Đề xuất điều chỉnh lương hưu đối với một số lao động nữ

GD&TĐ - Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu đối với số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021.

Sắp có Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu đối với số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021
Sắp có Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu đối với số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021

Theo cơ quan soạn thảo, từ ngày 1/1/2018, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 bên cạnh một số ưu điểm, quy định thay đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ đã làm phát sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 1/1/2018.

Cụ thể: Do quy định công thức tính lương hưu của nam được áp dụng nhưng có lộ trình thay đổi dần trong thời gian 5 năm còn của nữ thì áp dụng thay đổi ngay trong năm 2018 nên dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (từ 1% đến 10%). Đồng thời, cũng tạo ra tâm lý so sánh giữa lao động nữ và lao động nam (lao động nam chỉ giảm 1% đến 2%).

Theo số liệu dự báo của BHXH Việt Nam, với việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 sẽ có mức lương hưu bị thiệt hơn trong mối tương quan với lao động nam và lần lượt là 20,5 nghìn người vào năm 2018; 22 nghìn người vào năm 2019; 23,5 nghìn người vào năm 2020 và 25,1 nghìn người vào năm 2021.

Qua đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH cũng như ý kiến tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho thấy cần thiết có giải pháp hỗ trợ đối với số lao động nữ bị thiệt do thay đổi  công thức tính lương hưu.

Ngày 14/5/2018, Chính phủ có Tờ trình số 231/TTr-CP đề nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018, trong đó đề xuất phương án, mục đích, nguyên tắc, phạm vi, đối tượng, nội dung điều chỉnh và dự kiến nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, ngày 15/6/2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 64/2018/QH14, trong đó giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu.

Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH thì tùy vào thời gian đã đóng BHXH được điều chỉnh tăng lương hưu thêm một khoản tiền được tính theo mức sau: Tiền lương hưu tính theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 hoặc Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đóng BHXH và thời điểm nghỉ hưu (theo bảng phân loại cụ thể được đề xuất trong dự thảo).

Toàn văn dự thảo Nghị định về việc điều chỉnh lương hưu đối với số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 hiện đang được đăng tải để lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ LĐ-TB&XH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ