Ngày 4/12, thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tại các đô thị loại 1 và loại đặc biệt, xe hợp đồng chở công nhân, chuyên gia được đón trả khách theo địa điểm ghi trong hợp đồng.
Với hợp đồng cá nhân (xe hợp đồng đang chạy trá hình tuyến cố định) đang đón trả khách tại một hoặc nhiều điểm cố định của công ty kinh doanh vận tải sẽ thực hiện đón, trả khách tại bến xe hoặc địa điểm do UBND cấp tỉnh, thành phố công bố.
Nghị định bổ sung, sửa đổi lần này cũng quy định xe du lịch không được đón trả khách thường xuyên từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong 1 tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng gần 400.000 xe kinh doanh vận tải khách (tuyến cố định là 17.000 xe và xe hợp đồng chiếm số lượng áp đảo với khoảng 220.000 xe).
Đáng chú ý, khoảng 60.000 xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM đi các tỉnh xung quanh trong bán kính dưới 200km.
Loại hình xe này đang thực hiện đón trả khách ở một hay một số địa điểm cố định tại các văn phòng trong nội thành trái quy định mà không gặp bất kỳ rào cản nào.
Lực lượng chức năng cũng rất khó xử lý do vướng mắc về chính sách do việc phân loại loại hình kinh doanh trong Luật Giao thông đường bộ 2008 không còn phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ.
Xe tuyến cố định và xe hợp đồng, xe taxi với xe hợp đồng dưới 9 chỗ có cùng phân khúc khách hàng, điều kiện kinh doanh khác nhau nhưng hoạt động tương tự nhau nên đã tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho quản lý.