Đến Hoàng thành Thăng Long trải nghiệm Tết Đoan Ngọ truyền thống

GD&TĐ - Mọi người sẽ được hòa mình trong không gian đậm sắc màu văn hóa của Tết Đoan Ngọ truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long.

Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương (ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch) là một ngày Tết truyền thống tại một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa. 

Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều, và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc.

Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc.

Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.

Tết Đoan Ngọ cũng là dịp người Việt có các hoạt động “giết sâu bọ” bệnh tật trong người bằng các phong tục ăn bánh gio, trái cây, rượu nếp, tắm nước lá để phòng bệnh…

Người xưa cũng tin rằng thảo mộc được hái vào giờ Ngọ ngày Đoan Ngọ thì hương sắc được kết tinh lại, sẽ làm tăng thêm dược tính chữa bệnh. Nhưng hiện nay, nhiều phong tục về Tết Đoan Ngọ đã phai nhạt.

Triển lãm “Tết Đoan Ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Dương” nhằm tái hiện Tết Đoan Ngọ truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long.

Triển lãm “Tết Đoan Ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Dương” nhằm tái hiện Tết Đoan Ngọ truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long.

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức trưng bày, trình diễn, tái hiện các nghi thức, phong tục dân gian và cung đình độc đáo thông qua hình thức trực tuyến tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long nhằm giới thiệu nét cổ truyền của Tết Đoan Ngọ đến đông đảo công chúng.

Mặc dù triển lãm “Tết Đoan Ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Dương” được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng triển lãm sẽ giúp những du khách không có điều kiện đến Hoàng thành Thăng Long vẫn có thể tiếp cận nội dung trưng bày bổ ích.

Tại đây, du khách được tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày Tết  Đoan Ngọ như tục “giết sâu bọ”, tục hái thảo mộc làm trà và làm thuốc…

Triển lãm năm nay có nhiều nét mới như: Lần đầu tiên trưng bày, giới thiệu chiếc quạt mang đậm tính chất cung đình rộng 2,4 mét đề bài thơ của Vua Lê Hiến Tông viết trên quạt năm 1503; một số mẫu quạt dành cho nhà Vua, Hoàng hậu và các quan được phỏng dựng dựa trên nguồn tư liệu; những chiếc bùa ngũ sắc được phục hồi dựa theo hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Cộng hòa Pháp) và không gian đầy màu sắc của một cửa hàng thuộc phố Hàng Mụn xưa (phố Hàng Bút hiện nay).

Ngoài ra, các phong tục ngày Tết Đoan Ngọ như: Hái lá thuốc Nam, gội đầu bằng nước lá thơm, lá xông giải cảm… cũng được giới thiệu cùng với những chiếc lá ngải hình con trâu tương ứng năm Tân Sửu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ