Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dự và chỉ đạo Hội nghị - diễn ra ngày 23/7.
Tại Hội nghị, ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT đã báo cáo những kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm học vừa qua.
Một trong những nội dung được đại biểu Sở GD&ĐT các tỉnh, thành quan tâm đó là vai trò của Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)
Theo báo cáo của Vụ GDTX, hoạt động của các TTHTCĐ bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của nhà nước; góp phần trong việc thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: giảm hộ nghèo, tăng bình quân thu nhập, trật tự an ninh ổn định.
Tuy nhiên, việc chỉ đạo, hướng dẫn quản lý tổ chức hoạt động của các TTHTCĐ còn nhiều hạn chế. Mặc dù mạng lưới TTHTCĐ nhiều địa phương phủ khắp các xã/phường; song hiệu quả hoạt động chưa đồng bộ, còn hình thức. Nhiều TTHTCĐ không có cơ sở vật chất gồm phòng làm việc, biển hiệu trung tâm, thiết bị tối thiểu, tài liệu học tập.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Phòng GD&ĐT với TTGDNN-GDTX trong việc quản lý, hỗ trợ chuyên môn cho các TTHTCĐ còn chưa chủ động; cán bộ quản lý trung tâm ít được tập huấn; công tác thi đua khen thưởng chưa được quan tâm đúng mức... Công tác kiểm tra của phòng GD&ĐT đối với TTHTCĐ chưa được thực hiện kịp thời, có nơi không thực hiện việc kiểm tra.
Công tác lưu trữ hồ sơ của các TTHTCĐ một số nơi còn hạn chế. Việc tổ chức các lĩnh vực giáo dục đáp ứng nhu cầu người học tại các TTHTCĐ còn chưa chủ động mà phải phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các ban ngành để mời các báo cáo viên cho phù hợp, nên việc tổ chức các lớp để cung cấp kiến thức cho người dân này chưa được tổ chức thường xuyên, hàng năm.
Tài liệu để tổ chức dạy chương trình đáp ứng nhu cầu người học chủ yếu do các báo cáo viên, hướng dẫn viên tự nghiên cứu, tìm tòi, biên soạn nên đôi khi những thông tin, dữ liệu quá nhiều làm cho người học thấy khó hiểu, không hào hứng tham gia các lớp học.
Đội ngũ báo cáo viên, hướng dẫn viên rất đa dạng, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau,chưa được các địa phương bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp dạy học người lớn nên khó khăn trong việc tổ chức dạy học. Việc phối hợp giữa các TTHTCĐ với các ban ngành đoàn thể để huy động nguồn lực tổ chức thực hiện chương trình còn hạn chế.
Các địa phương cấp huyện, cấp xã còn chưa hiểu hết vai trò, sứ mệnh của các TTHTCĐ. Đa số các phòng GD&ĐT chưa quan tâm chỉ đạo về nội dung và hình thức hoạt động của trung tâm; chưa tổ chức tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên của các TTHTCĐ trên địa bàn.
Các TTHTCĐ khó khăn để hoạt động hiệu quả do 100% là cán bộ kiêm nhiệm. Số lượng giáo viên được cử sang TTHTCĐ bị giảm dần bởi các trường phổ thông đổi mới Chương trình giáo dục còn thiếu nhân lực triển khai chương trình mới.
Xuất phát từ những khó khăn, tồn tại nêu trên, nhiều đại biểu đề xuất Bộ GD&ĐT có định hướng, giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả của TTHTCĐ; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ; cấp kinh phí để duy trì hoạt động của các trung tâm. Đồng thời Bộ GD&ĐT tăng cường các cuộc kiểm tra, rà soát vai trò, hoạt động để nâng cao hiệu quả của các TTHTCĐ.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận những kết quả đạt được, vấn đề còn khó khăn, hạn chế khi triển khai nhiệm vụ GDTX tại các địa phương. Đồng thời, Thứ trưởng lắng nghe kiến nghị, đề xuất của đại biểu để triển khai hiệu quả mục tiêu giáo dục trong năm học tới.