Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến cho phép một số trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức. Điều này đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội.
Các trường đặc thù được kiểm tra, đánh giá năng lực
Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 4 của Thông tư hiện hành. Cụ thể, Thông tư hiện hành quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển”, thì Dự thảo mới bổ sung: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng đã nhấn mạnh: “Việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn”. Rõ ràng, chỉ những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến tuyển sinh được phân công thì mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực. Nếu xét theo quy định này thì những trường chuyên, những trường đặc thù sẽ có thể áp dụng phương thức này.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: Đối với những trường chuyên và những trường đặc thù có số lượng học sinh đăng ký hồ sơ vào trường cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh rất phù hợp.
Việc thay đổi và bổ sung Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT cần thiết để các địa phương có phương án chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường nằm trong tiêu chí tuyển sinh trên. Phương án này rất tích cực, tạo điều kiện cho các trường này trong xét tuyển khi Bộ GD&ĐT có chủ trương tinh giảm các cuộc thi để bớt áp lực cho HS.
Song để đồng đều về chất lượng và tạo sự công bằng, theo bà Phạm Thị Lệ Hằng cần có sự đánh giá về học bạ trong các năm học kết hợp việc kiểm tra năng lực học sinh một cách phù hợp, tránh gây áp lực cho các em. Nếu Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT Hà Nội có chủ trương và chỉ đạo về vấn đề này, thì Phòng GD&ĐT Hà Đông cũng sẽ nghiên cứu và có phương án thực hiện.
Kiểm tra, đánh giá năng lực tạo sự công bằng
Khi hỏi về vấn đề này, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ ý kiến: Việc Bộ GD&ĐT thay đổi trong quy chế tuyển sinh vào lớp 6 bao gồm xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực là rất công bằng. Vì đối với những trường chuyên hay các trường chất lượng cao, số lượng học sinh nộp hồ sơ đăng ký đông, đây chính là giải pháp tối ưu tránh những nghi ngại thắc mắc.
Chị Nguyễn Ngọc Anh ở Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ tâm sự của mình: Năm ngoái, con gái chị đã đặt mục tiêu vào Trường THCS Cầu Giấy, vì vậy cháu đã rất có ý thức phấn đấu trong học tập. Cuối năm, điểm tổng kết của cháu đạt loại giỏi, các giáo viên nhận xét rất tốt về cháu.
Tuy nhiên; sau khi nộp hồ sơ chị được biết, phần lớn các hồ sơ của HS nộp vào trường đều có học lực giỏi. Do vậy HS đủ điều kiện xét tuyển vào trường đều có điểm cộng từ các giải thưởng. Mà nhiều giải thưởng lại thuộc lĩnh vực văn nghệ và thể thao. Con chị do không tham gia các cuộc thi nên không có điểm cộng. Vì vậy nếu có thêm phần kiểm tra đánh giá năng lực thì sẽ tạo sự công bằng với mọi HS.
Ông Trần Quốc Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) - một trường hàng năm có khá đông học sinh có nguyện vọng nộp hồ sơ vào trường, cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này: Tuyển sinh đầu cấp theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực là rất hợp lý và cần thiết.
Theo ông Trần Quốc Anh, nên có việc xét học bạ vì đó là quá trình đánh giá cả giai đoạn học tập ở cấp tiểu học của học sinh bao gồm kiến thức, năng lực học tập và các kỹ năng.
Bên cạnh đó phải có sự cọ xát trong khảo sát, kiểm tra để đánh giá về trình độ năng lực chung của tất cả học sinh cho đồng đều. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát đánh giá năng lực không phải chỉ có môn Toán, môn Ngữ văn hay Ngoại ngữ.
Trong bài khảo sát năng lực phải tích hợp cả nội dung về những hiểu biết xã hội. Như vậy, chúng ta sẽ có cơ sở đánh giá về chỉ số IQ và EQ của HS, để chọn lựa ra những đối tượng học sinh có khả năng, năng lực học tốt theo mục tiêu mà các trường chất lượng cao đề ra.
Với tư cách là người trong ngành Giáo dục, là một phụ huynh học sinh và cũng nhìn nhận dưới góc độ xã hội nói chung, ông Trần Quốc Anh bày tỏ quan điểm: Nếu trong vấn đề tuyển sinh chỉ có định tính mà không định lượng thì sẽ có những hạn chế.
Hơn nữa, việc xét tuyển đi kèm với khảo sát sẽ tạo ra sự công bằng hơn. Mọi học sinh đều có cơ hội thể hiện mình và cố gắng. Các em cần có sự chuẩn bị tốt nhất một cách toàn diện để khẳng định bản thân.
“Việc xét tuyển và khảo sát, kiểm tra cũng phù hợp với mục đích hướng tới là đào tạo học sinh phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực. Ngoài những môn văn hóa công cụ cơ bản như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ… học sinh cần có những hiểu biết về các lĩnh vực xã hội. Vì tất cả những yếu tố này sẽ giúp cho đứa trẻ có đủ năng lực và vững vàng trong cuộc sống”. Ông Trần Quốc Anh- Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi |