Đề xuất bảo vệ khẩn cấp “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”: Trách nhiệm của niềm vui

Đề xuất bảo vệ khẩn cấp “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”: Trách nhiệm của niềm vui

Như vậy, trong tương lai nếu hồ sơ này “thuyết phục” được UNESCO thì có lẽ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ là nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được ghi danh ở tầm thế giới.

Có thể nói, đây sẽ là niềm vui, niềm tự hào của người Việt Nam nói chung và của các nghệ nhân làng tranh dân gian Đông Hồ qua bao năm bền bỉ gắng gỏi giữ nghề nói riêng.  

Nhưng, trong niềm vui ấy không khỏi se sắt buồn – nỗi buồn về một làng nghề “vàng son” vậy mà nay trở thành “cần bảo vệ khẩn cấp”. Nếu ngược trở lại lịch sử hàng mấy trăm năm của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ thì vẫn còn đó những ký ức nhà nhà làm tranh để những bức tranh dân gian độc đáo đến với muôn nhà từ Bắc chí Nam… 

Vả lại, cái nghề được cha ông truyền lại từ đời này sang đời khác ấy đã từng nuôi sống cả một vùng quê, đã từng lấp lánh trong thi ca: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…” (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm).

Thế mà, nay điểm đi điểm lại làng Đông Hồ cũng chỉ còn dăm ba nghệ nhân giữ nghề, còn cả làng chuyển sang làm… vàng mã để mưu sinh. Với các nghệ nhân, họ giữ nghề không phải để mưu sinh mà là vui thú tuổi già gần đất xa trời. 

Thật mong manh biết bao nhiêu khi nghề xưa vẫn có thể truyền lại cho con, cho cháu nhưng chắc chắn rằng, sự thất truyền một số kỹ thuật làm tranh cổ đã và đang xảy ra là không thể tránh khỏi.

Nỗi buồn này thực ra không có gì mới – đã từng được cảnh báo từ mấy chục năm qua nhưng dường như chưa bao giờ được quan tâm đúng mức. Ngay cả khi làm hồ sơ để đệ trình lên UNESCO thì mỗi khi gặp nghệ nhân làm tranh dân gian Đông Hồ chúng ta vẫn chỉ được thấy những nụ cười không trọn vẹn vì còn đó biết bao nỗi niềm trăn trở về tương lai của làng nghề. 

Liệu rằng, sau đôi ba thế hệ còn cố gắng “giữ lửa” nghề sau đó còn mấy ai mặn mà khi tranh không bán được? Liệu rằng, tranh Đông Hồ cũng trở thành ký ức giống các dòng tranh dân gian khác hay không?

Bởi vậy, trách nhiệm của niềm vui đối với nghề làm tranh dân gian Đông Hồ khi được xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp càng lớn hơn bao giờ hết. 

Thiết nghĩ, trách nhiệm này không thể thuộc về riêng các nghệ nhân, mà còn thuộc về những chính sách văn hóa từ các cơ quan có thẩm quyền để mỗi sự vinh danh của thế giới luôn là xứng đáng, đừng để lại là “cần bảo vệ khẩn cấp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.