Mục đích chủ yếu xây dựng website của các cơ quan Nhà nước không chỉ cung cấp thông tin về cơ sở mình, trao đổi nắm bắt thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống Nhà nước với nhau, mà còn là kênh thông tin kết nối giữa cơ quan với người dân một cách hiệu quả, hỗ trợ toàn bộ quy trình từ việc xin giấy phép, thủ tục hành chính, trả lời câu hỏi của người dân...
Đối với doanh nghiệp website là phương tiện cung cấp, cập nhật thông tin nhằm quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm hữu hiệu nhất. Vì vậy, việc cập nhật thông tin liên tục là điều quan trọng nhất trong việc duy trì hoạt động của website.
Tuy nhiên, việc một số cơ quan, đơn vị dù không đủ năng lực, kinh phí, nhân lực để quản lý, điều hành, duy trì hoạt động của các website cũng cố đầu tư một khoản kinh phí rất lớn để xây dựng website riêng theo kiểu phong trào, có website cho “bằng chị, bằng em” mà không phát huy hiệu quả tích cực, thiết thực của nó.
Thông thường mới đầu triển khai xây dựng thì hăng hái, tích cực nhưng sau một thời gian thì bỏ bê, không truy cập, cập nhật thông tin mới, nhất là các quy định pháp luật hoặc vấn đề đã thay đổi từ lâu vẫn còn trên website đã gây phản cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Minh chứng là hiện nay khi vào không ít website đăng các thông tin đã quá cũ, lạc hậu, thậm chí sai lệch, không chính xác.
Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan, nhất là ngành thông tin và truyền thông cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này, nhằm phát huy vai trò hữu ích, thiết thực của các website trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, góp phần hạn chế các sai sót, bất cập do việc chậm cập nhật, thay đổi, bổ sung các thông tin đã cũ, lạc hậu hoặc thông tin, văn bản, thủ tục đã hết hiệu lực pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp tổ chức, công dân và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước.