UBND TPHCM vừa có tờ trình HĐND TPHCM về việc ban hành nghị quyết quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024 - 2025 và các năm học tiếp theo.
Giảm học phí tất cả cấp học
Mức học phí được UBND TPHCM đề xuất áp dụng cho năm học 2024 - 2025 được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 dành cho học sinh ở địa bàn TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân. Nhóm 2 dành cho học sinh tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Theo đó, học phí cho tất cả học sinh ở nhóm 1 được giảm, nhiều nhất ở cấp THCS, từ 300.000 đồng/tháng xuống còn 60.000 đồng/tháng. Ở cấp học còn lại, học phí giảm từ 100.000 - 180.000 đồng mỗi tháng. Với nhóm 2, thành phố chỉ đề xuất giảm cho bậc THCS và THPT, mức giảm lần lượt là 70.000 đồng/tháng và 100.000 đồng/tháng. Nhìn chung, mức thu học phí mới được đề xuất cho năm học 2024 - 2025 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 và giảm so với năm học 2023 - 2024.
Cũng theo tờ trình này, học phí đối với cấp tiểu học không phải là mức thu thực tế cho phép thu, chỉ làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và học sinh tiểu học tư thục thuộc diện được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Theo đại diện UBND TPHCM, sở dĩ có việc trên bởi từ năm học 2024 - 2025, thành phố điều chỉnh mức thu học phí bằng năm học 2021 - 2022 theo quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Tháng 12/2023, HĐND TPHCM thông qua chính sách đặc thù hỗ trợ học phí năm học 2023 - 2024. Chính sách được áp dụng cho trẻ em mầm non, học sinh THCS, THPT công lập, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (không bao gồm học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài). Trong năm học 2023 - 2024, học sinh THCS được miễn học phí (hỗ trợ 100%). Tổng kinh phí hỗ trợ cho chính sách này là 1.847 tỷ đồng. Trong đó, số tiền miễn của cấp THCS là 1.108 tỷ đồng.
Phụ huynh bớt nỗi lo
Trước thông tin UBND TPHCM đề xuất giảm học phí cho học sinh trong năm học 2024 - 2025, nhiều người bày tỏ sự vui mừng. Nỗi lo các khoản thu đầu năm học của phụ huynh được giảm bớt, đặc biệt với gia đình có thu nhập trung bình hoặc đông con đi học.
Chị Vũ Thị Nga (39 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, đây là tin vui dành cho tất cả gia đình đang có con em trong độ tuổi đi học. Miễn giảm học phí - khoản tiền tuy không lớn so với nhiều chi phí khác nhưng sẽ bớt gánh nặng đối với gia đình có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. “Đây là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm của ngành Giáo dục, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt đối với nhiều phụ huynh. Từ đó, tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục học tập, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn”, chị Nga nói.
Tương tự, chị Vũ Thị Thu Phương (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM), có 3 con đang tuổi đi học (lớp 2, 4 và 7) cũng đón nhận thông tin trên trong sự hạnh phúc. Vợ chồng chị Phương làm công nhân, tổng tiền lương khoảng gần 17 triệu/tháng. Trong một năm học, chị chi gần 8 triệu tiền học phí, chưa kể các khoản bán trú và học Anh văn, Tin học… cho 3 đứa. “Gia đình có điều kiện và có một con học, vài trăm nghìn học phí mỗi tháng không nhiều. Tuy nhiên, với gia đình đông con, học phí cùng các khoản chi phí khác tạo ra sức ép không nhỏ”, chị chia sẻ.
Trong tờ trình của UBND TPHCM về đề xuất chính sách học phí trên, thành phố cho rằng, điều chỉnh mức học phí năm học 2024 - 2025 về lại mức đã ban hành cho năm học 2021 - 2022 làm giảm nguồn thu của các trường, ảnh hưởng đến mức độ tự chủ tài chính tự đảm bảo chi thường xuyên mà các đơn vị đã xây dựng và được giao quyền giai đoạn 2023 - 2024. Việc này có thể dẫn đến phải điều chỉnh phương án tự chủ tài chính, phân loại tự chủ và mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho các đơn vị do nguồn thu bị giảm, ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của đơn vị.
ThS Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1, TPHCM) đánh giá, chính sách trên của TPHCM là nhân văn, tích cực và có tác động tích cực với ngành Giáo dục. Thầy Khoa nêu dẫn chứng, nếu không được hỗ trợ học phí, ở cấp THCS, mỗi phụ huynh phải đóng khoảng 2,7 triệu đồng/năm (tương ứng 300.000 đồng/tháng/học sinh cho năm học 9 tháng).
Với chính sách này, học phí THCS là 60.000 đồng/tháng, tương ứng 540.000 đồng/năm, tức là giảm khoảng 5 lần so với mức cũ. Trên thực tế, trong năm học qua, TPHCM cũng hỗ trợ 100% học phí cho học sinh THCS. “Không chỉ san sẻ với những gia đình khó khăn, chính sách trên còn có tác động về tâm lý, xã hội, ngay cả những phụ huynh có thu nhập khá. Bởi người dân sẽ cảm thấy chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục. Phụ huynh sẽ càng quan tâm hơn cho việc học của con”, thầy Khoa cho biết.
Nhiều lãnh đạo các trường phổ thông ở TPHCM cho biết, nhiều năm trước, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng về thu nhập, việc làm và đời sống của người dân, HĐND thành phố đã ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ phần chênh lệch mức học phí tăng thêm, nhằm góp phần bình ổn giá và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân.
Qua 3 năm học triển khai, việc thực hiện chính sách hỗ trợ học phí đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân. Do đó, đề xuất giảm học phí mới đây của TPHCM sẽ có ý nghĩa tích cực với người dân.
UBND TPHCM cũng có tờ trình HĐND TPHCM về ban hành nghị quyết quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục thay thế cho Nghị quyết 04 áp dụng năm học 2023 - 2024 đã hết hiệu lực thi hành. Theo đó, UBND TPHCM đề xuất điều chỉnh một số khoản thu như: Tăng mức thu tối đa đối với dịch vụ sử dụng máy lạnh từ 50.000 đồng lên 110.000 đồng/học sinh/tháng đối với các phòng học chưa được trang bị sẵn máy lạnh phải đi thuê; điều chỉnh tiền tổ chức nuôi dạy trẻ mầm non trong hè thành dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ngoài giờ, trong đó bao gồm dịch vụ trông giữ trẻ trong ngày nghỉ (không bao gồm ngày lễ, Tết và tiền ăn)...