc phục sạt lở và thông xe. Quốc lộ 26 bị ngập nhiều đoạn từ 0,1 – 0,3m, xe tải, xe gầm cao vẫn có thể di chuyển được.
Tại Khánh Hòa, tuyến đường Khánh Lê Lâm Đồng bị sạt lở 3 vị trí, hiện đang triển khai thu dọn, dự kiến ngày 5/11 sẽ thông tuyến. Đường Nguyễn Tất Thành bị sạt lở 3 vị trí, hiện đã thông 1 làn xe; đường Lập Định – Suối Môn (TL9) vẫn ách tắc giao thông do ngập và sập mố cầu tràn Vĩnh Thái.
Đường từ sân bay Cam Ranh đến cầu Long Hồ (Khánh Hòa) bị sụp cống, sạt lở 2/3 đường.
Về điện, để đảm bảo an toàn, hiện đã cắt giảm 8,6% hệ thống phụ tải Khánh Hòa tại các khu vực bị ngập nặng; cắt giảm 2% hệ thống phụ tải tại một số khu vực huyện Đồng Xuân, Phú Hòa, Đông Hòa tỉnh Phú Yên.
Hiện các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tại các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận vẫn an toàn.
Dự báo, lũ các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên lại.
Kiên Hưng