Đề xuất tăng ngày nghỉ lễ, tết: Mong muốn chính đáng của người lao động

GD&TĐ - Bình quân mỗi năm các nước trong khu vực Đông Nam Á có từ 16 - 17 ngày nghỉ lễ, trong khi đó nước ta chỉ có tổng 11 ngày nghỉ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh cho người lao động. Ảnh minh họa
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh cho người lao động. Ảnh minh họa

Dư địa tăng ngày nghỉ lễ vẫn còn nhiều, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn cho người lao động được nghỉ Tết và nghỉ Quốc khánh dài hơn.

Ngày nghỉ của Việt Nam còn ít

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã xin ý kiến 16 cơ quan, bộ, ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và phương án nghỉ lễ trong năm 2025. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 9 ngày, gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần, từ thứ Bảy, ngày 25/1/2025, đến hết Chủ nhật, ngày 2/2/2025 (từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).

Về phương án nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án. Phương án đầu tiên, nghỉ lễ Quốc khánh 2 ngày theo quy định, trong đó, nghỉ ngày 2/9 và 1 ngày liền kề trước ngày 2/9.

Công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025 từ thứ Bảy, ngày 30/8/2025 đến hết thứ Ba, ngày 2/9/2025. Với phương án này, dịp lễ Quốc khánh năm 2025, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 4 ngày (bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh và 2 ngày nghỉ hàng tuần).

Phương án thứ hai, công chức, viên chức, người lao động sẽ nghỉ lễ Quốc khánh 2 ngày theo quy định, trong đó, nghỉ ngày 2/9 và 1 ngày liền kề sau ngày 2/9.

Tại Hội nghị thông tin về tình hình công nhân, công đoàn và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) diễn ra gần đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ về cơ sở pháp lý để đề xuất tăng số ngày nghỉ lễ, Quốc khánh là dịp để công nhân được về thăm gia đình, đưa con đi chơi trước khi bắt đầu năm học mới. Đặc biệt, Quốc khánh lại gần với dịp khai giảng năm học vì vậy đề xuất nghỉ dài cũng là để công nhân được đưa con đến trường trong ngày này.

mong-muon-chinh-dang-cua-nguoi-lao-dong2-2397.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Bảo đảm quyền lợi cho mọi đối tượng

Rời quê hương đi làm việc tại khu công nghiệp Thái Nguyên đã gần 8 năm, anh Bùi Hoàng Anh (29 tuổi, quê Thanh Hoá) chia sẻ, bản thân hoàn toàn ủng hộ việc tăng thêm ngày nghỉ lễ, nghỉ tết. Do số ngày nghỉ không dài, đường sá xa xôi, giao thông đông đúc nên nhiều năm nay anh Hoàng Anh không về quê thăm gia đình vào dịp Quốc khánh. Anh cho rằng, nên xem xét tăng thêm thời gian nghỉ lễ để người lao động thuận tiện trở về quê với cha mẹ, họ hàng, tăng tình gắn bó với gia đình, làng xóm. Thực tế, đây hoàn toàn là những nhu cầu chính đáng của người lao động.

Chị Trần Thị Hoàng Lan (25 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, các dịp lễ, Tết là khoảng thời gian tốt để kích cầu về du lịch, vui chơi, giải trí, bán hàng… Các dịp lễ cũng là khoảng thời gian để người dân nghỉ ngơi nhằm tái tạo sức lao động sau nhiều ngày tháng làm việc vất vả.

Tuy nhiên hiện nay, số ngày nghỉ tương đối ít vì vậy người dân có xu hướng đổ dồn đi du lịch gây nên tắc nghẽn giao thông, vé tàu xe, máy bay trở nên đắt đỏ. Nhiều người mặc dù rất muốn đi du lịch song việc phải tranh thủ những ngày nghỉ ít ỏi khiến họ cảm thấy chán nản, ngại đông đúc.

Việc tăng thêm ngày nghỉ có thể phần nào giải quyết vấn đề này. Rõ ràng, việc đề xuất tăng thêm ngày nghỉ lễ không chỉ là một nhu cầu chính đáng của người lao động mà còn phản ánh sự quan tâm sâu sắc tới đời sống tinh thần và phúc lợi của họ.

Dưới góc nhìn của người sử dụng lao động, ông Vi Văn Hùng (38 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), quản lý chuỗi phòng tập tại địa bàn TP Hà Nội cho biết: “Xét từ góc độ của các doanh nghiệp, họ phải chịu rất nhiều áp lực về kinh tế. Cụ thể, mỗi tháng công ty phải chi trả một khoản tiền rất lớn cho chi phí thuê mặt bằng. Trong khi người lao động nghỉ lễ, doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, dẫn đến không có doanh thu. Vì vậy nếu số ngày nghỉ quá dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những người sử dụng lao động”.

Vì vậy, sự điều chỉnh này cần phải được thực hiện một cách công bằng và có sự đồng thuận từ cả hai phía, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế và sự hài hòa trong mối quan hệ lao động. Các cấp chính quyền cần có sự thận trọng và xem xét yếu tố trước khi quyết định nhằm đạt được phương án tối ưu, đảm bảo quyền lợi cho mọi đối tượng.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Theo quy định tại Điều 112, Bộ luật Lao động năm 2019, từ năm 2021, người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, Tết được hưởng nguyên lương. Cụ thể là: Tết Dương lịch nghỉ 1 ngày (ngày 1/1); Tết Nguyên đán nghỉ 5 ngày; Giỗ tổ Hùng Vương nghỉ 1 ngày (ngày 10/3 âm lịch); Chiến thắng 30/4 nghỉ 1 ngày; Quốc tế Lao động 1/5 nghỉ 1 ngày; Quốc khánh 2/9 nghỉ 2 ngày (ngày 2/9 và 1 ngày liền kề trước hoặc sau). Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ