Đề xuất lập 34 cổng thu phí vào trung tâm TPHCM: Lập ra để thu tiền?

GD&TĐ - Sở GTVT TPHCM có văn bản đề xuất UBND TPHCM chi 250 tỉ đồng gắn 34 cổng thu phí ô tô vào trung tâm TP nhằm giảm ùn tắc khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ. Vấn đề đặt ra là đề xuất này có được như kì vọng?

Kẹt xe ngay tại trung tâm TP. Ảnh: IT
Kẹt xe ngay tại trung tâm TP. Ảnh: IT

Nhiều bất cập

Sau khi đề xuất của Sở GTVT gắn 34 cổng thu phí ô tô từ quan điểm của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) vào trung tâm TPHCM được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều chuyên gia và người dân sinh sống tại TPHCM bày tỏ ý kiến trái chiều, không đồng tình.

Chị Đào Phong Lan - một cư dân sống tại Q.7, TPHCM cho rằng, giải pháp này chỉ mang tính chất tăng nguồn thuế cho TP, chứ không cải thiện được tình trạng kẹt xe. Chưa kể còn gây ùn ứ và kẹt xe nặng hơn tại các cửa ngõ ra vào trung tâm vì thời gian dừng lại đóng phí.

“Cá nhân tôi là người đi xe máy, nhưng nghe đề xuất này tôi cũng cảm thấy hụt hẫng và không đồng tình. Theo tôi nghĩ, việc thiết lập 34 trạm thu phí này không những không giúp làm giảm kẹt xe mà có khi còn kẹt hơn vì bị ùn ứ, thắt nút cổ chai tại các điểm trạm này”, chị Đinh Anh Lan - ngụ tại Q.Bình Thạnh chia sẻ

“Những người đề xuất giải pháp này tư duy và nhận thức rất có vấn đề. Nó cho thấy vừa không có “tầm” và vừa không có “tâm”. Đây là giải pháp theo lối tư duy phần ngọn chứ không phải giải quyết vấn đề tận gốc và không suy nghĩ đứng ở góc độ lợi ích số đông người dân, lợi ích cộng đồng” - chị Đinh Anh Lan nhận xét.

Là một người dân thường xuyên đi từ Q.4 vào trung tâm TP để làm việc, anh Hữu Thuyết cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân - mà ở đây là ô tô, vào trung tâm thành phố là cần thiết, tuy nhiên “việc lập 34 trạm thu phí này không khả thi. Bởi, thứ nhất nếu xe cần vào trung tâm thì họ cũng sẽ trả phí nên chưa chắc đã hạn chế được. Thứ 2, khả năng rất lớn sẽ làm ùn tắc nghiêm trọng tại các trạm thu phí và ùn tắc sẽ lan dây chuyền ra xung quanh”.

“Chưa kể nếu ô tô lỡ vào đường, nhưng tới trạm thu phí, họ không muốn vào thì sẽ không có bãi đỗ, không có điểm quay đầu xe dẫn đến ách tắc, còn nếu như họ sẵn sàng trả tiền để vào thì phương án hạn chế xe vào trung tâm không hiệu quả. Tôi thấy đề án thu phí này chỉ có lợi cho Công ty Công nghệ Tiên Phong vì thu được nhiều tiền chứ chưa chắc có hiệu quả và khả thi, thậm chí sẽ gây ùn tắc giao thông nhiều hơn ở các khu vực này”, anh Hữu Thuyết nhận định.

Sơ đồ vành đai thu phí khi ô tô đi vào khu vực trung tâm. Ảnh TTO
  • Sơ đồ vành đai thu phí khi ô tô đi vào khu vực trung tâm. Ảnh TTO

Cần giải quyết phần gốc

Theo chị Đào Phong Lan, nguyên nhân kẹt xe là do đường quá chật so với lưu lượng giao thông hiện nay. TPHCM cũng chưa có phương án giao thông công cộng thuận tiện cho hành khách, thêm vào đó số lượng xe hơi, xe máy và người nhập cư tăng quá nhanh. Nguyên nhân nào thì nên tìm giải pháp đó chứ không nên tìm cách cản trở giao thông.

“Người dân cần vẫn phải đi, tiền vẫn phải nộp và kẹt xe thì vẫn tồn tại. Bản thân người hiến kế này cũng phải chịu trách nhiệm về hậu quả, TP cũng thế. Nếu TP bảo đảm được việc đặt trạm thu phí sẽ thực sự giải quyết được vấn nạn kẹt xe và chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho người dân nếu giải pháp thất bại thì tôi sẽ đồng ý việc thí điểm” - chị Đào Phong Lan bày tỏ.

Bênh cạnh đó, chị Phong Lan cũng nhận định, việc TPHCM bỏ ra hơn 250 tỉ đồng chỉ như để làm bài toán kinh doanh và tính toán sau một thời gian sẽ có lợi nhuận trên con số này. Đây chỉ là một cách kiểm soát vô nghĩa và không khả thi.

Một người dân ở Q.7 bức xúc: “Tôi di chuyển từ Q.7 qua nhà mẹ ở Gò Vấp, không vào trung tâm nhưng phải đi ngang, thế thì cũng bị thu tiền hay sao? Nếu vậy thì rất vô lý? Nếu thế thì phải mở đường ven để chúng tôi còn sự lựa chọn. Chứ hiện có mỗi một đường thế thì là ép dân để tận thu”?

Ở góc độ nhìn mối quan hệ của người dân và chính quyền địa phương, chị Đinh Anh Lan chia sẻ: “Với giải pháp như thế này góp phần đẩy người dân và chính quyền ngày càng xa cách nhau hơn. Người dân thấy ko được chính quyền quan tâm - trăn trở tìm các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống mà chỉ thấy đang bị thu thêm tiền thuế với đủ thứ trạm thu phí bao quanh TP”.

“Dĩ nhiên, Sở GTVT TPHCM và đơn vị tư vấn đã nghiên cứu đến việc giảm tải tình trạng kẹt xe vì đây là vấn đề chính mà đề xuất hướng tới. Tuy nhiên, người đi ô tô khi có nhu cầu vào khu vực trung tâm thành phố thì ít nhiều cũng có điều kiện nên công việc quan trọng hơn thì dù trả thêm một khoản phí họ cũng phải đi – có nghĩa là họ chấp nhận trả tiền để đi vào trung tâm. Hơn nữa, việc thiết lập 34 trạm thu phí sẽ chính là điểm kẹt do các phương tiện lưu thông ùn ứ vì các tuyến đường này không chỉ có xe ô tô mà còn có cả xe máy và nhiều phương tiện khác nữa. Mặc khác, còn một kịch bản có thể xảy ra là kẹt xe ở những trục giao thông để “né trạm thu phí”. Những khu vực đó là vùng ngoài khu vực thiết lập hệ thống thu phí. Mà giả sử đi từ quận 7 ra sân bay Tân Sơn Nhất né trạm thu phí thì đành phải chạy vòng qua Nguyễn Tri Phương hoặc về hướng quận 2, Bình Thạnh – Gò Vấp… Bởi vậy, tôi thấy đề xuất trên không phù hợp với mục tiêu mà đề án này đưa ra. Việc xây dựng trạm thu phí để bổ sung nguồn ngân sách thì càng không hợp lý vì bản thân xe ô tô cũng đã đóng một khoản phí bảo trì đường bộ, rồi thuế môi trường…”.

TS Trương Hoàng Trương - Trưởng Bộ môn

Quy hoạch Kinh tế - Xã hội đô thị, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM

Như Ý

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.